Quốc tế

Siêu tăng Hàn Quốc K2 Black Panther với sứ mệnh chinh phục thị trường mới

Hàn Quốc có nắm bắt được cơ hội xuất khẩu số lượng lớn Siêu tăng K2 Black Panther cho một quốc gia Bắc Âu giàu có? Vấn đề sẽ được ngã ngũ vào cuối năm 2022.

Lực lượng vũ trang Nga đã tiếp nhận thêm 2.000 đơn vị vũ khí hiện đại / UAV Orion của Nga phóng thử vũ khí mới nhằm vào các mục tiêu trên không

Siêu tăng K2 Hàn Quốc

Năm 1995, Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hàn Quốc được giao nhiệm vụ phát triển một phương tiện chiến đấu bọc thép hiện đại sử dụng các công nghệ tiên tiến trong nước, mang ký hiệu K2 Black Panther. Bất chấp khả năng vượt trội của các thiết kế K1 và K1A1 so với các xe tăng của Triều Tiên (hầu hết là T-55 và Type 59 đã cũ), mục tiêu của chương trình này nhằm hiện đại hóa hơn nữa Quân đội Hàn Quốc - thay thế hầu hết các xe tăng M48 Patton và bổ sung cho loạt xe K1 đang có trong trang bị. Sử dụng công nghệ bản địa sẽ cho phép sản phẩm thâm nhập thị trường xuất khẩu mà không gặp khó khăn về giấy phép.

Các biến thể thiết kế ban đầu bao gồm một phiên bản có tháp pháo không người lái, sau đó được loại bỏ để chuyển sang thiết kế tháp pháo có người lái. Tăng mới cũng được lên kế hoạch trang bị pháo nòng trơn 140 mm thử nghiệm của Rheinmetall, nhưng sau đó K2 đã được cấu hình pháo 120 mm CN08 L55 nòng dài 6,6 m (dài hơn 1,3 m so với pháo chính KM256 120 mm của K1A1), có khả năng đánh bại các mối đe dọa thiết giáp tiềm năng trong tương lai gần.

K2 là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực đắt nhất; Nguồn: wikipedia.org
K2 là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực đắt nhất; Nguồn: wikipedia.org

K2 Black Panther là xe tăng chiến đấu chủ lực do Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hàn Quốc thiết kế và Hyundai Rotem sản xuất. Được phát triển như một loại xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) hiện đại, K2 Black Panther được nạp tự động, trang bị giáp composite tiên tiến cùng với hệ thống bảo vệ chủ động tiêu diệt cứng và mềm. Việc sản xuất hàng loạt bắt đầu vào năm 2013 và những chiếc K2 đầu tiên được triển khai vào tháng 6/2014. K2 được trang bị động cơ diesel MTU MT-883 Ka-501 4 kỳ, 12 xi-lanh, làm mát bằng nước, công suất 1.500 mã lực và dùng hộp số tự động.

Nó có thể đạt tốc độ tối đa 75 km/h và 50 km/h trong điều kiện địa hình gập ghềnh và dự trữ hành trình 450 km. Hệ thống treo ở mỗi bên bao gồm sáu bánh xe cao su kép, với đĩa xích dẫn động ở phía sau và bánh xe chạy không tải ở phía trước. K2 có khả năng vượt sông sâu 4 m, được trang bị chức năng kiểm soát tư thế có thể nghiêng khung gầm hoặc hạ thấp chiều cao tổng thể 40 cm. Hệ thống cảnh báo laser có thể quay tháp pháo về phía đối phương gần như ngay lập tức.

Hiện Black Panther có các phiên bản XK2 – thử nghiệm, K2 - biến thể sản xuất đầu tiên (dự kiến số lượng 206 chiếc, bắt đầu từ năm 2013), K2 PIP - chương trình cải tiến sản phẩm (Product Improvement Program), nâng cao khả năng việt dã, và K2PL - phiên bản dành cho Quân đội Ban Lan, và Altay - biến thể xuất khẩu. Với giá trên 8,5 triệu USD/chiếc, K2 là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực đắt nhất.

Oman có thể sẽ là quốc gia nước ngoài đầu tiên sở hữu xe tăng K2. Cho đến nay, có 76 xe tăng được lên kế hoạch mua. Thông tin đầu tiên về các cuộc tiếp xúc giữa đại diện của các lực lượng vũ trang Oman và Hyundai Rotem đã xuất hiện vào mùa thu năm 2018. Chiếc K2 mang màu sắc ngụy trang của sa mạc, đã trải qua các cuộc thử nghiệm toàn diện ở phía đông nam của Bán đảo Arab. Các cuộc chạy thử nghiệm diễn ra trên sa mạc và các khu vực đồi núi, và một chiếc xe tăng đã được đổ bộ từ tàu tấn công đổ bộ.

K2 có khả năng vượt sông sâu 4 m; Nguồn: wikipedia.org
K2 có khả năng vượt sông sâu 4 m; Nguồn: wikipedia.org

Năm 2007, Seoul và Ankara đã đàm phán thành công một hợp đồng cấp phép sản xuất tăng K2, cũng như xuất khẩu 40 (+15) chiếc KT-1 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2008, Hyundai Rotem và Otokar của Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng trị giá 400 triệu USD để chuyển giao công nghệ và hỗ trợ thiết kế. Công nghệ này sẽ được tích hợp vào xe tăng chiến đấu chủ lực bản địa trong tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ, được đặt tên là MİTÜP Altay. Ai Cập thông báo đã đàm phán với Hàn Quốc để hợp tác sản xuất K2 Black Panther với việc chuyển giao công nghệ chế tạo.

 

Chinh phục thị trường tiềm năng

Tháng 11/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy đã trình bày kế hoạch đổi mới các MBT của nước này từ năm 2025. Sau khi đánh giá 9 phương án, Na Uy đã quyết định mua xe tăng chiến đấu chủ lực mới và chọn hai phương án khả dĩ - K2 Black Panther của Hàn Quốc và Leopard 2A7 của Krauss-Maffei Wegmann (KMW, Đức). Na Uy có kế hoạch mua 200 MBT và người chiến thắng có thể được xướng danh vào năm 2025. Tháng 11/2021, Công ty Hyundai Rotem đã tiết lộ, đề xuất của Na Uy về MBT K2 (được gọi là K2NO) tại triển lãm quốc phòng ADEX 2021 ở Hàn Quốc.

Theo các tính năng kỹ thuật do công ty Hyundai Rotem công bố, K2NO sẽ dựa trên nguyên bản K2 của Hàn Quốc nhưng được sửa đổi theo yêu cầu cụ thể của Na Uy. Quốc gia khá giàu có này (nhờ trữ lượng dầu khổng lồ ở Biển Bắc) có một quân đội nhỏ gọn nhưng được trang bị rất tốt với công nghệ hiện đại. Na Uy là một trong những nước đầu tiên nhận máy bay F-35 của Mỹ. Na Uy từng mua vũ khí từ Hàn Quốc. Năm 2007, một hợp đồng cung cấp 24 pháo tự hành K9 "Thunder" và sáu xe sửa chữa và thu hồi K1 ARV dựa trên xe tăng K1 đã được ký kết.

Cuối năm 2021, phiên bản K2NO đã đến Na Uy để tham gia thử nghiệm mùa đông. K2NO có phi hành đoàn 3 thành viên, có trọng lượng chiến đấu 61,5 tấn, dài 10,8 m, rộng 3,6 m, cao 2,4 m. Có trọng lượng chiến đấu 55 tấn và với tổng số 40 viên đạn (16 viên được lưu giữ trong bộ nạp đạn tự động và 24 viên đạn được lưu trữ bên trong thân xe), pháo nòng trơn CN08 120 mm có thể bắn khoảng 10-15 phát mỗi phút. Đỉnh tháp pháo được lắp một trạm vũ khí điều hành từ xa được trang bị súng máy hạng nặng 12,7mm của công ty Kongsberg của Na Uy.

K2 Hàn Quốc trong một cuộc diễn tập thực binh; Nguồn: wikipedia.org
K2 Hàn Quốc trong một cuộc diễn tập thực binh; Nguồn: wikipedia.org

K2NO dường như giữ nguyên thiết kế của K2 MBT nhưng được trang bị tháp pháo mới được gắn thêm giáp bảo vệ chủ động cũng như Hệ thống bảo vệ chủ động (APS) Rafael của Israel với các ăng ten radar gắn ở hai bên phía trước tháp pháo. APS được thiết kế để bảo vệ các phương tiện chiến đấu khỏi Tên lửa dẫn đường chống tăng (ATGM), Lựu chống tăng (RPG) và đạn chống tăng sử dụng chất nổ mạnh (HEAT). K2NO sẽ nhận được thiết bị được thiết kế đặc biệt cho khí hậu Na Uy - hệ thống sưởi mạnh hơn và bộ động lực phụ được hiện đại hóa.

 

Nếu vào cuối năm 2022, Hyundai Rotem giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh, và đảm bảo giao hàng cho khách hàng nhanh nhất (từ năm 2025), lô xe tăng đầu tiên sẽ được sản xuất hoàn toàn tại Hàn Quốc. Đồng thời, các công tác chuẩn bị triển khai các cơ sở sản xuất tại Na Uy, nơi đảm bảo cung cấp lô xe tăng thứ hai bắt đầu từ năm 2027, sẽ được thực hiện. Công việc sẽ được phân phối giữa ba doanh nghiệp Na Uy để sản xuất khung, thân xe, tháp pháo và lắp ráp cuối cùng. Hàn Quốc sẽ cung cấp hệ thống truyền động, pháo, thiết bị ngắm, bộ nạp tự động và hệ thống treo khung gầm bằng khí nén.

Các xe tăng này cũng có khả năng được trang bị Hệ thống chiến đấu tích hợp ICS (Integrated Combat System) và mô-đun vũ khí điều khiển từ xa Protector RWS. Ngoài ra, khách hàng có thể được cung cấp một tổ hợp bảo vệ tích cực Hardkill do Hàn Quốc phát triển KAPS (Korean Active Protection System). Nhưng do người Hàn Quốc vẫn chưa sử dụng nó trên chiếc K2 của họ, nên có thể lắp đặt APS Iron Fist hoặc Trophy - cả hai hệ thống đều của Israel, đã được thử nghiệm trong điều kiện chiến đấu và có thể được tích hợp trên K2.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm