Quốc tế

Những thách thức hạt nhân 100 ngày đầu tiên và xa hơn đối với chính quyền Biden

Sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ Biden phải đối mặt với một loạt thách thức lớn, trong đó, có thách thức liên quan đến những rủi ro do vũ khí hạt nhân gây ra.

Gia tăng phổ biến vũ khí hạt nhân – thách thức không hề nhỏ mà nhân loại phải đối mặt / Hải quân Ukraine lắp vũ khí Mỹ trên tàu lớp Island

Trong bối cảnh căng thẳng giữa các cường quốc gia hạt nhân trên thế giới và nguy cơ sử dụng hạt nhân ngày càng gia tăng, hàng tỷ USD đang được chi để thay thế và nâng cấp vũ khí hạt nhân, các thỏa thuận quan trọng giúp kiểm soát cạnh tranh hạt nhân đã hết hiệu lực hoặc đang gặp trục trặc nghiêm trọng..., sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ Biden phải đối mặt với một loạt thách thức lớn, trong đó, có thách thức liên quan đến những rủi ro do loại vũ khí khủng khiếp này gây ra.

Chính quyền tân Tổng thống Beiden đang đứng trước nhiều thách thức lớn, trong đó có thách thức về chính sách hạt nhân. Nguồn: exchange.nottingham.ac.uk
Chính quyền tân Tổng thống Beiden đang đứng trước nhiều thách thức lớn, trong đó có thách thức về chính sách hạt nhân. Nguồn: exchange.nottingham.ac.uk

Những thách thức hạt nhân

Theo ấn bản tháng 1-2/2021 của armscontrol.org, tình hình trở nên phức tạp do sự lơ là và lựa chọn chính sách của Tổng thống Trump và chính quyền tiền nhiệm. Trong 4 năm qua, chính quyền Trump đã khiến hầu hết mọi thách thức về chính sách hạt nhân mà Mỹ phải đối mặt trở nên tồi tệ hơn. May mắn thay, Biden có một bề dày kinh nghiệm giải quyết các vấn đề an ninh liên quan đến vũ khí hạt nhân. Không giống như người tiền nhiệm của mình, Joe Biden có cam kết cá nhân mạnh mẽ về việc kiểm soát hiệu quả, không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân từ những ngày đầu ông làm việc tại Thượng viện và tiếp tục trong những ngày cuối cùng với tư cách là Phó Tổng thống dưới thời Obama.

Trong phân tích của mình, armscontrol.org đã phác thảo năm nhóm thách thức và quyết định chính sách về vũ khí hạt nhân quan trọng nhất mà chính quyền mới của Biden sẽ cần giải quyết trong 100 ngày đầu tiên và xa hơn, cùng với các khuyến nghị để đối phó hiệu quả với từng thách thức này: Phục hồi và phát triển cơ quan kiểm soát vũ khí hạt nhân; giảm dư dôi vũ khí hạt nhân của Mỹ; ổn định kế hoạch hành động toàn diện chung; khởi động phi hạt nhân hóa và ngoại giao hòa bình với Triều Tiên; khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ về không phổ biến và giải trừ quân bị đa phương.

Nếu theo đuổi, những hành động và quyết định liên quan sẽ giúp Mỹ và thế giới an toàn hơn trước các mối đe dọa do vũ khí hạt nhân gây ra. Những bước ban đầu này cũng sẽ tạo cho chính quyền vị thế tốt hơn để theo đuổi các sáng kiến giảm thiểu và loại bỏ rủi ro hạt nhân lâu dài và sâu rộng hơn trong bốn năm tới.

Chính quyền Biden cần một chiến lược hạt nhân hoàn hảo

 

Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1 với tư cách là Tổng thống thứ 46 của Mỹ, quyền tuyệt đối ra lệnh sử vũ khí hạt nhân đã được chuyển giao cho ông Joe Biden. Đó là một lời nhắc nhở đáng ngại về những trách nhiệm to lớn của Tổng thống và những rủi ro của việc sử dụng hạt nhân do ngẫu nhiên, tính toán sai lầm, leo thang nhanh chóng hoặc do cảnh báo sai vốn có trong chiến lược hạt nhân của Mỹ.

Mặc dù chính quyền Trump đã làm trầm trọng thêm mọi thách thức hạt nhân mà Mỹ phải đối mặt bằng cách gia tăng căng thẳng hạt nhân và nguy cơ sử dụng, dỡ bỏ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng và tăng cường khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong an ninh quốc gia, những quan điểm cố chấp và những suy nghĩ sai lầm về việc kiểm soát leo thang đã làm quay trở lại nguy hiểm niềm tin Mỹ có thể chiến đấu và “chiến thắng” trong một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Dưới thời Trump, sai lầm chống lại chiến tranh hạt nhân này đã dẫn đến việc mở rộng các trường hợp sử dụng hạt nhân chống lại các cuộc tấn công phi hạt nhân bao gồm các cuộc tấn công mạng, triển khai tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm với đầu đạn hạt nhân công suất thấp và các kế hoạch hạt nhân mới, có khả năng sử dụng cao hơn so với tên lửa hành trình. Những vũ khí mới này làm tăng thêm chi phí vốn đã quá lớn cho các kế hoạch nâng cấp các thành phần trên bộ, trên biển và trên không của bộ ba hạt nhân - đã tăng lên 1,5 nghìn tỷ USD và có khả năng tiếp tục tăng.

Các kế hoạch hiện tại về duy trì an toàn và an ninh của kho vũ khí hạt nhân vượt ra ngoài việc nâng cấp an toàn và thu hút hàng tỷ USD từ các nhu cầu thực tế, chẳng hạn như nhà ở, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Ngay cả trong ngân sách quốc phòng, mức giá hiện đại hóa hạt nhân ngày càng tăng so với các ưu tiên quốc phòng khác. Tháng 12/2020, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật quốc phòng trị giá 740 tỷ USD, bao gồm 44,5 tỷ USD cho vũ khí hạt nhân. Sự tàn phá của đại dịch COVID-19 và những tác động hữu hình ngày càng tăng của biến đổi khí hậu đã dấy lên lời kêu gọi Mỹ đánh giá lại các ưu tiên của mình.

Mỹ đang ở một điểm quyết định quan trọng, có thể tiếp tục duy trì các chính sách hạt nhân gây rủi ro nhiều hơn lợi ích và đầu tư các nguồn lực quý giá cho kho vũ khí hạt nhân cồng kềnh, hoặc có thể lùi lại và xem xét lại chiến lược hạt nhân của mình, chuyển từ chiến tranh hạt nhân sang chiến lược chỉ mang tính răn đe dựa trên khả năng tấn công thứ hai nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân vào Mỹ và các đồng minh.

 

Về phần mình, Biden đã chủ trương giảm vai trò của vũ khí hạt nhân đối với an ninh quốc gia. Bước khẩn cấp nhất mà ông có thể thực hiện để biến những cam kết về hạt nhân của mình thành hiện thực là gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) với Nga trong 5 năm, trước khi hiệp ước này hết hạn vào ngày 5/2. Bằng cách duy trì giới hạn đối với hai kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới và cái nhìn sâu sắc về kho vũ khí hạt nhân của Nga giúp các quan chức không thể lập kế hoạch dựa trên các tình huống xấu nhất; kéo dài START mới sẽ giúp chính quyền Biden có cơ sở vững chắc hơn khi đánh giá và phát triển chiến lược hạt nhân của Mỹ.

Cẩm nang hạt nhân của Biden sẽ cần chuyển Mỹ sang một chiến lược chỉ mang tính răn đe. Mấu chốt của vấn đề này là áp dụng chính sách không sử dụng trước, tuyên bố Mỹ sẽ không bao giờ sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trước. Nước này cũng nên chấm dứt các kế hoạch sử dụng hạt nhân chống lại các lực lượng hạt nhân đối phương, chấm dứt các chính sách cảnh báo phóng và đưa tất cả vũ khí hạt nhân ra ngoài tình trạng báo động cao. Thực hiện từng bước này sẽ làm giảm nguy cơ sử dụng hạt nhân trong khi vẫn duy trì một biện pháp răn đe hạt nhân đáng tin cậy.

Không có kịch bản hợp lý nào trong đó việc sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên có ý nghĩa đối với an ninh của Mỹ hoặc đồng minh. Các động thái cảnh báo và sử dụng đầu tiên đặt ra hạn chế đáng kể về thời gian và gây áp lực lên Tổng thống trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân trước hoặc có khả năng cảnh báo sai về một cuộc tấn công sắp xảy ra. Hành động như vậy không có chỗ đứng trong môi trường an ninh thế kỷ 21.

Theo hướng Cẩm nang này, chính quyền Biden nên định hướng lại lực lượng hạt nhân để củng cố uy tín, đảm bảo khả năng tồn tại và tiết kiệm hàng tỷ USD chi tiêu không cần thiết. Các chương trình vũ khí mới của Trump có thể bị hủy bỏ và Mỹ có thể chuyển sang lực lượng răn đe hạt nhân gồm các tàu ngầm chiến lược - thành tố với 650 đầu đạn có khả năng sống sót cao nhất trong bộ ba chiến lược. Để phòng thủ trước các mối đe dọa từ chiến tranh chống tàu ngầm hoặc những khiếm khuyết kỹ thuật không mong muốn trong tương lai, Mỹ có thể giữ một lực lượng dự bị gồm máy bay ném bom chiến lược cùng 450 đầu đạn.

Hơn lúc nào hết, nước Mỹ cần một chính sách hạt nhân hoàn hảo; Nguồn: huffingtonpost.co.uk
Hơn lúc nào hết, nước Mỹ cần một chính sách hạt nhân hoàn hảo; Nguồn: huffingtonpost.co.uk

Chương trình thay thế tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), được gọi là Hệ thống răn đe chiến lược trên mặt đất (GBSD), nên bị hủy bỏ và chính quyền Biden nên bắt đầu quá trình loại bỏ ICBM - công cụ của đòn tấn công đầu tiên và làm tăng nguy cơ vô tình sử dụng. Theo chiến lược chỉ mang tính răn đe, chúng là một hàng rào không cần thiết được bổ sung vào hàng rào các máy bay ném bom dự bị. Biden cũng nên loại bỏ một số kế hoạch đầu đạn, bao gồm W87-1 dự kiến triển khai trên hệ thống GBSD và giảm yêu cầu sản xuất mỏ plutonium xuống còn 30 mỏ mỗi năm, loại bỏ nhu cầu về mỏ mới. Thực hiện một số thay đổi này sẽ tiết kiệm hơn 100 tỷ USD trong 10 năm.

 

Một số khoản tiết kiệm nên được phân bổ lại để tăng cường hệ thống chỉ huy, kiểm soát và liên lạc và cảnh báo sớm hạt nhân, mà các chuyên gia đã mô tả là gót chân Achilles của chiến lược hạt nhân. Khoản tiết kiệm cũng có thể được phân bổ lại để cung cấp nhiều lựa chọn phi hạt nhân hơn cho các nhà hoạch định quân sự hoặc tốt hơn - chống lại các thách thức an ninh thực sự như đại dịch và biến đổi khí hậu. Điều quan trọng là bất kỳ thay đổi nào đối với chiến lược hạt nhân của Mỹ phải được thực hiện với sự tham vấn chặt chẽ của các đồng minh của Mỹ.

Sự tham gia nên bắt đầu sớm trong năm đầu tiên của Biden, khi ekip của ông phát triển sách lược hạt nhân của mình. Công việc tái khẳng định và củng cố các cam kết của Mỹ đối với an ninh đồng minh nên bao gồm các cuộc thảo luận về vai trò của vũ khí hạt nhân trong việc răn đe mở rộng, những rủi ro của chính sách hạt nhân hiện tại của Mỹ và sự ổn định gia tăng của chiến lược chỉ mang tính răn đe. Chính quyền Biden cũng nên làm việc để có được sự ủng hộ của Quốc hội và lên tiếng ủng hộ các chương trình hỗ trợ nạn nhân hạt nhân như Đạo luật Bồi thường Phơi nhiễm Bức xạ.

Mỹ có thể thực hiện một chiến lược chỉ mang tính răn đe mà không có các bước kiểu “có đi có lại” từ Nga, mặc dù về mặt lý tưởng, chiến lược này sẽ đóng vai trò như một kế hoạch chi tiết cho việc tiếp theo New START. Dù bằng cách nào, Biden nên khuyến khích các cuộc trao đổi về chính sách tuyên bố và giảm thiểu rủi ro hạt nhân giữa các quốc gia có vũ khí hạt nhân, dựa trên mô hình Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân. Đây sẽ là một bước cơ bản để trở lại con đường hướng tới mục tiêu cuối cùng là một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Mỹ không thể duy trì các chính sách và ưu tiên đầu tư vào các hệ thống làm tăng nguy cơ thảm họa hạt nhân trong khi tiếp tục bác bỏ thực tế của các mối đe dọa hiện hữu đối với an ninh của Mỹ và toàn cầu, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và đại dịch. Phân tích của các chuyên gia đã chỉ ra những trở ngại đối với một chiến lược chỉ mang tính răn đe không mang yếu tố quân sự mà là chính trị. Biden có thể và nên tận dụng cơ hội này để nâng cao vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc giảm vai trò của vũ khí hạt nhân đối với an ninh quốc gia, giúp thế giới an toàn hơn.

Bằng cách chuyển sang chiến lược chỉ mang tính răn đe, Biden có thể tách Mỹ và các đồng minh khỏi các chính sách gây chiến đã lỗi thời và nguy hiểm, duy trì một biện pháp răn đe đáng tin cậy đồng thời mang lại sự ổn định cao hơn với chi phí thấp hơn, giảm sự phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân và đạt được tiến bộ trên lộ trình tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm