Quốc tế

Phương Tây kiên quyết nói 'Không' với vùng cấm bay ở Ukraine: Ranh giới Rubicon

Bất chấp lời kêu gọi thống thiết của Tổng thống Ukraine, NATO cho đến nay vẫn không muốn trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột này, trong đó có cả việc thiết lập vùng cấm bay.

Ông Dmitry Peskov: "Đàm phán Nga-Ukraine không đáp ứng được kì vọng, rất ít tiến triển" / Đại sứ Trung Quốc ở Ukraine luôn mặc áo chống đạn, nói gặp phải cảnh tượng thót tim như trên phim

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã nhiều lần đề nghị Mỹ và NATO thiết lập vùng cấm bay phía trên vùng trời nước này để chống chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Nhưng cho đến nay phương Tây vẫn kiên quyết "nói không". Vì sao như vậy?

"Hãy đảm bảo rằng bầu trời Ukraine của chúng tôi được an toàn. Hãy đảm bảo các bạn cần làm những gì", Tổng thống Zelenskyy phát biểu trước các nghị sĩ tại Hạ viện Anh.

"Hãy đóng cửa bầu trời ngay bây giờ! Hãy ngăn chặn những vụ giết người!", ông Zelenskyy viết trên Twitter, cáo buộc Nga về các vụ không kích nhắm vào dân thường, điều mà Moscow bác bỏ.

Ranh giới "rubicon"

Tuy nhiên, cho đến nay, phương Tây vẫn phớt lờ.

Ngay cả khi các nước phương Tây thể hiện quyết tâm kiên định trong việc lên án hành động quân sự của Moscow, đồng thời tung ra một loạt các biện pháp trừng phạt tàn khốc để làm tê liệt bộ máy quân sự của họ, thì một vùng cấm bay với họ vẫn là "rubicon" (giới hạn khi đã vượt qua thì coi như là quyết định không lùi lại được nữa) mà các nước không muốn vượt qua.

Phương Tây kiên quyết nói Không với vùng cấm bay ở Ukraine: Ranh giới Rubicon - Ảnh 1.

Máy bay F-15E Strike Eagles tại căn cứ không quân ở Ba Lan ngày 28/2. Ảnh: Không quân Mỹ

Khái niệm vùng cấm bay - hay NFZ - bắt đầu xuất hiện vào đầu những năm 1990 trong Chiến tranh vùng Vịnh, khi một liên minh gồm 35 quốc gia hợp tác để đẩy lực lượng của Tổng thống Iraq Saddam Hussein ra khỏi Kuwait.

Về lý thuyết thì rất đơn giản: vùng cấm bay là vùng giới hạn mà máy bay bị cấm hoặc hạn chế bay không được phép bay thường vì lý do an ninh. Nó có thể được coi là khu vực trên không tương đương với một khu phi quân sự.

Tuy nhiên, trên thực tế, khái niệm này vừa phức tạp vừa rủi ro. Để thực thi nó, máy bay chiến đấu và giám sát cần được triển khai để phát hiện, xác định và nếu cần thiết, bắn hạ tất cả những máy bay vi phạm các điều khoản.

Năm 1991, Mỹ, Anh và Pháp đã lập vùng cấm bay ở miền bắc Iraq để ngăn lực lượng của Tổng thống Sadam Hussein tấn công người Kurd ở phía bắc và người Shiite ở phía nam đất nước.

Trong 10 năm, cho đến khi xâm lược Iraq năm 2003, Mỹ và các đồng minh đã thực hiện hơn 280.000 chuyến bay giám sát, theo Lầu Năm Góc. Các vùng cấm bay tương tự được NATO thiết lập với Bosnia và Herzegovina giai đoạn 1993-1995, đánh dấu lần tham chiến đầu tiên của liên minh trong một cuộc xung đột vũ trang.

 

Biện pháp này cũng được thực hiện tại Libya vào năm 2011 nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Qaddafi.

Giờ đây, khi Nga, không nao núng trước các lệnh trừng phạt quốc tế, tiếp tục tấn công bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không, ông Zelenskyy đang nỗ lực không ngừng kêu gọi liên minh áp đặt vùng cấm bay đối với Ukraine. "Chúng tôi lặp lại mỗi ngày: hãy đóng cửa bầu trời Ukraine", ông Zelenskyy nói.

"Bóng ma" chiến tranh hạt nhân và Thế chiến III

Trái ngược với Iraq, Bosnia và Libya, một vùng cấm bay ở Ukraine sẽ khiến NATO phải đối đầu với một cường quốc hạt nhân là Nga, với quân đội hùng mạnh thứ hai trên thế giới - điều mà các nhà lãnh đạo phương Tây rõ ràng muốn tránh.

"Tôi tin rằng tất cả những lời khuyến khích NATO tham gia vào cuộc xung đột quân sự hiện nay là vô trách nhiệm", Thủ tướng Lithuania Ingrida Simonyte nói.

 

Phương Tây kiên quyết nói Không với vùng cấm bay ở Ukraine: Ranh giới Rubicon - Ảnh 2.

Các nước phương Tây né tránh việc lập vùng cấm bay ở Ukraine vì lo ngại làm bùng nổ xung đột sâu rộng và khốc liệt trên khắp châu Âu. Ảnh: Getty

Tại Brussels, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh "lằn ranh đỏ" này mỗi khi một nhà báo đưa ra câu hỏi về nó.

"Chúng tôi hiểu rõ sự tuyệt vọng, nhưng nếu làm vậy thì nguy cơ có thể làm bùng nổ một cuộc chiến toàn diện ở châu Âu liên quan đến nhiều quốc gia hơn và nhiều đau khổ hơn", ông nói vào tuần trước.

Bởi vì nếu thực hiện theo yêu cầu của Tổng thống Zelenskyy, các quốc gia phương Tây phải triển khai máy bay chiến đấu của họ bên trong không phận Ukraine để theo dõi và đánh đuổi lực lượng Nga. Các hoạt động giám sát sẽ phải liên tục và có hệ thống, trải dài trên một bề mặt rộng lớn 603km².

Các nước phương Tây cũng buộc phải tấn công các hệ thống phòng không trên bộ của Moscow để bảo vệ máy bay của họ khỏi bị bắn hạ. Điều này có thể đặt ra những thách thức đáng kể cho liên minh vì một số hệ thống này có thể ở bên ngoài Ukraine, buộc NATO phải tấn công lãnh thổ của Nga hoặc Belarus để đảm bảo ưu thế trên không.

 

Kịch bản này rất có thể sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu công khai và trực tiếp mà các đồng minh rất muốn tránh và có thể kích hoạt Điều 5 của NATO về phòng thủ tập thể.

Những lo sợ về một cuộc chiến tranh hạt nhân tàn khốc, từ xa vời sẽ sớm trở thành hiện thực chỉ sau một đêm.

"Chúng tôi không phải là một phần của cuộc xung đột này. Và chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo nó không leo thang và lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine", Tổng thư ký NATO nói.

Rủi ro cao đến mức mà Mỹ thậm chí còn bác bỏ đề xuất của Ba Lan là gửi tất cả các máy bay chiến đấu MiG-29 đến cho Ukraine thông qua căn cứ của Mỹ ở Đức.

Vì điều này làm dấy lên "mối quan ngại nghiêm trọng đối với toàn bộ liên minh NATO" và nguy cơ xảy ra cuộc đối đầu với Điện Kremlin là ngay trước mắt.

 

Tại Moscow, Tổng thống Putin đã cảnh báo vùng cấm bay của bất kỳ bên thứ ba nào sẽ bị coi là "tham gia vào cuộc xung đột vũ trang", mặc dù ông cũng xem các biện pháp trừng phạt cứng rắn do phương Tây áp đặt như một lời tuyên chiến.

"Cửa sổ cơ hội"

Nhưng tại Kiev, Tổng thống Zelenskyy bác bỏ mọi lo ngại và những dự đoán kết cục thảm khốc sẽ xảy ra đồng thời liên tiếp thúc đẩy kêu gọi phương Tây lập vùng cấm bay.

Trong một phản ứng gay gắt với Tổng thư ký Stoltenberg, ông Zelenskyy đã đi xa hơn khi đổ lỗi cho phương Tây khiến "thương vong dân sự tăng cao".

Trong hai tuần kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, Liên hợp quốc đã ghi nhận hơn 1.300 thương vong dân thường trong nước, với gần 500 người thiệt mạng.

 

Vẫn chưa rõ mức độ tàn phá của máy bay chiến đấu Nga so với lực lượng trên bộ và trên biển.

Bruno Lété, một thành viên cấp cao tại Quỹ Marshall của Mỹ, cho biết: "Khi chiến tranh ngày càng tàn khốc và rõ ràng là sẽ không kết thúc vào ngày mai, chi phí nhân đạo sẽ ngày càng cao hơn".

Và một câu hỏi đặt ra cho NATO là nên đứng nhìn hay hành động.

Chiến sự đã dẫn đến cuộc di cư lớn nhất của con người kể từ khi Thế chiến II kết thúc.

Hơn 2 triệu người Ukraine đã rời khỏi đất nước trong vòng chưa đầy 2 tuần và đến các quốc gia láng giềng, theo Liên Hợp Quốc. Liên minh châu Âu (EU) đã kích hoạt một đạo luật chưa từng được sử dụng trước đây để tiếp nhận người tị nạn.

 

Theo chuyên gia Lété, tình hình xấu đi nhanh chóng mang lại "cơ hội" cho NATO thiết lập vùng cấm bay trên khu vực phía tây của Ukraine, nơi mà các lực lượng Nga chưa tiếp cận được, và do đó mở ra một hành lang nhân đạo.

Xung đột Nga - Ukraine
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm