Quốc tế

Nỗ lực duy trì khả năng răn đe chiến lược của Không quân Mỹ

Trong vài thập kỷ gần đây, do thiếu nguồn đầu tư, lực lượng máy bay ném bom tầm xa của Không quân Mỹ đang giảm dần cả về chất và lượng. Để khắc phục vấn đề này, giới chức Không quân Mỹ đã đặt ra kế hoạch đầy tham vọng duy trì khoảng 225 máy bay ném bom tầm xa chiến lược trong vài thập niên tới, nhưng mục tiêu này khó có thể đạt được.

Azerbaijan biến An-2 thành máy bay không người lái / Estonia đe dọa đóng cửa lối đi qua Vịnh Phần Lan với tàu chiến Nga

Số lượng máy bay ném bom của Mỹ đang ở mức tối thiểu

Vào thời điểm Chiến tranh Lạnh kết thúc, Không quân Mỹ sở hữu lực lượng máy bay ném bom chiến lược tầm xa quy mô và hiện đại hàng đầu thế giới. Theo con số thống kê vào năm 1991, Không quân Mỹ sở hữu khoảng 227 máy bay ném bom các loại như: B-52H, B-1B và B-2A.

Tuy nhiên, con số này đang giảm mạnh qua vài thập niên qua. Tạp chí The Military Balance mới đây đăng tải báo cáo của Bộ tư lệnh Tấn công toàn cầu Mỹ cho biết, Không quân Mỹ hiện chỉ còn sở hữu 139 máy bay ném bom chiến lược (20 máy bay B-2A, 61 chiếc B-1B và 58 chiếc B-52H). Điều đáng chú ý hơn là chỉ có khoảng 46 máy bay trong số đó có đủ năng lực mang vũ khí hạt nhân. Nhiều máy bay ném bom đã phải chuyển sang chế độ niêm cất do không đảm bảo được các yếu tố kỹ thuật và thiếu nguồn phụ tùng thay thế. Với khoảng 11 không đoàn máy bay ném bom chiến lược hiện có, Không quân Mỹ chỉ đủ duy trì khả năng răn đe hạt nhân ở mức tối thiểu và con số này sẽ còn giảm mạnh trong thời gian tới do phần lớn các máy bay ném bom đều đã cũ. Để duy trì hoạt động của các đơn vị máy bay ném bom chiến lược, Không quân Mỹ đang cần một chương trình nâng cấp tổng thể trị giá nhiều tỷ USD. Đây chính là nút thắt chưa tìm ra điểm gỡ.

Máy bay ném bom B-2A.

Việc loại bỏ dần các dòng máy bay ném bom hiện đại như B-1B đang khiến không quân chiến lược Mỹ không bảo đảm khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Tại hội thảo Hiệp hội Không quân quân sự M diễn ra cuối năm 2019, lãnh đạo Bộ tư lệnh Tấn công nhanh toàn cầu Mỹ, tướng Timothy Ray đã nhấn mạnh việc không quân chiến lược Mỹ đang quá lạc hậu và khó có thể hoàn thành các nhiệm vụ chiến lược trong bối cảnh vũ khí phòng không đang có sự phát triển mạnh mẽ cả về tầm bắn và độ chính xác. Điều này khiến máy bay chiến lược dễ tổn thương hơn trên chiến trường.

Ông Timothy Ray đánh giá, Không quân Mỹ cần tối thiểu khoảng 225 máy bay ném bom các loại để tăng số lượng không đoàn máy bay ném bom lên con số 16 tới năm 2040. Tuy nhiên, mục tiêu này cần nguồn tài chính đáng kể qua hằng năm để thực hiện.

Con số 225 có khả thi?

Hãng tin quân sự Flight Global đánh giá, Không quân Mỹ dự kiến trong tương lai gần sẽ đưa vào trang bị khoảng 100 máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider mới và duy trì hoạt động của 75 máy bay ném bom B-52H hiện có, nhưng tổng số máy bay ném bom của Mỹ vẫn giảm do việc loại biên chế các đơn vị B-2A và B-1B. Số lượng máy bay ném bom khả thi có thể duy trì chỉ ở mức 175 máy bay.

Việc đặt ra mục tiêu trong vòng 2 thập niên tới đưa vào trang bị 70-80 máy bay mới để thành lập 5 không đoàn không quân chiến lược mới là bất khả thi với nguồn tài chính được phân bổ hằng năm của Không quân Mỹ. Điều này chỉ có thể thực hiện được với những biến động lớn về địa chính trị khiến quân đội Mỹ phải điều chỉnh chiến lược phát triển quân đội.

 

Ông Timothy Ray nhận định, Không quân Mỹ hiện có 2 hướng để đạt mục tiêu về số lượng máy bay ném bom chiến lược là 225 đơn vị. Đầu tiên, Không quân Mỹ có thể tăng số lượng máy bay B-21 đặt mua để bù vào số lượng thiếu hụt của các đơn vị B-1B và B-2A bị loại biên. Tuy nhiên, nguồn tài chính phải bỏ ra để mua sắm tới 50 máy bay B-21 là không hề nhỏ và khó có thể được lưỡng viện Quốc hội Mỹ chấp thuận. Phương án còn lại là cố gắng duy trì hoạt động của khoảng 80 máy bay B-1B và B-2A hiện có. Dù có tính khả thi cao, nhưng phương án này chỉ đáp ứng đủ cho Không quân Mỹ về lượng, còn khả năng sẵn sàng chiến đấu không cao do phần lớn các máy bay ném bom nêu trên đều đã ở cuối vòng đời sử dụng.


"Cặp đôi" B-52H và B-21 Raider (ảnh trên) sẽ là xương sống của không quân chiến lược Mỹ trong tương lai.

Giới chuyên gia quân sự quốc tế nhận định, nếu giảm quy mô lực lượng không quân chiến lược ở mức 175 máy bay, Không quân Mỹ sẽ có nhiều cơ hội hoàn thành mục tiêu. Xương sống của không quân chiến lược Mỹ sẽ là các không đoàn hỗn hợp giữa máy bay B-21 và B-52H.

Để bù đắp lại những thiếu hụt về công nghệ, Không quân Mỹ có thể tập trung vào các loại vũ khí tấn công chính xác cao tầm xa, trong đó có cả vũ khí siêu vượt âm tương lai. Vai trò của máy bay B-21 sẽ là tấn công đột kích, còn B-52H sẽ như lực lượng dự bị với chi phí rẻ. Vấn đề hiện tại của Không quân Mỹ là phải sớm đưa vào trang bị máy bay B-21 với mức giá chấp nhận được (khoảng 600 triệu USD/máy bay). Cùng với đó, các đơn vị B-52H cũng cần được nâng cấp sâu để đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại.

Rõ ràng, không quân chiến lược Mỹ sẽ được nâng cấp trong thập niên tới. Tuy nhiên, những kỳ vọng về sự nhảy vọt về số lượng và chất lượng của lực lượng này là không tồn tại. Chúng sẽ tiếp tục được duy trì ở mức chấp nhận được để dành nguồn lực cho các chương trình phát triển vũ khí mới, hiệu quả hơn.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm