Quốc tế

Quân sự thế giới hôm nay (13/9): Ba Lan chi mạnh mua pháo phản lực M142 HIMARS của Mỹ

Quân sự thế giới hôm nay 13/9/2023 có những nội dung sau: Anh - Nhật - Italy thúc đẩy phát triển tiêm kích thế hệ tiếp theo, Latvia và Estonia mua hệ thống phòng không IRIS-T SLM của Đức, Ba Lan chi mạnh mua pháo phản lực M142 HIMARS của Mỹ.

Tên lửa Neptune được nâng tầm bắn lên 400 km để tấn công mục tiêu mặt đất / UAV cảm tử Lancet nhận bệ phóng đặc biệt để tấn công theo 'bầy đàn'

* Anh - Nhật - Italy thúc đẩy phát triển tiêm kích thế hệ tiếp theo

Reuters đưa tin, ngày 12/9, tập đoàn BAE Systems của Anh cùng với các đối tác Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản và Leonardo của Italy nhất trí các bước tiếp theo để triển khai giai đoạn lên kế hoạch phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới thuộc Chương trình Máy bay Chiến đấu Toàn cầu (GCAP).

Quân sự thế giới hôm nay (13-9): Ba Lan chi mạnh mua pháo phản lực M142 HIMARS của Mỹ
Mô hình tiêm kích GCAP được trưng bày tại Nhật Bản ngày 15-3-2023. Ảnh: East Asia Forum

Theo đại diện của BAE Systems, các bên sẽ cập nhật tiến độ của dự án GCAP tại hội chợ vũ khí quốc tế DSEI ở London, Anh trong tuần này. Thỏa thuận giữa các bên sẽ hỗ trợ tiến trình thảo luận nhằm đề ra kế hoạch làm việc và yêu cầu năng lực đối với tiêm kích. GCAP dự kiến tiêu tốn hàng chục tỷ USD, tuy nhiên các bên chưa quyết định cách thức phân chia chi phí.

Trước đó, hồi cuối năm ngoái, Anh, Nhật Bản và Italy thống nhất cùng hợp tác chế tạo tiêm kích tân tiến để đưa vào sử dụng vào khoảng giữa thập niên tới. Trong bản tuyên bố chung, ba nước khẳng định xây dựng quan hệ hợp tác quốc phòng lâu dài thông qua GCAP. Chương trình hợp tác không chỉ thúc đẩy khả năng quân sự và lợi thế về công nghệ của các nước, mà còn giúp củng cố chuỗi cung ứng và cơ sở công nghiệp quốc phòng. Ba nước chia sẻ chung tham vọng biến tiêm kích GCAP trở thành trụ cột của hệ thống không quân chiến đấu rộng lớn hơn, ứng dụng linh hoạt trên nhiều lĩnh vực.

* Các nước Baltic hướng đến xây dựng hệ thống phòng không độc lập

AP đưa tin, Latvia và Estonia đã ký biên bản ghi nhớ về việc tham gia dự án mua hệ thống phòng không tầm trung IRIS-T SLM trị giá khoảng hơn 1 tỷ USD từ Tập đoàn Công nghiệp quốc phòng Diehl Defense của Đức.

Quân sự thế giới hôm nay (13-9): Ba Lan chi mạnh mua pháo phản lực M142 HIMARS của Mỹ
Hệ thống phòng không tầm trung IRIS-T SLM. Ảnh: Army Recognition

Hiện các nước không đưa ra thông tin chi tiết về số lượng bệ phóng, nhưng nhiều khả năng những chuyến giao hàng đầu tiên sẽ diễn ra vào năm sau. Được biết, đây đều là những khoản đầu tư mua sắm quốc phòng lớn nhất trong lịch sử Latvia và Estonia.

 

Giới phân tích quân sự đánh giá, với việc trang bị các hệ thống IRIS-T SLM, Estonia và Latvia đang thực hiện những bước đi đầu tiên nhằm xây dựng hệ thống phòng không của riêng mình, trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực có nhiều thay đổi.

Một tổ hợp IRIS-T SLM bao gồm trung tâm điều khiển, radar và hệ thống phóng tên lửa, được thiết kế để tiêu diệt tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, máy bay chiến đấu, trực thăng và máy bay không người lái. Trong đó, bệ phóng được lắp đặt trên khung gầm xe bánh lốp (MAN 8×8) hoặc bánh xích (BvS10) mang theo 4 hoặc 8 thùng chứa tên lửa phóng thẳng đứng. Đạn tên lửa IRIS-Tcó trọng lượng 87,4kg; chiều dài 2,93m; đường kính thân 127mm; sải cánh 447mm và được lắp đầu đạn phân mảnh uy lực cao.

IRIS-T SLM cho phép bắn trúng mục tiêu trên không ở khoảng cách 40km, độ cao tối đa 20km. Nguồn: Diehl Gruppe

Theo công bố của nhà sản xuất, IRIS-T SLM cho phép bắn trúng mục tiêu trên không ở khoảng cách 40km và độ cao tối đa 20km. Hệ thống tên lửa này có hai chế độ bắn là khóa mục tiêu trước khi bắn và khóa mục tiêu sau khi bắn, cho phép đánh chặn hiệu quả mục tiêu ở mọi góc độ, trong nhiều điều kiện giao tranh. Đặc biệt, IRIS-T SLM sẽ hoạt động hiệu quả nhất khi trở thành một phần của hệ thống phòng không nhiều lớp.

 

* Ba Lan ký thỏa thuận mua số lượng lớn pháo phản lực M142 HIMARS

Theo Defense News, Ba Lan đã phê duyệt thỏa thuận khung về việc mua thêm 486 bệ phóng của hệ thống pháo phản lực M142 HIMARS do nhà thầu Lockheed Martin của Mỹ sản xuất, trong đó phần lớn sẽ được liên doanh sản xuất trên lãnh thổ quốc gia châu Âu từ năm 2025.

Quân sự thế giới hôm nay (13-9): Ba Lan chi mạnh mua pháo phản lực M142 HIMARS của Mỹ
Hệ thống pháo phản lực cơ M142 HIMARS. Ảnh: Army Technology

Các thành phần thiết bị của bệ phóng dự kiến sẽ được chuyển giao bắt đầu từ cuối năm 2025. Cùng với thỏa thuận vào năm 2019, thương vụ mới nhất sẽ mang lại cho nước này tổng cộng 500 tổ hợp pháo phản lực M142 HIMARS. Mục tiêu của Ba Lan là đồng bộ hóa các bệ phóng mới với các hệ thống hiện có trong vòng hai năm kể từ khi nhận hàng. Bộ Quốc phòng Ba Lan xác nhận hợp đồng này trị giá khoảng 10 tỷ USD.

Lockheed Martin cho biết sẽ hợp tác với ngành công nghiệp quốc phòng Ba Lan để điều chỉnh bộ mô đun nạp đạn phóng pháo phản lực M142 HIMARS lắp trên xe tải Jelcz 6X6 do Ba Lan sản xuất. Bên cạnh đó, các nhà thầu Ba Lan cũng có thể được cấp phép sản xuất đạn HIMARS.

M142 HIMARS là hệ thống pháo phản lực tầm trung, có khả năng phóng tất cả các loại đạn của pháo phản lực đa nòng. Hệ thống M142 HIMARS được đặt trên khung gầm xe bánh lốp, phát triển từ tổ hợp M270 MLRS. Mỗi hệ thống pháo phản lựcM142HIMARS được biên chế kíp vận hành 3 người, trang bị 6 quả đạn M31 cỡ nòng 227mm với tầm bắn 70-80km. Mỹ còn sở hữu một phiên bản ống phóng khác củaHIMARS được trang bịđạn tên lửa chiến thuật có tầm bắn lên tới 300km.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm