Quốc tế

Sức mạnh của tên lửa hành trình chạy bằng động cơ hạt nhân Burevestnik

Nằm trong những vũ khí tương lai tạo ra ưu thế chiến lược của Nga, tên lửa hành trình sử dụng động cơ hạt nhân 9M730 Burevestnik cũng mang trong mình nhiều công nghệ chưa từng có tiền lệ trên thế giới. Tuy nhiên, để sở hữu vũ khí này, các nhà khoa học quân sự Nga đã phải vượt qua rất nhiều thách thức kỹ thuật.

Ấn Độ sẵn sàng triển khai tên lửa siêu thanh mang đầu đạn hạt nhân / Tên lửa Zircon sẽ hạ gục tàu sân bay?

Động cơ hạt nhân siêu nhỏ

Tương tự như thiết bị lặn tự hành Poseidon, cung cấp động lực chính cho tên lửa Burevestnik là động cơ hạt nhân siêu nhỏ. Bản chất của hai lò phản ứng hạt nhân trang bị trên Poseidon và Burevestnik có nhiều nét tương đồng. Chúng cung cấp năng lượng mạnh hơn các dòng lò hạt nhân phổ biến, nhưng lại nhỏ gọn hơn gấp hàng trăm lần. Điểm khác biệt chính là chúng dùng nguyên tắc và chất dẫn nhiệt khác nhau.

Nếu trên Poseidon, lò phản ứng hạt nhân sử dụng kim loại lỏng để dẫn nhiệt và làm quay turbin phát điện, thì trên tên lửa Burevestnik đơn giản hơn sử dụng không khí. Do là thiết bị lặn dưới nước, bất kỳ tiếng động nhỏ nào đều có thể bộc lộ vị trí trước các thiết bị trinh sát thủy âm của đối phương. Chính vì thế, đối với tàu ngầm và thiết bị lặn quân sự như Poseidon, hoạt động trong im lặng có thể coi là yếu tố sống còn. Trong khi đó, tên lửa Burevestnik sử dụng nguyên tắc làm mát và điều khiển dòng khí phản lực. Các khoang gia nhiệt cực mạnh được thiết kế nằm dọc theo thân tên lửa. Luồng khí hút vào được gia nhiệt lên tới hàng nghìn độ nhờ năng lượng của lò phản ứng hạt nhân. Theo nguyên tắc đối lưu khi luồng khí thoát ra ngoài, chúng tạo động lực đẩy tên lửa bay về phía trước.

Tên lửa hành trình 9M730 Burevestnik.

Việc thu nhỏ kết cấu phức tạp như lò phản ứng hạt nhân vừa đủ để lắp trong thân tên lửa là thành tựu kỹ thuật đáng chú ý của tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Nga. Nhà vật lý người Mỹ Jeff Terry đánh giá, căn cứ vào những hình ảnh được công bố, công suất hoạt động của lò phản ứng trang bị trên tên lửa Burevestnik không thấp hơn 766kW, tương đương các lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới, nhưng lại có kích thước nhỏ hơn khoảng 100 lần.

Liên quan tới động cơ hạt nhân của tên lửa Burevestnik, chuyên gia quân sự Pháp Corantin Brustlen đánh giá, công nghệ động cơ hạt nhân đã giúp tên lửa hành trình của Nga không còn bị giới hạn về tầm bắn, quỹ đạo bay tương tự như các loại tên lửa hành trình sử dụng nhiên liệu truyền thống. Đối phương rất khó để theo dấu loại tên lửa này, cũng như lên phương án ngăn chặn. Các hệ thống phòng thủ tên lửa gần như vô dụng trước loại vũ khí có phạm vi hoạt động toàn cầu như Burevestnik. Xét trên bình diện quốc tế, việc sở hữu loại vũ khí đặc biệt như Burevestnik tạo lợi thế chiến lược rất lớn cho Nga trong ít nhất vài thập niên tới.

Từ nghi vấn tới bất ngờ

Ngay từ khi được công bố lần đầu tiên vào năm 2018, giới chuyên gia quân sự Mỹ và phương Tây hoài nghi về sự tồn tại của tên lửa Burevestnik. Điều này khá đơn giản vì loại vũ khí như vậy chưa từng có tiền lệ và Nga đã làm công tác bảo mật rất tốt đối với loại vũ khí cấp chiến lược này. Tuy nhiên, sau hàng loạt thử nghiệm thành công của tên lửa Burevestnik ở vùng biển Barents, giới chức quân sự Mỹ và phương Tây đã buộc phải thừa nhận sự tồn tại của Burevestnik và tìm cách đối phó với nó. Cố vấn về Kiểm soát vũ khí của Tổng thống Mỹ, Marshall Billingslea tuyên bố, tên lửa hành trình Burevestnik không nên tồn tại vì nó giống như “nhà máy điện Chernobyl”... biết bay.

Đánh giá về tên lửa Burevestnik trong tháng 9/2020, lãnh đạo Cơ quan Tình báo Anh, Trung tướng Jim Hockenhall cho rằng, tên lửa hành trình của Nga có khả năng hoạt động không giới hạn trên không và có thể chủ động chọn thời điểm để tấn công bất ngờ vào mục tiêu.

 

Một vụ phóng thử được cho là của tên lửa hành trình 9M730 Burevestnik.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga từng công bố nhiều hình ảnh về quá trình thử nghiệm tên lửa Burevestnik với khả năng tương thích với nhiều phương tiện phóng trên bộ và trên không khác nhau. Nó có hình dáng bên ngoài gần tương tự như tên lửa hành trình chiến lược phóng từ trên không X-101, nhưng có kích thước lớn hơn đáng kể để mang trong thân động cơ hạt nhân. Các thông tin chi tiết về đặc điểm kỹ-chiến thuật của tên lửa Burevestnik không được công bố, nhưng với năng lực công nghiệp quốc phòng của Nga, tên lửa này hoàn toàn có khả năng mang nhiều loại đầu đạn thông thường và hạt nhân khác nhau để phù hợp với nhiệm vụ chiến đấu.

Giới chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng, tên lửa Burevestnik, cũng như thiết bị lặn Poseidon đang mang lại lợi thế chiến lược rất lớn cho Nga trong cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường. Vấn đề của các “siêu vũ khí” này không phải nằm ở việc nó có được sử dụng hay không, mà là tính răn đe giúp hạ nhiệt những cái đầu nóng trên bàn cờ chiến lược quốc tế.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm