Quân đội Italia chuyển sang xe tăng bánh lốp
Quân đội Ukraine bị giao đạn pháo không sử dụng được / XM1299 của Mỹ có thực sự vượt trội Koalitsiya-SV Nga?
Phiên bản Centauro 1
Xe thiết giáp B1 Centauro (Centauro 1) bánh lốp được phát triển để đáp ứng nhu cầu của Quân đội Italia trong những năm cuối Chiến tranh Lạnh - năm 1986, và được đưa vào trang bị từ năm 1991. Có đường bờ biển dài khiến dễ bị tấn công đổ bộ, Italia chủ trương phát triển và sử dụng xe tăng bánh lốp, điều đó đồng nghĩa là đối thủ chính của Centauro không phải là các xe tăng chiến đấu chủ lực của các đơn vị mặt đất mà là các xe lội nước của lính thủy đánh bộ của đối phương.
Mục đích chính của nó là cung cấp khả năng cơ động cao hơn cho các lực lượng vũ trang Italia được giao nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ quốc gia, để săn lùng các xe tăng thuộc Khối Hiệp ước Warsaw có khả năng xuyên thủng tuyến phòng thủ của NATO thọc sâu hậu cứ của đối phương trong một cuộc xung đột giả định, và để chống các đơn vị nhảy dù cũng như đổ bộ từ ngoài khơi bờ biển Adriatic. Đối với những yêu cầu này, Quân đội Italia cần có những đặc điểm khác biệt so với những loại xe tăng mà Italia sử dụng trong thời kỳ đó, chẳng hạn như M47, M60A3 Patton và Leopard 1A2.
B1 Centauro có kích thước 8,26x3,12x3,65m, trong lượng chiến đấu 30 tấn, kíp lái 3-4 thành viên, dùng động cơ Diesel IVECO FPT VECTOR 6V công suất 480 mã lực. Tính cơ động, trang bị vũ khí hạng nặng và trọng lượng thấp là những điểm mạnh của loại xe mới này. Hiện tại, Centauro I vẫn được sử dụng trong các trung đoàn kỵ binh Italia, mặc dù với số lượng giảm, và cả trong các lực lượng vũ trang Tây Ban Nha (được gọi là VRCC-105), Oman và Jordan.
Sau khi Liên Xô sụp đổ và Chiến tranh Lạnh kết thúc, Centauro I không còn phục vụ mục đích mà ban đầu nó đã được thiết kế, chúng được trưng dụng cho các hoạt động gìn giữ hòa bình và hoạt động nhân đạo với NATO và Liên minh châu Âu, được thử sức với mùa đông khắc nghiệt của Balkan và khí hậu nóng nực của Somalia và Vương quốc Hồi giáo Oman.
Xe tăng bánh lốp Centauro II
Tháng 12/2011, Consortium IVECO OTO-Melara (CIO) đã ký hợp đồng với Quân đội Italia bắt đầu phát triển một phương tiện thay thế Centauro I, cũng có bánh nhưng với cấu trúc được sửa đổi hoàn toàn, chống các thiết bị nổ tự chế (IED) hoặc bảo vệ bom mìn để nâng cấp về chất của đội thiết giáp nước này, dựa trên xe tăng chiến đấu chủ lực C1 Ariete truyền thống và xe tăng bánh lốp Centauro I; xe được yêu cầu gắn pháo 120mm nhằm tối ưu hóa công tác hậu cần cung ứng đạn dược, và vào năm 2015, Centauro II (B2 Centauro) đã ra đời. Dự án Centauro II cho đến nay đã tiêu tốn của Quân đội Italia 592 triệu USD do có các hệ thống tiên tiến và công nghệ ứng dụng, chẳng hạn như các vật liệu hoàn toàn mới cho hệ thống điện tử và vỏ giáp.
B2 Centauro được thiết kế cho học thuyết hiện đại về chiến tranh trong điều kiện mới, để phục vụ các chiến dịch khác ngoài chiến tranh (Operations Other Than War - OOTW) và cho tác chiến đô thị, nơi nền tảng xe bánh lốp có nhiều chức năng hơn các nền tảng khác về tính cơ động và hỏa lực, có thể hoạt động trong mọi tình huống, bao gồm các nhiệm vụ truyền thống bảo vệ an ninh quốc gia, các hoạt động can thiệp nhân đạo để giúp đỡ các nhóm dân cư sau thiên tai, các hoạt động hỗ trợ bộ binh và các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình...
Centauro II được thiết kế để thay thế cho B1 cải tiến, nhưng thừa hưởng từ kinh nghiệm thu được với xe bọc thép hạng trung Freccia VBM - một biến thể xe chiến đấu bộ binh bánh lốp của Italia. Với trọng lượng 30 tấn khi sẵn sàng chiến đấu, Centauro không nặng hơn nhiều so với B1 Centauro cải tiến, 27 tấn (B1 nguyên bản nặng 24 tấn). Centauro II được tạo ra trên khung gầm 8x8, giáp thân xe hình chữ V, trang bị động cơ diesel 750 mã lực, dự trữ hành trình 800km, đạt tốc độ tối đa 110km/h và công suất riêng 25 mã lực/tấn, kíp xe gồm 4 thành viên (trong tương lai, nhờ tự động hóa, kíp xe sẽ còn 3 thành viên).
Centauro II sử dụng vỏ giáp tiêu chuẩn - STANAG 4569 lvl 4, có khả năng bảo vệ khỏi hỏa lực súng 14,5mm và các vụ nổ tầm gần của đạn pháo, cũng như sức phá hoại quả mìn nặng 10kg. Vũ khí chính là pháo 120mm với chiều dài bằng 45 lần cỡ nòng, được trang bị thiết bị nạp đạn tự động. Pháo Centauro II có thể chịu áp lực bắn 8200 bar (đơn vị áp suất, 1 bar = 0,98 atm hoặc 100.000 N/m2, ND). Để so sánh, pháo 120mm Rheinmetall L44 của Leopard 2A5DK có áp suất bắn 7100 bar, pháo Cannone OTO-Melara 120/44 - 7070 bar, pháo T-90 của Nga - 7000 bar và của pháo M1A2 SEP - 7100 bar.
Pháo có thể sử dụng các loại đạn tiêu chuẩn NATO thế hệ mới nhất cũng như các loại đạn mà một số quốc gia NATO đang nghiên cứu. Pháo được trang bị hệ thống giảm giật và bộ nạp đạn tự động, thiết bị ngắm quang học ảnh nhiệt, cũng như các yếu tố của hệ thống chỉ huy và điều khiển tự động với hệ thống ngắm hiện đại, hỏa lực tăng lên đáng kể so với pháo 105mm của Centauro I.
Để giảm trọng lượng, tháp pháo được làm bằng nhôm bổ sung các chi tiết composite. Trên đỉnh tháp pháo được gắn một hệ thống vũ khí điều khiển từ xa (ROWS) có trọng lượng 125kg, 150kg hoặc 145kg tùy thuộc vào vũ khí được lắp đặt, có thể là súng máy MG3 hoặc MG42/59 cỡ 7,62mm với 1.000 viên đạn; Browning M2HB cỡ 12,7mm với 400 viên đạn; hoặc súng phóng lựu tự động SACO Mk.19 cỡ 40mm với 70 viên đạn. Đạn cho vũ khí đồng trục, có thể là súng máy MG42 59 (hoặc phiên bản Rheinmetall, MG3) hoặc súng máy Browning M2HB, với khoảng 1.250 viên đạn 7,62mm hoặc 750 viên đạn 12,7mm.
Đối với tháp pháo thế hệ mới nhất này, các hoạt động phát hiện và giám sát cũng như điều khiển hỏa lực từ xa được thực hiện bởi một hệ thống phát hiện mô-đun bao gồm camera TV, camera hồng ngoại để nhìn ban đêm và máy đo xa laser. Hệ thống điều khiển hỏa lực được hỗ trợ bởi hệ thống kiểm soát hỏa lực bằng máy tính (CFC) và theo dõi tự động dùng công nghệ xử lý tín hiệu kỹ thuật số. Hệ thống được trang bị bộ ổn định con quay hồi chuyển, và trong trường hợp trục trặc, có thể vận hành bằng tay.
Để tăng khả năng bảo vệ, một hệ thống gồm bốn bộ khuếch đại nhiễu được sử dụng để làm nhiễu sóng liên lạc không dây nhằm ngăn chặn việc kích hoạt từ xa của thiết bị nổ tự chế điều khiển bằng sóng vô tuyến. Các hệ thống phòng thủ thụ động khác bao gồm tám cửa phun khói 80mm được bố trí thành hai cụm ở hai bên tháp pháo và 16 quả lựu đạn khói cỡ 80mm, một số cảm biến nhận cảnh báo bằng laser 360°. Chúng có thể xác định loại mối đe dọa và tự động phóng lựu đạn để tạo ra màn khói có khả năng che chắn bức xạ hồng ngoại. Một tín hiệu âm thanh cũng được gửi đến hệ thống liên lạc nội bộ trên xe và tín hiệu ánh sáng được gửi lên màn hình để kíp xe có thể phản ứng nhanh chóng với mối đe dọa.
Từ năm 2018, 10 nguyên mẫu đã trải qua 20 bài kiểm tra chống mìn hoặc chống IED; tháp pháo và thân xe cũng đã được thử nghiệm chống lại vũ khí bộ binh và pháo hạng nhẹ với kết quả rất khả quan. Sau khi thử nghiệm, Quân đội Italia đã ký hợp đồng đặt hàng 86 (có thể tăng thêm 10 chiếc) xe Centauro II, cùng hỗ trợ hậu cần toàn diện và bảo hành trong 10 năm, và sẽ nâng tổng số xe lên 150 chiếc vào năm 2022. Đáng nói, theo một quyết định sơ bộ được đưa ra vào tháng 4/2020, Italia có kế hoạch đặt hàng lô đầu tiên gồm 40 chiếc, nhưng hợp đồng chính thức vừa được ký với số lượng lớn hơn đáng kể - hơn một nửa tổng nhu cầu của Quân đội Italia, ước tính 150 xe và tổng chi phí của toàn bộ chương trình là hơn 1,5 tỷ euro cho giai đoạn đến năm 2030.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bí ẩn chiếc vali hạt nhân và tấm thẻ nhựa ông Donald Trump được trao trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ
Những điều mong đợi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2025
Thị trường thế giới biến động thế nào sau khi lễ nhậm chức của Tổng thống Trump?
Tổng thống Donald Trump đe dọa trừng phạt nước Nga nếu Tổng thống Putin không đồng ý việc này