Quốc tế

Quân đội Anh và thách thức duy trì lực lượng xe tăng chiến đấu

Dù là quốc gia khởi đầu của công nghệ xe tăng, nhưng quy mô của lực lượng xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) của Quân đội Anh đang liên tục bị cắt giảm trong những năm qua.

Anh chọn vũ khí giúp F-35 đánh bại S-400 / Binh sĩ Anh nói gì về xe tăng M1 Abrams Mỹ?

Quân đội Anh hiện sở hữu khoảng 225 MBT Challenger 2 và con số này có thể tiếp tục cắt giảm trong tương lai gần.

“Hy sinh“ 1/3 lực lượng xe tăng

Theo thời báo Time, Quân đội Anh đang có kế hoạch cắt giảm khoảng 77 MBT Challenger 2 để tiết kiệm khoảng 1,2 tỷ Bảng Anh giúp duy trì và nâng cấp 150 xe tăng còn lại. Vấn đề này đang được thảo luận tại Quốc hội Anh và nhận được nhiều ý kiến ủng hộ.

Cụ thể, với việc cắt giảm khoảng 1/3 quy mô MBT hiện có, Quân đội Anh sẽ có nguồn lực để nâng cấp cơ bản các đơn vị Challenger 2 lên chuẩn Challenger 3 với hệ thống tự vệ chủ động, giáp bảo vệ, cũng như pháo chính mới để đáp ứng với yêu cầu chiến tranh bất đối xứng hiện đại.

Trước sự thay đổi của phương thức tác chiến hiện đại, Quân đội Anh đã từng nghĩ tới phương án loại bỏ hoàn toàn MBT.

Nhiều quan chức quốc phòng Anh đánh giá, việc nâng cấp xe tăng Challenger 2 là cấp thiết trước sự phát triển như vũ bão của các loại vũ khí chống tăng hiện đại. Điều này đã và đang được minh chứng tại nhiều cuộc xung đột gần đây, khi các dòng xe tăng hiện đại tỏ ra có khả năng bảo vệ kém hiệu quả trước các loại súng phản lực, tên lửa chống tăng hiện đại tại Syria, Lybia...

Để đáp ứng yêu cầu nâng cấp các đơn vị MBT hiện có, Quân đội Anh buộc phải lựa chọn phương pháp “khá cực đoan” là cắt giảm các đơn vị trong biên chế. Quyết định này đã được thông qua trong phiên họp cuối tháng 2-2021 của Bộ Quốc phòng Anh và sẽ có hiệu lực nếu được Quốc hội Đảo quốc sương mù thông qua.

Đánh giá về vấn đề này, cựu Tư lệnh Chiến lược, Hiệp sĩ Richard Barrons cho rằng: “Quân đội Anh đang ở nằm ở “ngã ba đường” để lựa chọn các phương thức tác chiến tương lai. Chiến trường tương lai sẽ là sự kết hợp giữa các phương tiện có và không người lái. Quân đội hiện đại sẽ có quy mô nhỏ gọn hơn, nhưng có khả năng ứng biến và phản ứng linh hoạt hơn trước các mối nguy cơ. Lựa chọn cắt giảm quy mô lực lượng MBT có thể là tối ưu về mặt tài chính, nhưng cần thời gian để chứng minh hiệu quả thực sự”.

Cũng vì lý do tài chính, trong năm 2020, Quân đội Anh từng rò rỉ thông tin về khả năng có thể loại bỏ hoàn toàn các đơn vị MBT. Tuy nhiên, quyết định mang tính bước ngoặt này sau đó được Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallis giải thích lại là chỉ loại bỏ các phương tiện đã lỗi thời để có thêm nguồn tài chính duy trì các đơn vị MBT hiện có.

Ngoài Quân đội Anh, Oman là quốc gia còn lại trên thế giới đang duy trì hoạt động của các đơn vị MBT Challenger 2.

 

Cuộc đua tăng ngân sách quốc phòng

Dù đang phải “thắt lưng, buộc bụng” trong chi tiêu quốc phòng, nhưng trước yêu cầu của Mỹ đối với khối NATO, cuối năm 2020, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng lên 16,5 tỷ Bảng (tương đương 21,9 tỷ USD) trong vòng 4 năm tới. Đây là mức tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất của Anh kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc với lý do đối phó với các mối nguy cơ mới đến từ các quốc gia nguy hiểm, trong đó có Nga.

Vai trò của MBT dù có suy giảm trong tác chiến hiện đại, nhưng sẽ không sớm bị loại bỏ do chưa có phương tiện nào đáp ứng được yêu cầu về khả năng bảo vệ, hỏa lực và uy hiếp trên chiến trường bằng MBT.

Với mức chi tiêu nói trên, Anh sẽ đứng thứ 2 trong khối NATO về chi tiêu quốc phòng với mức tăng từ 2,1 lên 2,85% GDP. Tuy nhiên, việc tăng chi tiêu quốc phòng cũng đặt Anh vào mối lo mới là tăng nợ công. Với mức chi tiêu hiện tại, nợ công của Anh sẽ sớm vượt qua mốc 100%, ước khoảng 2.000 tỷ Bảng vào tháng 6-2020. Với sự đóng góp của Anh, chỉ tiêu quốc phòng của khối NATO hiện tại đã gấp 15 lần chi tiêu quốc phòng của Liên bang Nga và gấp 5 lần Trung Quốc. Chỉ tính trong năm 2019, các quốc gia NATO đã chi tới 1.000 tỷ USD cho quốc phòng.

Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự quốc tế, việc gia tăng chi tiêu quốc phòng có thể dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang mới giữa các siêu cường khi mâu thuẫn về địa chính trị và lợi ích quốc gia tại các khu vực chiến lược ở châu Âu, Trung Đông và châu Á ngày căng tăng.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm