Quốc tế

Tham vọng gia tăng số lượng tàu chiến của Hải quân Mỹ

Sự phát triển nhanh của hải quân một số cường quốc mới, đặc biệt là Nga và Trung Quốc đang thúc đẩy Mỹ mở rộng quy mô hải quân để duy trì ảnh hưởng. Hiện nay, Mỹ đang xúc tiến một dự án tham vọng nhằm tiết kiệm chi phí, nhân lực mà vẫn gia tăng được số tàu chiến hiện diện trên các đại dương.

Vì sao hải quân Mỹ chi bạo mua tên lửa chống hạm? / Hải quân Mỹ tiết lộ tính năng mới của EA-18G Growle

Lớp tàu đông đảo nhất của Hải quân Mỹ thời chiến tranh Lạnh

Trên thực tế, Mỹ vốn đã có giải pháp cho vấn đề quy mô. Năm 1970, Đô đốc Hải quân Mỹ khi đó là Elmo Zumwalt đề xuất chiến lược tăng mạnh số lượng tàu chiến bằng các tàu hộ vệ rẻ, dễ chế tạo lớp Oliver Hazard Perry.

Tổng cộng có 51 tàu được biên chế trong giai đoạn 1977-2004. Các tàu này đảm nhiệm những nhiệm vụ không yêu cầu tàu chiến lớn như hộ tống tàu hàng và tuần tra, nhưng khi cần có thể tham gia phòng không, chống ngầm cho nhóm tác chiến tàu sân bay. Tàu hộ vệ cũng phù hợp hơn cho vai trò phòng thủ lãnh hải và các tuyến đường biển.

Một biên đội tàu hộ vệ lớp Oliver Hazard Perry (Ảnh: Wikipedia)

Sau năm 1991, tàu hộ vệ không còn được chú trọng do học thuyết của Hải quân Mỹ chuyển sang thiên về tấn công và duy trì thế thống trị. Chủ lực trên mặt nước của Mỹ lúc này do tàu khu trục lớp Arleigh Burke đảm nhiệm. So với lớp Oliver Hazard Perry có giãn nước 4100 tấn, thủy thủ đoàn 176 người, lớp Arleigh Burke có giãn nước 8300-9800 tấn và cần trên 300 người vận hành.

Tàu khu trục lớp Arleigh Burke (Ảnh: US Navy)

Sự thất bại của lớp kế cận

Lớp Oliver Hazard Perry bị loại biên năm 2015, được thay thế bằng chương trình “Tàu chiến cận duyên” (LCS) kể từ năm 2008. LCS bao gồm 2 lớp tàu Freedom của Lockheed Martin và Independence của Austal USA, có thiết kế giảm bộc lộ radar, thiên về khả năng hoạt động gần bờ.

Mặc dù có vai trò của tàu hộ vệ, LCS lại chỉ được vũ trang với pháo và các loại tên lửa tầm ngắn. Năm 2012, một báo cáo cho biết LCS “bất lực” trước tàu tên lửa cỡ nhỏ, đối thủ chính trong địa bàn hoạt động. Một số tàu sau đó được bổ sung tên lửa chống hạm tầm xa, nhưng vẫn thiếu trầm trọng vũ khí phòng không.

 

Tàu LCS lớp Independence (trước) và lớp Freedom (sau) cơ động trên biển (Ảnh: US Navy)

Nhiều vấn đề khác về độ tin cậy và hao tổn ngân sách khiến LCS trở thành chương trình đầy tai tiếng. Tính đến năm 2019, chỉ có 6 trên tổng số 16 tàu đã nhận có thể làm nhiệm vụ chiến đấu. Mới đây, Hải quân Mỹ đề xuất loại biên 4 tàu LCS để tiết kiệm chi phí, trong đó có tàu mới chỉ phục vụ được 6 năm. Nhưng do đã đặt hàng 32 tàu, Hải quân Mỹ vẫn tiếp tục nhận tàu mới sau khi các đơn vị thiết kế cam kết sẽ khắc phục lỗi và tích hợp thêm vũ khí.

Đứng trước thất bại của chương trình LCS và nhu cầu gia tăng quy mô lên 355 tàu chiến, năm 2017, Hải quân Mỹ khởi động dự án FFG(X), tìm kiếm tàu hộ vệ đa năng mới để “khỏa lấp” khoảng trống lớp Oliver Hazard Perry để lại.

Tàu khu trục thu nhỏ

Dự án FFG(X) dự kiến bao gồm 20 tàu hộ vệ có giãn nước 5000-6000 tấn. Đáng chú ý rằng, Hải quân Mỹ yêu cầu lớp tàu mới phải được tích hợp hệ thống tác chiến COMBATSS-21, dựa trên hệ thống Aegis của các tàu khu trục và tuần dương, cùng ít nhất 32 ống phóng thẳng đứng. Với trang bị như vậy, tàu hộ vệ mới cũng có thể tác chiến độc lập hoặc theo biên đội, nhưng với chi phí vận hành và thủy thủ đoàn ít hơn đáng kể so với tàu lớp Arleigh Burke.

 

Do phải đóng 20 tàu trước năm 2030, dự án FFG(X) sẽ được dựa trên một thiết kế sẵn có. Các công ty nước ngoài cũng có thể tham gia đấu thầu, do hải quân các nước đồng minh của Mỹ đã và đang sử dụng nhiều mẫu tàu hộ vệ tiên tiến. Quyết định này nhằm tiết kiệm chi phí nghiên cứu và rút ngắn thời gian chờ biên chế tàu đầu tiên. Đến đầu năm 2020, chương trình còn 4 nhà thầu tham gia là Austal USA, Huntington Ingalls, General Dynamics của Mỹ và Fincantieri của Italy.

Austal USA “đặt cược” vào phiên bản nâng cấp của tàu LCS lớp Independence, còn Huntington Ingalls đưa ra cấu hình vũ trang của tàu tuần tra xa bờ lớp Legend trong biên chế lực lượng Tuần duyên Mỹ. Thiết kế của General Dynamics dựa trên tàu hộ vệ lớp F100 của hải quân Tây Ban Nha. Công ty Fincantieri đấu thầu bằng tàu hộ vệ đa năng FREMM, thiết kế cho hải quân Italy và Pháp

Trong số này, đáng chú ý nhất là lớp F100, phục vụ trong hải quân Tây Ban Nha từ năm 2002. Tàu được thiết kế từ đầu để trang bị hệ thống tác chiến Aegis cùng 48 ống phóng thẳng đứng Mk-41, do đó đơn giản hóa việc đóng mới. Trong khi đó, thiết kế FREMM lại có ưu điểm ở hệ thống phát điện công suất lên tới 12MW, cung cấp đủ điện năng để vận hành hệ thống COMBATSS-21 lẫn các vũ khí năng lượng định hướng Mỹ đang phát triển. Tàu có tính tùy biến cao, thể hiện ở các cấu hình đa dạng trong biên chế hải quân Pháp và Italy.

Hai phương án còn lại có giãn nước khiêm tốn hơn. Phiên bản tàu hộ vệ của lớp Independence ở vào khoảng 3500 tấn và lớp Legend là khoảng 4600 tấn, dẫn đến hạn chế về số lượng vũ khí mang theo. Tuy nhiên, hai thiết kế này có tính nội địa hóa cao hơn do dựa trên các lớp tàu đang được Mỹ sử dụng.

(1) Tàu hộ vệ dựa trên tàu tuần tra lớp Legend; (2) Tàu hộ vệ dựa trên tàu LCS lớp Independence; (3) Tàu hộ vệ lớp F100; (4) Tàu hộ vệ FREMM (Ảnh: USNI, nato.int)

 

Hải quân Mỹ dự toán, tàu đầu tiên trong dự án FFG(X), dự kiến tiếp nhận năm 2021 sẽ có giá khoảng 1,2 tỷ USD do bao gồm chi phí nghiên cứu và huấn luyện thủy thủ đoàn. Sau đó, đơn giá của tàu giảm dần xuống còn trên 900 triệu USD trong những năm tiếp theo. Theo kế hoạch, Hải quân Mỹ sẽ chọn ra đơn vị thắng thầu dự án FFG(X) vào tháng 7 tới.

Cơ sở cho nhiều thay đổi lớn hơn

Những năm trở lại đây, có nhiều trường hợp tàu LCS bị hỏng nặng, hoặc nghiêm trọng hơn là một số vụ việc tàu khu trục va chạm với tàu thuyền khác. Hải quân Mỹ thừa nhận, những tai nạn này là do thủy thủ không được huấn luyện đều đặn, bên cạnh việc bị áp lực cao do đi biển dài ngày.

Vì lẽ đó, Hải quân Mỹ đang nhắm đến mô hình 2 thủy thủ đoàn luân phiên vận hành 1 tàu chiến. Khi 1 tổ ra khơi trên tàu, tổ còn lại sẽ được luyện tập trên bờ. Mô hình này có ưu điểm giảm thời gian đi biển của thủy thủ, qua đó tăng thời gian nghỉ ngơi mà vẫn duy trì tính sẵn sàng chiến đấu của tàu. Được gọi là “Xanh-Vàng”, mô hình bắt đầu được áp dụng cho đội tàu LCS kể từ năm 2016 để giảm thiểu lỗi con người.

Hải quân Mỹ dự tính áp dụng mô hình trên cho dự án FFG(X). Những kinh nghiệm vận hành “tàu khu trục Aegis thu nhỏ” này có thể phát triển rộng ra cho đội tàu chiến lớn hiện có. Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải sự phản đối của một số ý kiến “thủ cựu”, cho rằng mỗi tàu chiến chỉ nên có 1 thủy thủ đoàn do “trăm hay không bằng tay quen”. Thủy thủ đoàn sẽ hiểu một cách tỉ mỉ hơn về từng chi tiết và đặc tính của con tàu họ gắn bó lâu dài.

 

Nhưng khi nhìn nhận xu thế quân sự thế giới, mô hình thủy thủ đoàn luân phiên đang được áp dụng có hiệu quả trong nhiều lực lượng hải quân, bao gồm cả đồng minh của Mỹ như: Anh, Pháp, Đức, Đan Mạch… Hơn nữa, đối với Mỹ lúc này, khả năng duy trì hiện diện tại nhiều khu vực là cấp bách và dễ đạt được hơn con số 355 tàu chiến. Qua đó có thể thấy, nếu không gặp trở ngại, dự án FFG(X) sẽ đem đến nhiều thay đổi về chiến lược lẫn cấu trúc của Hải quân Mỹ trong tương lai.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm