Quân sự thế giới hôm nay (11/9): Singapore trang bị tên lửa thế hệ thứ 5 Python-5 cho máy bay chiến đấu
Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 8/9 / Quân sự thế giới hôm nay (9/9): Armenia cáo buộc Azerbaijan huy động quân đội ở khu vực biên giới
* Không quân Singapore trang bị tên lửa thế hệ thứ 5 cho máy bay chiến đấu
Không quân đảo quốc sư tử mới đây thông báo đã nâng cấp các máy bay chiến đấu F-16C/D+ do hãng Lockheed Martin sản xuất. Theo đó, F-16C/D+ được trang bị Python-5, một trong những tên lửa dẫn đường tiên tiến nhất thế giới hiện nay.
Python-5 là tên lửa thế hệ thứ 5. Ảnh: rafael-usa.com. |
Python-5 là tên lửa không đối không thế hệ thứ 5 do Công ty Rafael Advanced Defense Systems của Israel chế tạo với khả năng vô hiệu hóa các mối đe dọa trên không trong bán kính 20km. Python-5 có chiều dài 3,1m, sải cánh 64cm và đường kính 16cm, trọng lượng 105kg. Nó có thể mang đầu đạn phân mảnh nặng 11kg được trang bị ngòi nổ laser chủ động. Động cơ tên lửa đẩy nhiên liệu rắn giúp nó có thể đạt tốc độ Mach 4 (tương đương 4.900km/giờ).
Phiên bản bổ sung mới nhất cho dòng tên lửa không đối không Python này đã thu hút được sự chú ý và đánh giá cao nhờ khả năng đặc biệt của nó. Với hệ thống ngắm bắn mục tiêu hiện đại, phi công có thể khóa và tiêu diệt mục tiêu một cách chính xác mà không cần phải thay đổi quỹ đạo bay.
* V-22 Osprey lần đầu tiên hạ cánh trên tàu khu trục trực thăng của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản
Navalnews đưa tin, mới đây, V-22 Osprey, mẫu máy bay vận tải tiên tiến nhất thuộc Lữ đoàn trực thăng số 1 của Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản, đã lần đầu tiên hạ cánh trên tàu khu trục trực thăng JS Ise của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản.
Chỉ huy tàu JS Ise cho biết, cuộc diễn tập cất cánh/hạ cánh với V-22 Osprey lần đầu tiên được tổ chức nhằm giúp nâng cao khả năng phối hợp giữa lực lượng phòng vệ mặt đất và phòng vệ biển của Nhật Bản nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống.
V-22 Osprey là mẫu máy bay trực thăng quân sự đa nhiệm, cánh quạt nghiêng do hãng Bell Boeing của Mỹ sản xuất, sở hữu cả khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (VTOL) và khả năng cất cánh và hạ cánh đường băng ngắn (STOL). Mẫu máy bay vận tải tiên tiến này được trang bị hai động cơ tua-bin trục Rolls-Royce T406/AE 1107C-Liberty, mỗi động cơ cho công suất 6.150 mã lực, có thể chở 24 người, hoặc lên tới 9.070kg hàng hóa bên trong hoặc 6.800kg hàng treo ngoài. Chiếc V-22 Osprey đầu tiên được hãng Bell Boeing của Mỹ giao cho Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản vào tháng 7-2020.
V-22 Osprey của Nhật Bản lần đầu tiên hạ cánh trên tàu khu trục trực thăng JS Ise. Ảnh: Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản |
JS Ise (DDH 182) là tàu khu trục trực thăng tác chiến chống ngầm lớp Hyūga của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản. Trực thăng trên tàu chủ yếu là mẫu chống ngầm SH-60K với khả năng chỉ huy và kiểm soát nâng cấp. Với chiều dài 197m, rộng 33m, lượng giãn nước tiêu chuẩn 14.000 tấn, đầy tải 19.000 tấn, JS Ise có thể chở tối đa 4 máy bay trực thăng trên boong và vận hành 18 máy bay trực thăng bao gồm trực thăng chống ngầm SH-60K Seahawk và trực thăng rà phá thủy lôi MCH-101.
Về vũ khí, tàu khu trục trực thăng lớp Hyūga được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng gồm 16 ống phóng Mk 41 VLS có thể bắn tên lửa phòng không RIM-162 Evolved SeaSparrow, 12 tên lửa chống ngầm RUM-139 VL ASROC, 2 pháo Phalanx 20mm (hệ thống vũ khí cận chiến), 2 ống phóng ngư lôi ba nòng 324mm và súng máy 12,7mm.
* Lockheed Martin trình làng máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên dành cho Slovakia
Theo Air Recognition, Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ mới đây đã chính thức trình làng máy bay chiến đấu đa năng F-16C Block 70 Fighting Falcon đầu tiên dành cho lực lượng vũ trang Slovakia.
Đây là chiếc máy bay đầu tiên trong tổng số 14 chiếc trong thương vụ mua sắm trị giá 1,6 tỷ Euro (tương đương khoảng 1,8 tỷ USD) Slovakia đã ký vào tháng 12-2018. Ngoài máy bay, hợp đồng này còn bao gồm cả tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến Raytheon AIM-120C7 (AMRAAM) và tên lửa không đối không AIM-9X Sidewinder cùng các phụ tùng thay thế. Chiếc F-16 đầu tiên này dự kiến sẽ bắt đầu bay thử nghiệm vào tháng 11-2023 trước khi được bàn giao cho Slovakia vào quý II năm 2024.
Máy bay F-16C/D Block 70/72 là biến thể mới nhất của dòng F-16, được trang bị các hệ thống tiên tiến như radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) AN/APG-83 của Northrop Grumman, có phạm vi phát hiện gần gấp đôi so với các radar quét cơ học trước đây và khả năng theo dõi và tấn công nhiều mục tiêu với độ chính xác cao hơn.
Lockheed Martin trình làng chiếc máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên dành cho Slovakia. Ảnh:Lockheed Martin |
Theo nhà sản xuất, những cải tiến về cấu trúc và năng lực tác chiến đảm bảo cho F-16 có thể duy trì hoạt động hiệu quả cho đến sau năm 2070, giúp tăng 50% tuổi thọ phục vụ so với các mẫu máy bay sản xuất trước đó. Điều này có nghĩa là hầu hết các lực lượng không quân sẽ có một mẫu máy bay có độ tin cậy cao và dễ bảo trì với tuổi thọ phục vụ ít nhất 40 năm mà không cần phải sửa chữa cấu trúc trong suốt thời gian phục vụ của nó.
Giá của mỗi chiếc F-16 Block 70/72 có thể dao động tùy theo cấu hình và trang bị đi kèm, nhưng sẽ nằm trong khoảng từ 50 triệu đến 70 triệu USD.
End of content
Không có tin nào tiếp theo