Quốc tế

Tên lửa đa nhiệm Spike – Tinh hoa của công nghiệp quốc phòng Israel

Tên lửa Spike có khả năng triệt hạ nhiều loại mục tiêu như xe bọc thép, hầm trú ẩn, ha tầng kỹ thuật, tàu đổ bộ, tàu mặt nước và sinh lực địch.

Cùng sao chép Iskander nhưng tên lửa Hàn Quốc đã vượt xa Triều Tiên / Tên lửa đạn đạo chiến thuật đáng sợ nhất của Triều Tiên

Spike là tổ hợp tên lửa chống tăng có điều khiển do Công ty Rafael Advanced Systems của Israel nghiên cứu phát triển từ cuối thập niên 1980, nhằm mục đích thay thế dàn vũ khí chống tăng của nước này đã quá lỗi thời so với những phát triển và nâng cấp của các chủng tăng hiện đại. Nó từng được sử dụng trong cuộc chiến tranh Nam Lebanon lần hai năm 2006 (gần 500 quả) và trong chiến dịch chống khủng bố “Lita Svinhes” tại Dải Gaza.

ten lua da nhiem spike – tinh hoa cua cong nghiep quoc phong israel hinh 1
Có thể tiến công các mục tiêu ở vị trí bị che khuất hoàn toàn là một lợi thế của Spike; Nguồn: Internet.

Spike là tên lửa chống tăng thuộc kiểu F&F “bắn và quên”, cấu tạo gồm ba bộ phận chính: phần đầu (gắn thiết bị cảm biến lái dẫn); phần thân, mang hai đầu nổ (để kích hoạt giáp phản ứng nổ (ERA) và xuyên phá); và động cơ của tên lửa. Nó là vũ khí đa năng, đa nhiệm, có thể được phóng từ đất liền, trên biển, từ xe cơ giới, và từ trực thăng. Đầu đạn kép tandem HEAT của tên lửa có khả năng phá hủy các hệ thống giáp tăng cường và xuyên giáp tất cả các xe tăng chủ lực hiện có.

Nhờ trang bị các đầu đạn tích hợp xuyên giáp, nổ phá và nổ phá mảnh (Penetration, Blast và Fragment - PBF), Spike có khả năng triệt hạ nhiều loại mục tiêu khác nhau, như xe bọc thép, hầm trú ẩn, trang thiết bị kỹ thuật, tàu đổ bộ, tàu chiến mặt nước và sinh lực địch. Nó có thể tiến công trực tiếp (đối với mục tiêu trong tầm nhìn thấy) hoặc các mục tiêu ở vị trí bị che khuất hoàn toàn nhờ hệ thống ống phóng thẳng đứng.

Công ty Rafael đang nỗ lực mở rộng tính linh hoạt của tên lửa bằng cách tăng cường công cụ tìm kiếm EO-IR/CCD hiện có với laser bán chủ động (SAL).

Spike có nhiều biến thể với tầm bắn khác nhau. Các phiên bản tầm trung (MR), dài (LR), tăng tầm (ER) đều sử dụng phương thức lái dẫn quang - truyền hình, cho phép tối ưu hiệu quả và tầm bắn; tấn công từ nóc xe như FGM-148 Javelin của Mỹ. Spike tầm ngắn (SR) là phiên bản mới nhất được thiết kế cho tác chiến đô thị, chuyên tiêu diệt các mục tiêu cố định và di động, tầm bắn 50 - 1.500 m, được trang bị đầu dò quang điện/hồng ngoại giúp kháng nhiễu và tăng xác xuất trúng mục tiêu, trang bị cho cấp trung đội. Rafael cũng cho ra mắt Spike mini có lái dẫn chống bộ binh (APGW), tầm bắn 1,3 - 1,5 km để bắn qua cửa sổ, chướng ngại vật… khi tác chiến trong đô thị.

ten lua da nhiem spike – tinh hoa cua cong nghiep quoc phong israel hinh 2
Spike - NLOS càng trở nên lợi hại khi được gắn trên xe cơ giới có độ cơ động cao; Nguồn: Reuters.

SpikeER2 - phiên bản nâng cấp của Spike ER - được lắp đặt hệ thống truyền dữ liệu hai chiều không dây hai tần số vô tuyến (RF), dữ liệu được chuyển tải trong thời gian thực, điều chỉnh phần mềm điều khiển tên lửa để tối đa hóa tầm bắn, tăng phạm vi tấn công, cơ động linh hoạt và khả năng xác định mục tiêu cần tiêu diệt, cho phép phá hủy các mục tiêu từ khoảng cách xa hơn (10 km khi phóng từ mặt đất và mặt nước, 16 km - từ trực thăng).

 

Đầu tự dẫn của tên lửa sử dụng cảm biến hồng ngoại có độ phân giải cao cho phép thu nhận hình ảnh mục tiêu trên phạm vi rộng, khí tài đeo bám theo dõi mục tiêu đa quang phổ, có thể tích hợp cơ sở dữ liệu mục tiêu từ các cảm biến. Spike ER2 có khả năng kết nối mạng chiến thuật và tương tác không trực quan khi thực hiện tấn công mục tiêu ngoài tầm nhìn (Non Line Of Sight - NLOS) theo tọa độ, có sử dụng thiết bị đo lường quán tính (Inertial Measurement Unit - IMU) do bên thứ ba (UAV, trinh sát tiền phương hay định vị vệ tinh…) xác định mục tiêu và cung cấp hình ảnh, tọa độ.

Hệ thống tên lửa Spike NLOS - phiên bản mới nhất của họ tên lửa Spike - có khả năng tấn công bất ngờ và uy lực cao, có vận tốc bay 180m/s, tầm bắn đến 25km - là tên lửa chống tăng có tầm bắn hiệu quả xa nhất thế giới. Được lái dẫn bởi máy bay không người lái hoặc vệ tinh và thực hiện bằng hệ thống truyền lệnh quang - điện hai chiều, sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết bất kể ngày đêm, nên tên lửa này có độ chính xác cực cao.

Với việc thử thành công tên lửa Spike NLOS gắn trên xe Tomcat tiêu diệt thành công mục tiêu giả định ở cự ly 25 - 30 km với độ chính xác cao, Rafael đã tạo nên thứ vũ khí có khả năng tấn công khó lường, bởi bệ phóng được thiết kế rất nhẹ, mang được tới 8 tên lửa, có thể luồn lách sâu. Sự nguy hiểm của Spike NLOS còn thể hiện ở chế độ tấn công tùy chỉnh - có thể được bắn theo nguyên tắc khóa và đeo bám mục tiêu với khả năng F&F, tuy vậy, ưu thế chủ đạo của nó là khả năng bắn mục tiêu ngoài tầm nhìn (bị che khuất).
ten lua da nhiem spike – tinh hoa cua cong nghiep quoc phong israel hinh 3
Tăng Pereh như hổ mọc thêm cánh khi được trang bị Spike - NLOS; Nguồn AFP.

Ngoài gắn Spike NLOS lên xe Tomcat, Rafael còn tạo ra vũ khí có sức tấn công khủng khiếp hơn nhiều khi trang bị tên lửa này cho xe tăng Pereh - một biến thể hiện đại hóa của xe tăng Magach. Pereh được trang bị 12 ống phóng Spike NLOS (hay còn gọi là Rafael Tamuz) ở phía sau tháp pháo, đã được Israel triển khai tới dải Gaza. Khi sử dụng tên lửa, Pereh quay phần sau của bệ tháp pháo về phía mục tiêu, mở nắp khoang chứa bệ phóng tên lửa và tiến hành khai hỏa - tương tự như pháo phản lực phóng loạt Grad. Sau khi bắn, các bệ phóng sẽ được thu vào trong tháp pháo và đóng cửa bọc giáp.

Sau đợt giao tranh với quân đội Pakistan hồi tháng 2/2019, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã quyết định mua khẩn cấp vũ khí và trang thiết bị trị giá 71,8 triệu USD, gồm cả 240 tên lửa chống tăng Spike và 12 ống phóng của Israel. Trước đó, năm 2011, New Delhi đã quyết định chi 525 triệu USD để mua mua ít nhất 8.000 tên lửa Spike và hơn 300 bệ phóng, nhưng do nhiều nguyên nhân, thương vụ bị “bỏ rơi” và Spike vẫn là lựa chọn ở thời điểm hiện tại của quân đội Ấn Độ. Spike có ưu điểm là có thể diệt chiến xa ở thế chính diện, giá thành rẻ cả trong bảo dưỡng lẫn khai thác sử dụng. Yếu tố khác khiến Spike hấp dẫn là Israel luôn sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất - điều gần như không thể đối với một số nước khác.

Ngoài nguyên nhân thúc đẩy mua tên lửa quốc nội NAG-190 thay vì Spike theo định hướng củng cố nền quốc phòng quốc nội, theo nhận định của trang Jerusalem Post, việc Ấn Độ hủy bỏ hợp đồng Spike nhiều khả năng có liên quan đến chất lượng và hiệu quả của vũ khí này - vấn đề cũng đã được Hàn Quốc phàn nàn nhiều lần. Nhược điểm đầu tiên là tính năng của hệ thống phóng. Mỗi tổ hợp có 4 bệ phóng, nhưng vì tên lửa phải được điều khiển một cách riêng biệt, nên khi tên lửa đầu tiên chưa bắn trúng mục tiêu thì tên lửa thứ hai không thể được phóng - hạn chế nhịp độ tấn công và dễ bị hỏa lực mạnh và cường độ cao của đối phương lấn lướt.

Khiếm khuyết cơ bản thứ hai của các tên lửa Spike là không thích ứng để tác chiến trong sương mù, hiệu quả chiến đấu bị giảm đáng kể. Trong điều kiện địa hình đồi núi trên tuyên biến giới Ấn Độ giáp với và Pakistan thường xuyên có sương mù, Spike sẽ vô cùng khó khăn để dập tắt các cuộc tấn công từ lực lượng pháo được bố trí trong các hang động núi đá của đối phương.

Đến nay, hơn 30.000 tên lửa Spike được cung cấp cho các đơn vị chiến đấu, 5.000 trong số đó đã được sử dụng với hiệu quả cao. Spike hiện đang là chủng loại tên lửa có khả năng tác chiến hiệu quả nhất, được lắp đặt trên hơn 45 loại phương tiện chiến đấu khác nhau của quân đội 30 quốc gia, trong đó có trực thăng Tiger của Quân đội Tây Ban Nha, Blackhawk của Không quân Colombia, AW129 Mangusta của Ý, trực thăng Super Puma của Romania, trực thăng Super Cobra… và nhiều phương tiện bộ binh và hải quân khác nhau./.

 

Vũ khí - khí tài
Theo vov.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm