Trung Quốc hoàn thành sửa chữa tàu sân bay trực thăng Minsk mua lại từ Liên Xô
Tổng thống Putin: Vũ khí laser mới của Nga “khủng” như khoa học viễn tưởng / Tướng Iran cảnh báo hậu quả nếu xảy ra chiến tranh với Mỹ
Hiện nay, Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã có trong tay 2 biên đội tác chiến tàu sân bay gồm chiếc Type 001 Liêu Ninh (CV-16) vốn là tàu Varyag mua lại từ Ukraine cùng chiếc Type 002 (CV-17) chuẩn bị chính thức vào biên chế.
Mặc dù vậy thiếu sót của PLAN vào lúc này đó là họ chưa có một tàu sân bay trực thăng để đảm nhiệm vai trò tác chiến chống ngầm, khi dự án chế tạo tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn Type 075B vẫn đang diễn ra khá chậm chạp.
Trước tình hình trên, đã có ý tưởng cho rằng Trung Quốc có thể tìm cách khôi phục hoạt động cho tàu sân bay trực thăng Misnsk. Đây cũng là một chiến hạm được họ mua lại với giá sắt vụn tương tự như tàu Varyag vào thời kỳ hậu Liên bang Xô Viết.
Tàu sân bay trực thăng Minsk đã được Trung Quốc mua lại từ Nga
Minsk là chiếc thứ hai của lớp tàu sân bay Kiev, được xây dựng tại nhà máy đóng tàu Mykolayiv dưới thời Liên Xô. Nó hạ thủy ngày 28/12/1972, chính thức hoạt động ngày 27/9/1978 và bị loại biên vào ngày 30/6/1993.
Tàu có chiều dài 273 m; chiều rộng tại vị trí lớn nhất đạt 49,2 m; mớn nước 8,94 m; lượng giãn nước tiêu chuẩn 30.535 tấn và lên tới 41.380 tấn khi đầy tải.
Do Liên Xô phân loại là tuần dương hạm hạng nặng mang máy bay nên Minsk được vũ trang rất mạnh với 8 tên lửa hành trình đối hạm tầm xa SS-N-12 Sandbox, 72 tên lửa phòng không tầm trung SA-N-3 Shtorm, 40 tên lửa phòng không tầm ngắn SA-N-4 Gecko...
Bên cạnh đó, trên tàu còn có 2 pháo hạm 76 mm, 8 pháo phòng không cao tốc AK-630, 10 ống phóng ngư lôi 533 mm, 2 bệ phóng rocket chống ngầm RBU-600, 1 giàn phóng đôi SUW-N-1 của loại rocket săn ngầm mang đầu đạn hạt nhân.
Trang bị đáng chú ý nhất của tàu dĩ nhiên là 12 tiêm kích hạm Yak-38, cùng với 20 trực thăng hải quân loại Ka-27 hoặc Ka-25.
Sau khi rút khỏi biên chế Hải quân Nga, tàu sân bay Minsk đã được một công ty thương mại quốc tế của Trung Quốc có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến mua lại với giá khoảng 128 triệu nhân dân tệ và cải tạo thành một điểm tham quan du lịch.
Tàu sân bay trực thăng Minsk trên đường tới Giang Tô sau khi được sơn lại
Vào năm 2016, con tàu đã được kéo khỏi vị trí neo đậu trong nhiều năm qua để mang đi tu sửa. Điều này làm dấy lên đồn đoán rằng Trung Quốc có ý định tái vũ trang chiếc Minsk như đã làm với chiếc Varyag mà nay đã trở thành tàu sân bay Liêu Ninh.
Đây là một viễn cảnh rất đáng lo ngại, nếu quay trở lại phục vụ, Minsk có thể đóng vai trò hỗ trợ cho tàu Liêu Ninh trong biên đội tác chiến tàu sân bay, sức mạnh của nó được đánh giá không hề thua kém lớp tàu khu trục mang trực thăng Hyuga hay Izumo của Nhật Bản.
Khi đó, các tiêm kích hạm J-15 xuất kích từ tàu Liêu Ninh sẽ đảm trách vai trò phòng không cũng như tấn công tầm xa, còn trực thăng sẽ cất cánh từ tàu Minsk để nhận nhiệm vụ tác chiến chống ngầm - lĩnh vực mà Hải quân Trung Quốc tỏ ra yếu nhất hiện nay.
Tuy nhiên theo thông báo từ giới chức Trung Quốc, việc con tàu được tu sửa, di chuyển tới tỉnh Giang Tô và thả neo trên sông Dương Tử chỉ đơn giản là để phục vụ mục đích trưng bày, cung cấp dịch vụ casino... mà thôi.
Hình ảnh gần đây nhất của con tàu sân bay cũ sau khi được sửa chữa bên ngoài đã xuất hiện trên các diễn đàn quân sự của Trung Quốc, cho thấy nó vẫn phục vụ mục đích chính là đón khách du lịch tham quan.
Mặc dù vậy hành động trên của phía Trung Quốc vẫn cần được theo dõi sát sao. Trong quá khứ, nước này đã không ít lần cung cấp những thông tin tương tự về số phận của tàu sân bay Liêu Ninh, nhưng rồi nó vẫn trở thành hàng không mẫu hạm đầu tiên của PLAN.
End of content
Không có tin nào tiếp theo