Tàu sân bay, máy bay ném bom Mỹ kéo đến Trung Đông
Hải quân Mỹ công bố những hình ảnh tàu sân bay hạt nhân USS Abraham Lincoln cùng các tàu chiến hộ tống đã đến vùng Vịnh Ba Tư giữa lúc căng thẳng với Iran leo thang.
Trung Quốc hoàn thành sửa chữa tàu sân bay trực thăng Minsk mua lại từ Liên Xô / Lộ bằng chứng Trung Quốc đang đóng tàu sân bay thứ 3
Hôm 5/5, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton thông báo Washington điều động tàu sân bay USS Abraham Lincoln và đội tàu tác chiến đến khu vực Vịnh Ba Tư. Động thái được nhấn mạnh nhằm đối phó những dấu hiệu và mối đe dọa ngày một lớn từ Iran. Trong ảnh, tàu sân bay Mỹ USS Abraham Lincoln đi qua kênh đào Suez hôm 9/5. Ảnh: AP.
Ông John Bolton cảnh báo mọi hành động thù địch của Iran nhắm vào lợi ích của Mỹ hoặc đồng minh ở khu vực sẽ bị đáp trả cương quyết bằng vũ lực. Tàu sân bay USS Abraham Lincoln được thông báo đã đến Vịnh Ba Tư, sớm hơn nhiều nhà quan sát dự kiến. Ảnh: AP.
Đi cùng tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz là ba tàu khu trục USS Bainbridge, USS Mason và USS Nitze. Ngoài ra, tàu còn được hộ tống bởi tàu chiến mang tên lửa dẫn đường USS Leyte Gulf và một khinh hạm của Tây Ban Nha là ESPS Mendez Nunez. Tàu sân bay đã rời cảng nhà từ San Diego hồi tháng 4 thực hiện hoạt động tuần tra toàn cầu. Ảnh: AP.
Khu vực Vịnh Ba Tư còn có hàng loạt lực lượng quân sự của Mỹ đồn trú và hoạt động thường xuyên. Hạm đội 5 của hải quân Mỹ đóng tại Bahrain với hơn 7.000 quân nhân. Thành phố Dubai của Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) có quân cảng lớn nhất của hải quân Mỹ bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Ngoài ra, căn cứ không quân Al Dhafra của UAE là nơi đồn trú của hơn 5.000 nhân sự quân đội Mỹ. Ảnh: AP.
Mỹ còn duy trì 13.000 quân đóng tại Kuwait. Nơi đây còn có các căn cứ tiền phương của Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM). Một căn cứ tiền phương khác của CENTCOM đặt tại căn cứ không quân Al Udeid của Qatar với hơn 10.000 quân. Chính quyền Oman cũng cho phép quân đội Mỹ quyền bay ngang không phận và hạ cánh tại các sân bay nước này hàng nghìn lần mỗi năm, mở cửa căn cứ quân sự và quân cảng cho quân đội Mỹ sử dụng. Ảnh: AP.
Mỹ duy trì một mạng lưới đông đảo các đồng minh và căn cứ quân sự trên khắp khu vực từ cuối giai đoạn Chiến tranh Lạnh và Chiến tranh Vùng Vịnh với Iraq năm 1991. Tổng thống Jimmy Carter lo ngại các đối thủ có thể tấn công eo biển Hormuz, cửa ngõ huyết mạch của vận chuyển dầu toàn cầu. Học thuyết Carter ra đời trong bối cảnh này, cho rầng Mỹ cần sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ lợi ích của mình tại vùng Vịnh Ba Tư. Ảnh: AP.
Hôm 10/5, Lầu Năm Góc công bố quyết định tái triển khai các đơn vị phòng thủ tên lửa Patriot tại khu vực Trung Đông. Tàu đổ bộ USS Arlington cùng lính thủy quân lục chiến Mỹ cũng được điều động bổ sung cho khu vực. Mỹ còn một tàu đổ bộ khác là USS Kearsarge vừa rời Vịnh Ba Tư để đến biển Arab. Ảnh. AP.
Trong đợt bổ sung sức mạnh quân sự lần này, Mỹ còn triển khai thêm một phi đội máy bay ném bom trong đó gồm cả "pháo đài bay" B-52. Các máy bay từ căn cứ không quân Barksdale tại bang Louisiana được thông báo hạ cánh ở Qatar và một số căn cứ khác ở Nam Á trong vài ngày qua. Ảnh: AP.
Không quân Mỹ hôm 9/5 công bố hình ảnh "pháo đài bay" B-52H hạ cánh tại sân bay quân sự Al Udeid tại Qatar. Ảnh: AP.
Iran xem sự hiện diện của tàu chiến Mỹ tại eo biển Hormuz là sự đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của nước này. Chính quyền Tehran từng so sánh việc tàu chiến Mỹ đến Hormuz không khác gì tàu chiến Iran áp sát Vịnh Mexico ở phía đông nam nước Mỹ. Eo biển được xem là cửa ngõ huyết mạnh của vận tải hàng hải và mạng lưới vận tải dầu quốc tế. Ảnh: AP.
Theo Zing
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo