Quốc tế

Số người mắc COVID-19 trên thế giới vượt mốc 23 triệu ca

Đến sáng 22/8, thế giới đã ghi nhận trên 23 triệu ca mắc COVID-19, trong đó trên 801.800 người đã tử vong vì đại dịch này.

Thử nghiệm cấp nhà nước đối với Sprut-SDM1 đã bắt đầu ở Nga / Colombia cáo buộc Venezuela tìm cách mua tên lửa Iran

Thế giới đã ghi nhận hơn 23 triệu ca mắc COVID-19 tính đến sáng 22/8. (Ảnh: AP)

Thế giới đã ghi nhận hơn 23 triệu ca mắc COVID-19 tính đến sáng 22/8. (Ảnh: AP)

Ngày 21/8, tại Mỹ, gần 42.600 người đã bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này lên trên 5,7 triệu trường hợp. 179.000 người đã tử vong vì căn bệnh này tại Mỹ.

Ông Robert Redfield, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), nhận định, số ca tử vong do dịch COVID-19 tại nước này sẽ bắt đầu giảm vào tuần tới khi tỷ lệ tử vong trung bình mỗi ngày trong 7 ngày qua luôn ở mức 1.000 ca. Các quan chức y tế đánh giá, Mỹ đang bắt đầu kiểm soát được sự bùng phát của đại dịch ở các địa phương phía Nam. Tuy nhiên, tình hình tại khu vực miền Trung chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện.

Tại Brazil, tâm dịch lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, hiện đã có trên 3,5 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 113.300 người đã tử vong. Ngày 21/8, Brazil đã ghi nhận số ca mắc mới giảm mạnh với hơn 27.000 trường hợp. Bang Sao Paulo, miền Đông Nam, đang là điểm nóng dịch bệnh lớn nhất quốc gia Nam Mỹ này với hơn 27.900 ca tử vong. Tiếp sau đó là thành phố Rio de Janeiro, nơi ghi nhận hơn 15.000 người thiệt mạng.

Số người mắc COVID-19 trên thế giới vượt mốc 23 triệu ca - Ảnh 1.

Ngày 21/8, Brazil đã ghi nhận số ca mắc mới giảm mạnh. (Ảnh: AP)

 

Tại châu Á, Ấn Độ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 3 triệu bệnh nhân. Nước này đã ghi nhận hơn 69.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tại đây lên mức hơn 2,9 triệu trường hợp. Trong một ngày qua, với hơn 900 ca tử vong mới, Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng trên 55.900 người thiệt mạng vì COVID-19.

Philippines ghi nhận số ca nhiễm cao nhất tại khu vực Đông Nam Á với khoảng 182.300 trường hợp tại thời điểm này. Philippines ghi nhận gần 4.800 ca mắc mới trong ngày 21/8, nguyên nhân khiến số ca mắc bệnh gia tăng là do chủng virus SARS-CoV-2 ở nước này đã biến đổi thành một chủng mới hoạt động mạnh hơn. Trong khi đó, với 6.500 ca tử vong vì COVID-19, Indonesia có số người không qua khỏi cao nhất khu vực. Hiện Indonesia đã có trên 149.400 ca mắc bệnh.

Ngày 21/8, Bộ Y tế Malaysia đã xác định một ổ dịch mới tại một nhà hàng tại thủ đô Kuala Lumpur. Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát tình hình dịch COVID-19 của Thái Lan (CCSA) đã gia hạn quy tắc khẩn cấp chống dịch tới ngày 30/9. Đây là lần thứ 5 liên tiếp sắc lệnh này được gia hạn. Singapore đã quyết định tiếp tục nới lỏng hạn chế đi lại thông thường tới Brunei và New Zealand bắt đầu từ ngày 1/9 tới.

Số người mắc COVID-19 trên thế giới vượt mốc 23 triệu ca - Ảnh 2.

Tình hình dịch bệnh có chiều hướng xấu đi ở Hàn Quốc. (Ảnh: AP)

Tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc đã ghi nhận trên 300 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 16.600 trường hợp. Ngoài ra, có 2 ca tử vong. Trước tình hình dịch bệnh xấu đi, chính quyền thủ đô Seoul đã ban hành quy định cấm các cuộc biểu tình trên đường phố có sự tham gia của 10 người trở lên. Người vi phạm sẽ bị phạt tới 3 triệu Won (khoảng hơn 2.500 USD). Chính quyền thành phố cũng sẽ truy tố hình sự đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm Đạo luật Phòng chống và kiểm soát bệnh truyền nhiễm.

 

Chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản ngày 21/8 đã ghi nhận 258 ca mắc mới tại thành phố này, giảm so với con số 339 ca của ngày hôm trước. Cho đến thời điểm này, tổng số ca nhiễm tại Nhật Bản đã lên tới hơn 58.500 ca, trong đó có trên 1.100 trường hợp không qua khỏi.

Trong một diễn biến khác, Trung Quốc đại lục ngày 21/8 ghi nhận thêm 1 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng cộng 22 ca mắc mới đều là những ca nhập cảnh, không có thêm trường hợp nghi nhiễm hay tử vong nào. Giới chức y tế thủ đô Bắc Kinh đã bãi bỏ quy định bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài. Đây là một phần trong kế hoạch nới lỏng các biện pháp chống dịch khi thành phố không ghi nhận ca mắc mới trong 13 ngày liên tiếp.

Cùng ngày, bang Victoria, tâm dịch của Australia, đã thông báo thêm 179 ca mới trong 24 giờ qua, thấp nhất trong vòng 5 tuần. Bang này cũng ghi nhận thêm 9 ca tử vong. Trong bối cảnh tình hình dần cải thiện tại bang tâm dịch và không còn hoặc rất ít ca mắc mới được ghi nhận tại các bang khác, các lãnh đạo doanh nghiệp tại Australia đã kêu gọi nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại giữa các địa phương để giảm thiểu tác động kinh tế.

Số người mắc COVID-19 trên thế giới vượt mốc 23 triệu ca - Ảnh 3.

Ngày 21/8, New Zealand đã ghi nhận thêm 11 ca mắc COVID-19 mới. (Ảnh: AP)

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại New Zealand đang "nóng" trở lại khi cơ quan y tế thông báo thêm 11 ca nhiễm mới. Thủ tướng nước này Jacinda Ardern thông báo, chính phủ sẽ đánh giá tình hình trước khi quyết định về việc nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

 

Thụy Sĩ đã lần thứ hai trong tuần này ghi nhận số ca nhiễm mới hơn 300 ca. Đây là mức cao chưa từng thấy kể từ giữa tháng 4. Bộ trưởng Bộ Y tế Alain Berset cảnh báo tình trạng người dân lơ là việc tuân thủ các quy định về y tế và giãn cách xã hội sau khi nước này tuyên bố đã kiểm soát được dịch.

Trong khi đó, Chính phủ Anh cho biết, tỷ lệ lây nhiễm ở quốc đảo này đã vượt mức 1. Điều này đồng nghĩa với việc mức độ lây lan đang diễn ra rất nhanh. Từ 0h ngày 22/8, một số địa phương tại Tây Bắc England sẽ phải áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn làn sóng thứ hai, cụ thể cấm tiếp xúc với người ngoài, cấm đám cưới có trên 20 người tham dự, ngừng dịch vụ vận tải công cộng

Trong một diễn biến khác, tại Thụy Điển, do số lượng các ca lây nhiễm mới và tử vong giảm nên chính phủ nước này đã thông báo kế hoạch nới lỏng một số quy định từ ngày 1/10 tới, cho phép tăng số lượng người tham gia các sự kiện văn hóa và thể thao nếu các sự kiện này được tổ chức cùng các biện pháp phòng dịch.

Với gần 600.000 ca nhiễm và hơn 12.600 ca tử vong, Nam Phi hiện là nước bị tác động nhiều nhất của dịch tại khu vực châu Phi. Tiếp theo đó là Ai Cập với hơn 97.000 ca nhiễm và trên 5.200 người tử vong. Các nước Nigeria, Marocco, Ghana và Algeria đều đã ghi nhận hơn 40.000 ca nhiễm và hàng trăm ca tử vong trong mùa dịch này.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm