Quốc tế

Súng trường tấn công bắn đạn không vỏ độc nhất vô nhị trên thế giới

DNVN - Heckler & Koch G11 là mẫu súng trường tấn công cực kỳ đặc biệt, đã mở ra cuộc cách mạng trong lịch sử phát triển vũ khí hạng nhẹ.

Làm thế nào mà Iran có trong tay hàng loạt chiến đấu cơ Mỹ? / Sự thực về việc Mỹ không biết đóng tàu ngầm tấn công diesel-điện

Ngay từ đầu Chiến tranh thế giới thứ hai, xét từ khả năng cung ứng nguồn tài nguyên kim loại trong chiến tranh, Đức quốc xã đã bắt tay nghiên cứu đạn không vỏ 7,92 mm.

Tháng 12/1969, Bộ Quốc phòng Tây Đức chính thức giao nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo súng bắn đạn không vỏ cho 3 nhà sản xuất là Công ty Deere, Công ty Heckler & Koch và Công ty Mauser.

Năm 1977, loại súng bắn đạn không vỏ của Đức tham gia vào cuộc thử nghiệm vũ khí hạng nhẹ của NATO. Sau đó, nó đã được cải tiến thêm nhiều lần.

Mẫu chế thử ban đầu của súng trường bắn đạn không vỏ G11

Mẫu chế thử ban đầu của súng trường bắn đạn không vỏ G11

Đến năm 1981, Đức tuyên bố chế tạo thành công loại súng trường tấn công bắn đạn không vỏ G11 với đường kính nòng 4,7 mm.

Sang năm 1982, loại súng này lại tham gia vào cuộc thử nghiệm tổng hợp. Tới đầu năm 1983, nó được triển khai thử nghiệm trong quân đội và đến năm 1986 thì súng G11 bắt đầu được trang bị cho lính trinh sát với số lượng hạn chế.

G11 được Heckler & Koch chế tạo với 3 biến thể gồm: G11 - Súng trường tấn công, LMG11 - Súng máy hạng nhẹ (trung liên) và G11 PDW - Súng phòng vệ cá nhân (tiểu liên).

Súng trường tấn công bắn đạn không vỏ G11 được áp dụng những công nghệ mới như trên thân súng có hộp đạn, hộp tiếp đạn và báng súng kết cấu hợp nhất, hộp tiếp đạn có dung lượng lớn, có bộ phận khống chế điểm xạ tốc độ nhanh...

 

Súng trường tấn công G11 phiên bản hoàn thiện

Súng trường tấn công G11 phiên bản hoàn thiện

Thông số kỹ thuật cơ bản của súng trường tấn công G11 bao gồm: chiều dài 750 mm với nòng dài 540 mm; trọng lượng rỗng 3,6 kg và 4,3 kg khi nạp đầy đạn; sơ tốc đầu nòng 930 m/s, tốc độ sau 300 m là 670 m/s, giảm xuống còn 455 m/s sau 600 m.

Theo thước ngắm, đường đạn sẽ ăn lên tối đa ở cự ly 300 m là 17 cm, ở cự ly 600 m là 102 cm; súng gồm 3 chế độ bắn là bán tự động, điểm xạ 3 viên và liên thanh. Tốc độ bắn 460 viên/phút ở chế độ liên thanh và 2.100 phát/phút ở chế độ bắn loạt 3 viên; dung lượng hộp tiếp đạn 50 viên; tầm bắn hiệu quả 400 m.

 

Đạn không vỏ 4,7 x 33 mm của súng trường tấn công G11

Đạn không vỏ 4,7 x 33 mm của súng trường tấn công G11

Loại đạn không vỏ tiêu chuẩn cho súng G11 cỡ 4,7 x 33 mm gồm 4 bộ phận cơ bản: từ trái sang khối thuốc phóng rắn, đoạn mồi, đầu đạn và nắp nhựa có tác dụng giữ đầu đạn nằm giữa khối thuốc phóng rắn.

Tính năng kỹ chiến thuật cơ bản của đạn không vỏ: đường kính 4,7 mm; đường kính cơ sở 7,76 mm; chiều dài 32,83 mm; trọng lượng đạn 5 g, đầu đạn nặng 3,4 g, trọng lượng thuốc phóng 1,6 g; áp lực tối đa lên mục tiêu 385.00 MPa (55,840 psi).

 

Súng trường bắn đạn không vỏ G11 chính thức kết thúc giai đoạn thử nghiệm và được hoàn thiện vào năm 1990.

Việc nghiên cứu chế tạo thành công loại súng này thực sự mở ra một cuộc cách mạng trong lịch sử phát triển của vũ khí hạng nhẹ. Nó không những giúp tiết kiệm kim loại mà còn làm giảm trọng lượng của đạn, từ đó giúp binh sĩ có thể mang theo một cơ số đạn lớn hơn.

Mặc dù được đánh giá là một vũ khí thành công về mặt kỹ thuật nhưng rất đáng tiếc G11 đã không được đi vào sản xuất hàng loạt do sự thay đổi thể chế chính trị của nước Đức thống nhất và thiếu các hợp đồng mua sắm.

Tổng cộng chỉ có khoảng 1.000 khẩu G11 được chế tạo cho quân đội Đức trước khi nó bị đánh bại hoàn toàn và mất vị trí bởi 2 loại súng trường truyền thống là G36 và G3.

Vũ khí - khí tài
Phong Vũ (Tham khảo Wikipedia)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm