Tham vọng lớn của ngành sản xuất quốc phòng Hàn Quốc
10 điểm du lịch ngắm các loài động thực vật lớn nhất Trái Đất / Không hiểu tại sao Mỹ vẫn bán súng AT-4 cho đồng minh
Vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp hàng không Hàn Quốc (KAI) đã cho ra mắt nguyên mẫu đầu tiên của tiêm kích KF-21, trước đây được gọi là KF-X, đánh dấu cột mốc phát triển mới cho ngành sản xuất quốc phòng của xứ sở kim chi. Cơ quan phụ trách mua sắm trang bị của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) nhấn mạnh, đây là bước tiến lớn trong quá trình tự nghiên cứu, phát triển và sản xuất máy bay quân sự. “Thành quả trên cho thấy dự án KF-21 đã bước sang giai đoạn hiện thực hóa và đánh giá những tính năng vốn chỉ tồn tại trên bản vẽ của dòng máy bay này”, DAPA nhấn mạnh.
Ngược về quá khứ, dự án KF-21 bắt đầu “manh nha” tròn hai thập niên sau khi cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung cam kết sẽ thúc đẩy phát triển một dòng máy bay chiến đấu siêu thanh của riêng nước này tới năm 2015. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, bao gồm các vấn đề như ngân sách, tính khả thi hay đồng minh Mỹ từ chối chuyển giao công nghệ. Phải tới năm 2015, DAPA mới ký hợp đồng chính thức với Tập đoàn KAI để thực hiện dự án một cách nghiêm túc, với sự hợp tác của Indonesia.
Nguyên mẫu đầu tiên của tiêm kích KF-21 tại lễ ra mắt. Ảnh: Yonhap. |
Dự án KF-21 là chương trình tiêm kích lớn nhất, quan trọng nhất và đắt đỏ nhất lịch sử Hàn Quốc với chi phí gần 8 tỷ USD, trong đó Seoul chiếm 80% cổ phần còn Jakarta là 20%. Tập đoàn KAI dự kiến sẽ thử nghiệm các nguyên mẫu KF-21 trong năm nay, chuyến bay thử đầu tiên có thể được tiến hành vào năm 2022. Nếu hoàn tất, Hàn Quốc sẽ chính thức bước chân vào “câu lạc bộ tinh hoa” gồm số ít các quốc gia trên thế giới có thể phát triển máy bay chiến đấu siêu thanh tiên tiến như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Thụy Điển...
Theo Defense News, Không quân Hàn Quốc (ROKAF) đang rất cần dòng máy bay như KF-21 bởi những chiếc F-4E Phantom II và F-5E/F Tiger II do Mỹ sản xuất từ thời Chiến tranh lạnh đã trở nên lạc hậu; đồng thời nhằm lấp đầy khoảng trống về khả năng tác chiến giữa tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 Lightning II và tiêm kích thế hệ 4 F-15K Slam Eagle và F-16C/D Fighting Falcon đang trong biên chế. Theo dự kiến, Hàn Quốc sẽ sở hữu ít nhất 40 chiếc KF-21 trước năm 2029 và 120 chiếc vào năm 2032.
Mặc dù chỉ có 65% thiết bị và phụ tùng xuất phát từ Hàn Quốc nhưng tiêm kích KF-21 vẫn đánh dấu một thành tựu to lớn đối với quốc gia còn non trẻ trong ngành sản xuất máy bay chiến đấu này. Điểm đáng tự hào của máy bay này đó là radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) tối tân-một công nghệ mà phía Mỹ từ chối chuyển giao-được sản xuất tại Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Tập đoàn KAI đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ việc chế tạo tiêm kích hạng nhẹ FA-50 Golden Eagle được ROKAF sử dụng và xuất khẩu. Ngành sản xuất quốc phòng Hàn Quốc còn tham gia quá trình chế tạo tiêm kích F-16 của Mỹ cho ROKAF, cũng như chờ đợi các công nghệ then chốt từ dự án F-35 mà Mỹ hứa sẽ chia sẻ. “Ngành sản xuất quốc phòng Hàn Quốc đã có thể tự chế tạo máy bay chiến đấu cho quân đội và đây là bước đệm nhằm tiếp tục phát triển, vận hành các loại vũ khí hiện đại hơn”, Giáo sư Bang Hyo-choong tại Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) nhận định.
Ngoài việc thay thế các phi đội máy bay trong nước, Hàn Quốc chắc chắn sẽ quảng bá tiêm kích KF-21 ra thị trường thế giới. Ông Abraham Ait, Tổng biên tập Tạp chí Military Watch nhận định, Thái Lan, Philippines và Iraq sẽ là những khách hàng đầu tiên quan tâm tới KF-21 bởi các nước này cũng đang có những loại máy bay chiến đấu tương tự như các dòng mà KF-21 sẽ thay thế trong phi đội của quân đội Hàn Quốc. Cơ sở này hoàn toàn khả thi bởi 3 nước trên đều đã mua máy bay FA-50 của Hàn Quốc. Báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc tăng hơn 210% trong giai đoạn 2016-2020 so với 5 năm trước đó, tương đương 2,7% thị phần toàn cầu.
Bên cạnh đó, Seoul còn có kế hoạch tự xây dựng năng lực giám sát, trinh sát, tác chiến điện tử; tăng cường hệ thống phòng không; chế tạo vũ khí dẫn đường mạnh hơn; phát triển hệ thống vệ tinh định vị độc lập và năng lực tác chiến trên không gian vũ trụ. Những điều này đều hướng đến đưa Hàn Quốc gia nhập vào danh sách 7 quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực hàng không toàn cầu vào năm 2030. Việc nghiên cứu, phát triển, sản xuất tiêm kích KF-21 cũng là một trong những bước đầu tiên nhằm hiện thực hóa mục tiêu đó.
End of content
Không có tin nào tiếp theo