Quốc tế

Quân sự thế giới hôm nay (22/8): Ấn Độ có thêm hệ thống phòng không S-400

Quân sự thế giới hôm nay (22/8) có những nội dung chính sau: Hệ thống phòng không S-400 thứ ba trên đường đến Ấn Độ; xuồng cao tốc của Iran bao vây tàu chiến Mỹ; Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa hành trình chiến lược.

Tầm bắn của pháo tự hành 2S43 Malva tăng mạnh để chống lại pháo binh NATO / Nga tăng tốc nâng cấp oanh tạc cơ Tu-95MS lên chuẩn Tu-95MSM

* Hệ thống phòng không S-400 đang trên đường đến Ấn Độ

Theo thông tin được chia sẻ trên tài khoản Twitter của @VivekSi85847001 này 21/8, Nga dường như đang triển khai chuyển giao hệ thống phòng không S-400 cho Ấn Độ. Hình ảnh đăng tải cho thấy S-400 đang di chuyển trên một con đường ở Ấn Độ.

Hệ thống phòng không S-400 trên đường tới Ấn Độ. Nguồn: Twitter @VivekSi85847001

ArmyRecognition cho biết, tại Diễn đàn Kỹ thuật-Quân sự quốc tế (Army-2023) diễn ra tại Moscow ngày 15/8, người đứng đầu Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự Liên bang Nga Dmitry Shugaev đã khẳng định rằng việc cung cấp hệ thống phòng không S-400 Triumf cho Ấn Độ đang được tiến hành theo đúng kế hoạch.

Tháng 10/2018, Ấn Độ đã ký một thỏa thuận với Nga để mua 5 hệ thống phòng không S-400 Triumf. Hai hệ thống đầu tiên đã được chuyển giao cho Ấn Độ vào tháng 12/2021 và tháng 4/2022. Được biết, hai hệ thống này có nhiệm vụ đặc biệt là giám sát khu vực Ladakh, bao gồm “hành lang Cổ Gà” quan trọng ở Tây Bengal và toàn bộ khu vực đông bắc. Việc triển khai S-400 ở các vị trí chiến lược nhằm bảo đảm an ninh biên giới của Ấn Độ.

Một số hoạt động của hệ thống phòng không S-400. Nguồn: Indian Defense Analysis

Theo hãng tin của Ấn Độ News 18, hệ thống S-400 Triumf thứ ba, hay còn gọi là SA-21 Growler theo thuật ngữ của NATO, sẽ được triển khai ở Punjab hoặc Rajasthan để ngăn những mối lo ngại an ninh tiềm ẩn từ Pakistan.

S-400 là hệ thống phòng thủ hiện đại có khả năng vô hiệu hóa các mối đe dọa trên không như máy bay, tên lửa và máy bay không người lái ở khoảng cách lên tới 400km. Với khả năng theo dõi và tấn công đồng thời nhiều mục tiêu, hệ thống này sẽ giúp tăng cường hơn nữa khả năng phòng thủ của Ấn Độ.

* Máy bay không người lái và xuồng cao tốc của Iran bao vây hai tàu chiến Mỹ

 

Dailymail ngày 21/8 đăng tải đoạn clip đầy kịch tính cho thấy hàng chục máy bay không người lái và xuồng cao tốc của Iran đã bao vây hai 2 tàu chiến của Mỹ tại eo biển Hormuz, giữa Vịnh Ba Tư và Vịnh Oman. Tàu tấn công đổ bộ USS Bataan và tàu đổ bộ USS Carter Hall chở khoảng 4.000 binh sĩ đã được Washington điều đến Biển Đỏ để ngăn chặn nỗ lực của Iran nhằm bắt giữ các tàu chở dầu thương mại ở vùng biển quốc tế ngoài khơi Oman - một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới.

Những hình ảnh cho thấy xuồng cao tốc của Iran bao vây tàu chiến của Mỹ. Nguồn: Dailymail

Dailymail mô tả, các xuồng cao tốc được điều khiển bởi các binh sĩ có vũ trang thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và di chuyển sát tàu của Mỹ trong khi các máy bay không người lái bay và tìm cách chụp ảnh ngay phía trên tàu.

Các phương tiện truyền thông Iran tuyên bố cuộc đối đầu đã buộc các máy bay trực thăng phải hạ cánh trở lại tàu Mỹ.

Theo Washington Examiner, Bộ Quốc phòng Mỹ đã bác bỏ báo cáo về clip này và phủ nhận sự cố nói trên. Phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh khẳng định báo cáo về việc đánh chặn trực thăng của Mỹ là không đúng sự thật.

Eo biển Hormuz giữ vai trò cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế thế giới, khi 1/5 lượng dầu mỏ của thế giới đi qua vùng biển này. Quân đội Mỹ cho biết, chỉ trong 2 năm vừa qua, Iran đã bắt giữ hoặc kiểm soát gần 20 tàu thương mại gắn cờ quốc tế trong khu vực.

 

* CHDCND Triều Tiên phóng thử tên lửa hành trình chiến lược

Tên lửa hành trình chiến lược được bắn đi từ một tàu hộ tống của hải quân nước này dưới sự thị sát của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Theo hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 21/8, vụ thử này diễn ra khi Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu cuộc tập trận thường niên Lá chắn tự do Ulchi (UFS) mà Bình Nhưỡng coi là một cuộc diễn tập cho chiến tranh.

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un đã thị sát việc bắn thử tên lửa hành trình chiến lược. Ảnh: Reuters

KCNA cho biết ông Kim đã đến thăm một hạm đội hải quân đóng quân ở bờ biển phía đông để giám sát cuộc thử nghiệm trên một tàu chiến, nhưng không nêu rõ thời gian của chuyến đi. Cũng theo hãng thông tấn này, vụ phóng thử nhằm xác minh “chức năng chiến đấu của con tàu và tính năng của hệ thống tên lửa”, đồng thời cải thiện khả năng của các thủy thủ để thực hiện “nhiệm vụ tấn công trong chiến tranh thực tế”. Ông Kim cho biết con tàu sẽ duy trì “tính cơ động cao, sức mạnh tấn công mạnh mẽ và sẵn sàng chiến đấu liên tục để đối phó với các tình huống bất ngờ”.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết họ đã phát hiện các dấu hiệu của vụ phóng. Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên gia tăng kể từ khi các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa sụp đổ vào năm 2019. Kể từ đầu năm 2022, Triều Tiên đã thực hiện hơn 100 vụ thử vũ khí.

 

Xung đột Nga - Ukraine
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm