Quốc tế

Quốc gia nào đang nóng lòng muốn sở hữu S-400 của Nga bất chấp Mỹ hù dọa?

Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Quốc hội Iraq đã đệ trình một nghiên cứu chi tiết về đề xuất mua hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-400 của Nga để Thủ tướng tạm quyền Adel Abdul-Mahdi tiến hành cân nhắc hôm 18/4.

Bí mật về chiếc xe chở hệ thống tên lửa S-400 / Thổ Nhĩ Kỳ gặp vấn đề lớn khiến S-400 chưa thể triển khai

“Vấn đề đang được các bên liên quan thảo luận tại Bộ Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Iraq và giờ đang chờ sự chấp thuận từ phía Thủ tướng tạm quyền Adel Abdul-Mahdi”, tờ al-Sabaah tiếng Ả Rập dẫn lời ông Badr al-Ziyadi, một thành viên trong Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Quốc hội Iraq.

Hệ thống phòng không S-400 được đặt gần thủ đô Moscow của Nga. (Ảnh: Sputnik)

Cũng theo ông Ziyadi, Iraq cần tăng cường năng lực phòng thủ. Các thành viên Quốc hội Iraq cũng cho biết, chương trình mua hệ thống tên lửa S-400 có thể được hoàn thành sau khi được chính quyền mới của Iraq thông qua.

“Việc phê chuẩn để mua một hệ thống vũ khí hiện đại như S-400 cần nguồn phân bổ tài chính lớn, cùng một quyết định mang tính chính trị nhằm đa dạng hóa các nguồn cung cấp vũ khí chứ không chỉ dựa vào nguồn cung từ phương Tây mà cần hướng cả về phương Đông”, ông Ziyadi nói thêm.

Trong thời gian qua, giới nghị sĩ Iraq cũng đã nhiều lần bày tỏ mối quan ngại về những sức ép ngày càng lớn đối với Baghdad nhằm ngăn chặn Iraq ký kết hợp đồng mua bán vũ khí với các nước khác.

Cụ thể, hôm 18/3, hãng tin tiếng Ả Rập Maalomah dẫn lời ông Ziyadi cho biết, các công ty vũ khí được Mỹ và Israel hậu thuẫn đang ngăn cản Iraq đàm phán hoặc ký kết hợp đồng với các công ty của những nước phát triển khác.

Trước đó, vào ngày 20/1, ông Ziyadi nhấn mạnh nhằm tăng cường năng lực an ninh chống lại mọi mối đe dọa tiềm tàng, Iraq đã điều nhiều phái đoàn tới các nước để đàm phán về những thương vụ mua hệ thống tên lửa phòng không hiện đại.

 

“Các phái đoàn này đã tới thăm các nước như Nga, Trung Quốc và Ukraine để thảo luận về những thương vụ mua hệ thống vũ khí hiện đại nhằm bảo vệ không phận của Iraq. Quốc hội Iraq cũng cho thành lập một phái đoàn tới thăm các nước phát triển và ký kết những thỏa thuận mua sắm nhiều vũ khí hiện đại”, nhật báo al-Sabaah dẫn lời ông Ziyadi.

Cũng trong tháng Một, tờ Wall Street Journal dẫn lời ông Karim Elaiwi, một thành viên khác trong Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Quốc hội Iraq cho hay, Baghdad từ lâu đã cân nhắc mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga do lo ngại Washington từ bỏ sự ủng hộ đối với Iraq.

“Chúng tôi đang đàm phán với Nga về các tên lửa S-400, nhưng chưa có hợp đồng nào được hai bên ký kết. Chúng tôi cần các tên lửa này đặc biệt là khi người Mỹ đã khiến chúng tôi thất vọng nhiều lần khi không cung cấp cho chúng tôi những vũ khí phù hợp”, ông Elaiwi cho biết.

Ý định mua S-400 Nga cũng được ông Abdul Khaleq al-Azzawi, một thành viên khác trong Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Quốc hội Iraq xác nhận.

“Chúng tôi cho phép Thủ tướng Iraq mua các hệ thống phòng không từ bất cứ quốc gia nào mà ông ấy muốn và chúng tôi cho phép ông ấy bỏ tiền ra mua vũ khí từ bất cứ quốc gia nào từ Nga hoặc từ bất cứ nước nào”, ông Azzawi nhấn mạnh.

 

Căng thẳng giữa Mỹ - Iraqbùng phát sau khi Quốc hội Iraq yêu cầu quân đội Mỹ rút quân khỏi quốc gia này hồi tháng Một. Động thái của Quốc hội Iraq được công bố sau vụ việc hôm 3/1, Mỹ dùng máy bay không người lái (UAV) không kích khu vực gần sân bay quốc tế Baghdad và gây ra cái chết của Tướng Qassem Soleimani, Chỉ huy lực lượng Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cùng Phó chỉ huy lực lượng huy động nhân dân Shia (PMU) tại Iraq là Tướng Abu Mahdi al-Muhandis và 10 người khác.

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay Washington chỉ thảo luận về việc tái phân bổ lực lượng tại Iraq chứ không có ý định rút quân.

Trước đó, Washington cũng cảnh báo Iraq sẽ phải hứng chịu hậu quả nặng nề nếu mua vũ khí của Nga mà cụ thể là hệ thống phòng không S-400. Trong đó, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ trừng phạt Iraq chiểu theo Đạo luật chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua lệnh trừng phạt (CAATSA).

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm