Quân đội Mỹ bắt đầu nhận tổ hợp tên lửa siêu thanh 'mạnh hơn Iskander-M'
Bốn chiếc Seahawk Mỹ hỏng nặng do nhầm lẫn / Tàu Mk-VI của Mỹ sẽ là gánh nặng cho Hải quân Ukraine
Một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 3 - Lữ đoàn Pháo binh dã chiến số 17 của Lục quân Mỹ đóng tại căn cứ quân sự Lewis McCord mới đây đã nhận được bộ trang bị đầu tiên của hệ thống tên lửa siêu thanh tầm xa trên mặt đất có tên gọi Dark Eagle.
Theo tạp chí Defense News, điều này có nghĩa là quân đội Mỹ bắt đầu biên chế những thành phần đầu tiên của hệ thống vũ khí tấn công siêu thanh sau khi đã chậm chân đáng kể so với hai đối thủ là Nga và Trung Quốc.
Tổng cộng có 4 bệ phóng đã bàn giao, đi kèm một trung tâm điều khiển khẩu đội và nhiều chiếc xe tải có rơ moóc với thiết kế đặc biệt nhằm tương thích với ống phóng.
Mặc dù vậy những thành phần trên mới chỉ đóng vai trò thử nghiệm cài đặt hệ thống, quân đội Mỹ vẫn chưa nhận được tên lửa và ngày giao hàng còn giữ kín, nguyên nhân vì lý do bảo mật hay công tác đánh giá vẫn cần phải tiến hành thêm là điều bí ẩn.
Bất chấp thực tế trên, giới truyền thông cho rằng việc cung cấp các hệ thống vũ khí siêu thanh hoàn chỉnh cho quân đội Mỹ sẽ bắt đầu trong năm tài chính 2023, tức là vũ khí sẽ sẵn sàng trong năm 2022.
Theo công bố từ Lầu Năm Góc, tên lửa siêu thanh Dark Eagle có đầu đạn dạng tàu lượn với khả năng đạt tới tốc độ trên Mach 5,5. Chúng có thể cơ động, thay đổi độ cao và hướng di chuyển, điều này sẽ làm phức tạp hơn rất nhiều việc đánh chặn của đối phương.
Do vậy vũ khí trên sẽ tấn công những mục tiêu chiến lược được bảo vệ tốt của kẻ thù tiềm tàng, bất chấp đối phương có bố trí dày đặc hệ thống phòng không xung quanh đi nữa.
Giới chức quân sự Mỹ tự tin cho rằng Dark Eagle còn ưu việt hơn nhiều Iskander-M do Nga chế tạo “chỉ nặng về quảng cáo”, khi vũ khí này đã có màn thể hiện kém thuyết phục trên chiến trường Gruzia cũng như Karabakh.
Nguyên mẫu đầu tiên của Dark Eagle sẽ được đặt trên nền tảng di động mặt đất. Trong tương lai, vũ khí này dự kiến sẽ tương thích bệ phóng trên tàu chiến, thậm chí triển khai được từ máy bay ném bom chiến lược.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng đây không phải lần đầu tiên phía Mỹ tuyên bố sẵn sàng bắt đầu thử nghiệm tên lửa siêu thanh và tiến sát tới thành công.
Cho đến nay, không phải mọi thứ đều suôn sẻ với các lần kiểm tra đánh giá. Mới đây nhất, vụ thử đối với tên lửa siêu thanh phóng từ trên không đã bị đình chỉ.
Vấn đề khi tách tên lửa khỏi máy bay ném bom B-52 cũng như khiếm khuyết với động cơ đã được xác định, thậm chí lỗi kỹ thuật còn tương đối nghiêm trọng.
Trong một lần thử nghiệm, tên lửa đã phát nổ trên không, không kịp di chuyển một quãng đường xa so với máy bay ném bom, gây ra nguy hiểm cho chính phương tiện mang vác.
Trước thực tế trên, báo chí tại Nga và Trung Quốc vẫn tự tin nhận định Mỹ còn phải mất nhiều thời gian nữa mới theo kịp họ trong lĩnh vực chế tạo vũ khí siêu thanh, bất chấp có tiềm lực khoa học và tài chính cực kỳ dồi dào.
End of content
Không có tin nào tiếp theo