Nối gót Su-57, xe tăng T-14 Armata của Nga lâm vào cảnh "đầu voi đuôi chuột"
Nhiều dự án vũ khí của Nga trong thời gian gần đây liên tục lâm vào tình trạng "đầu voi đuôi chuột", mặc dù khởi đầu rất hoành tráng nhưng sau đó đều gây thất vọng khi chậm trễ rất nhiều so với tiến độ đề ra ban đầu.
NATO sẽ khuất phục Nga, Trung Quốc bằng xe tăng nòng pháo siêu khủng 130mm? / Hàng loạt xe tăng T-54 Việt Nam sẽ được "độ" lại hệ thống kiểm soát hỏa lực
Mới đây, vụ tai nạn xảy ra với chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su-57 thuộc đợt sản xuất hàng loạt đầu tiên cho không quân Nga đã dẫn tới hậu quả nghiêm trọng là quá trình giao hàng sẽ chậm lại ít nhất 6 tháng để tìm lỗi kỹ thuật.
Đây là tình trạng chung của nhiều vũ khí tối tân được Nga nghiên cứu chế tạo trong thời gian vừa qua, cho dù được giới thiệu rất "hoành tráng" nhưng thực tế chúng đều khác xa so với kỳ vọng ban đầu.
Thực trạng trên có nguyên nhân vì cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan, sau trường hợp tiêm kích Su-57 chính là xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata và xe chiến đấu bộ binh T-15.
Sau màn ra mắt hoành tráng trên quảng trường Đỏ hồi năm 2015, giới chức quân sự Nga từng tự tin cho biết ngay trong năm đó xe tăng T-14 sẽ hoàn thành các bài kiểm tra cơ bản.
Kế hoạch ban đầu của Nga chính là sản xuất tới 2.300 chiếc T-14 Armata để bàn giao cho lục quân nước này trong giai đoạn từ khi đó cho tới năm 2025 để thay thế dòng T-72 và T-90.
Tuy nhiên sau đó dự định trên đã sớm bị phá sản, chiếc chiến xa mang nhiều kỳ vọng này liên tục bị thông báo phải tiến hành những chỉnh sửa lớn, thậm chí còn phải thiết kế lại nhiều chi tiết.
Thực trạng trên được các chuyên gia quân sự đánh giá rằng Bộ Quốc phòng Nga quá nóng vội và chạy theo thành tích khi buộc xe tăng T-14 Armata phải ra mắt trong tình trạng “đẻ non”.
Thậm chí Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov hồi năm 2018 còn phải tuyên bố Nga chưa cần chế tạo T-14 Armata vì T-72 và T-90 vẫn đáp ứng yêu cầu, phát biểu này bị nhận xét là do T-14 Armata đã gây thất vọng.
Dưới sức ép lớn từ truyền thông cũng như nhà sản xuất, tại triển lãm quân sự Army 2018, Bộ Quốc phòng Nga đã phải thông báo ký hợp đồng chế tạo 100 chiếc T-14 Armata và giao hàng trong năm 2020.
Nhưng mới đây Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, cựu giám đốc điều hành tập đoàn Kalashnikov Concern, ông Alexei Krivoruchko vừa cho biết, quá trình phát triển phương tiện chiến đấu trên khung gầm Armata tiếp tục bị trì hoãn.
Hiện tại xe tăng T-14 và xe chiến đấu bộ binh T-15 đã hoàn thành thử nghiệm sơ bộ nhưng dự kiến phải sau vài tháng tới thì quân đội Nga mới nhận 5 xe đầu tiên để thử nghiệm cấp nhà nước, tiến độ rõ ràng quá chậm.
Bên cạnh T-14 Armata, xe tăng T-90M Proryv sẽ đượcthử nghiệm cấp nhà nước trong tháng này, kỳ vọng sẽ tạo ra bước nhảy vọt lớn cho lực lượng thiết giáp của quân đội Nga nhằm tạo mũi nhọn chủ lực.
Tuy nhiên, đáng lẽ ra vũ khí này phải được chấp nhận đưa vào trang bị từ 10 năm trước, ngoài ra nó cũng không thể thay thế hoàn toàn cho T-14 Armata mà chỉ là giải pháp tình thế.
Cần lưu ý rằng các mốc thời gian trên vẫn là dự tính trong điều kiện lý tưởng, với tình hình thực tế của nền công nghiệp quốc phòng Nga thời gian gần đây thì có lẽ dự án sẽ còn phải chậm thêm vài năm nữa.
Ngoài ra cũng chưa có gì bảo đảm xe tăng T-14 Armata trong lô sản xuất hàng loạt đầu tiên đã khắc phục được mọi lỗi kỹ thuật và tránh lặp lại sự cố tương tự vừa xảy đến với tiêm kích Su-57.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo