Tàu ngầm AIP tối tân Thổ Nhĩ Kỳ có thể 'xuyên thủng' vùng kiểm soát của Nga ở Biển Đen?
80 triệu USD tiền số vừa bị đánh cắp / Nga nói chính trị hóa vấn đề Ukraine đi ngược lại lợi ích kinh tế của Nga và EU
Tàu ngầm AIP tối tân của Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá vượt trội những chiếc Kilo 636.3 của Nga, từ đó sẽ giúp Ankara giành lại quyền thống trị Biển Đen từ tay Moskva. Đây là những tàu ngầm lớp Reis (Type 214 TN) do Đức thiết kế, được đặt mua theo hợp đồng trị giá 2 tỷ USD.
Không giống như các tàu ngầm diesel-điện hiện đang phục vụ trong hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ, lớp Reis này có một động cơ độc lập với không khí (AIP), giúp giảm tiếng ồn trong quá trình di chuyển và tăng thời gian hoạt động dưới nước.
Tàu ngầm Reis dựa trên hệ thống AIP đã được kiểm chứng của công ty HDW (Đức), nó sử dụng pin nhiên liệu màng điện phân polyme PEM FC (tạo ra 2 x 120 kW điện) và pin dung lượng cao (232 chiếc). Hệ thống này cho phép hoạt động trong thời gian rất dài.
Vũ khí trang bị của tàu ngầm lớp Reis bao gồm ngư lôi 533 mm (có thể là DM2A4 của Đức DM2A4, AKYA tự sản xuất và MK48 Mod 6AT của Mỹ), tên lửa chống hạm (Harpoon của Mỹ, hoặc ATMACA nội địa) và thủy lôi.
Việc đóng 6 tàu ngầm lớp Reis được thực hiện tại xưởng đóng tàu của Thổ Nhĩ Kỳ ở Gelchuk. Vào ngày 23/3/2021, chiếc đầu tiên đã được hạ thủy, dự kiến nó chính thức hoạt động từ giữa năm 2022. Trong vòng 5 năm tới, 5 tàu ngầm còn lại sẽ được đưa vào biên chế.
Theo ấn bản Naval News của Pháp, sự xuất hiện của một hạm đội tàu ngầm AIP tối tân ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dẫn đến sự thay đổi cán cân quyền lực dọc theo toàn bộ chu vi biên giới biển của đất nước này.
Trước tình hình trên, tại Hy Lạp đã có nhiều lời kêu gọi ngăn chặn việc Berlin bán tàu ngầm Reis cho Thổ Nhĩ Kỳ, bởi giữa hai quốc gia thành viên NATO này đang tồn tại tranh chấp lãnh thổ khá quyết liệt.
"Với những tàu ngầm tấn công AIP lớp Reis tối tân, Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lại giành được lợi thế lớn trước Hy Lạp", chính quyền Athens cho biết trong một thông cáo báo chí.
Đồng thời, Ankara có ý định đóng 4 - 6 tàu ngầm của riêng mình với động cơ AIP thuộc dự án MILDEN, chúng được lên kế hoạch thay thế các tàu ngầm lỗi thời Type 209/1200 cũng có xuất xứ từ Đức.
"Trong nửa sau của những năm 2030, sự cân bằng mong manh giữa các lực lượng tàu ngầm ở khu vực Đông Địa Trung Hải có thể sẽ thay đổi theo hướng có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ", tờ Naval News đưa ra dự đoán.
Theo tờ báo Pháp, một cuộc cải tổ lực lượng tương tự đang chờ đợi ở khu vực Biển Đen. Sau khi sáp nhập bán đảo Crimea, Nga đã tăng quy mô hạm đội tàu ngầm lên 7 chiếc (thay vì 1 chiếc).
Hạm đội Biển Đen được cung cấp các tàu ngầm Dự án 636.3 có khả năng phóng tên lửa Kalibr, nhưng lại không có động cơ AIP. Hiện nay Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ có 12 tàu ngầm diesel-điện, và sau khi đưa lớp Reis vào hoạt động, tổng số sẽ là 18 chiếc (trong đó có 6 chiếc AIP).
"Các tàu ngầm tấn công lợi hại này của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đủ khả năng xâm nhập địa bàn chống tiếp cận / xâm nhập khu vực (A2 / AD) được bảo vệ nghiêm ngặt của Hải quân Nga ở Biển Đen", tờ báo Pháp đánh giá.
Tờ Naval News chỉ ra rằng theo Công ước Montreux, hạm đội tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ là tài sản duy nhất của NATO đủ khả năng chống lại tham vọng của Hải quân Nga và những tàu ngầm lớp Reis sẽ giúp Ankara thực hiện tốt vai trò của mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo