Thiết bị bay phản lực có thể thay đổi chiến thuật của các trận chiến trong tương lai?
Nga tiết lộ vũ khí bí mật của UAV Okhotnik và Grom / Tăng Mỹ sản xuất nổ tung bởi vũ khí Liên xô
Ý tưởng không mới
Ngày nay, ngành hàng không đã có thể đưa con người di chuyển khắp thế giới, tuy vậy, thiết bị để con người có thể độc lập bay vẫn đang là mục tiêu chinh phục của rất nhiều nhà khoa học và công ty kỹ thuật trong suốt nửa thế kỷ qua. Vào những năm 1950, công ty Bell Aerosystems đã hợp tác với Quân đội Mỹ chế tạo Jet Pack/jetpack (tạm gọi là thiết bị bay phản lực cá nhân) có tên gọi là “Bell Rocket Belt” hay “Man Rocket”.
Năm 2003, công ty Jet Pack International được thành lập với mục đích chế tạo thiết bị bay phản lực theo nguyên lý của Bell Rocket Belt, đã cho ra đời hai mẫu là Jet Pack H202 và phiên bản cải tiến Jet Pack H2O2-Z. Yếu điểm của jetpack là thời gian bay quá ngắn; đắt; trần bay thấp - chưa đủ để dù an toàn có thể hoạt động, do đó mức độ rủi ro thương tích khi bay khá cao trong trường hợp trục trặc kỹ thuật; kỹ thuật điều khiển bay phức tạp.... Jet Pack H2O2-Z chỉ được một nhóm “chuyên gia” dùng để biểu diễn trong các sự kiện...
Ngoài Jet Pack H2O2-Z, còn nhiều các thiết bị bay cá nhân khác như JB-9, JB-10 của JetPack Aviation (Mỹ), hay Martin jetpack của công ty Martin Aircraft (New Zealand). Thiết bị của Martin sử dụng động cơ V4 cánh quạt, chạy xăng, nhờ vậy thời gian bay đến 30 phút, bay cao 1.000 m, tốc độ 74 km/h; tầm hoạt động khoảng 30-50 km. Ðây có lẽ là thiết bị bay cá nhân được thương mại hóa đầu tiên, với giá khoảng USD 150.000.
Năm 2016, Dubai đã mua 20 Martin jetpack có gắn camera nhiệt để trang bị cho các nhân viên cứu hỏa của Lực lượng phòng vệ dân sự, nhằm xử lý các vụ cháy trên những tòa nhà cao tầng, giải cứu người leo núi… Jetpack Martin cho biết đã có hơn 2.500 người đăng ký mua, trong đó đa số là các triệu phú từ Trung Đông và Mỹ. Các nhà sản xuất đang nhắm tới những đối tượng là những người đi du lịch, đào tạo phi công và kinh doanh giải trí tư nhân, hay những người muốn thoát khỏi nạn tắc đường và được thể hiện phong cách riêng.
Thành công mới
Gần đây, đã có nhiều thiết bị jetpack phỏng theo ý tưởng bộ giáp Iron Man được nghiên cứu, trong đó có “Daedalus Mark 1”, với nhiều tính năng ưu việt đã được Browning (người Anh) thiết kế và được sản xuất bởi Gravity Industries - một công ty khởi nghiệp được thành lập năm 2017. Thiết bị bay phản lực cá nhân này chạy bằng nhiên liệu phản lực A1 hoặc diesel cao cấp, có thể tạo ra công suất hơn 1.000 mã lực, tốc độ khoảng 60 km/h, nâng một người lên tới độ cao 3.000 m. Jetpack được trang bị bộ ổn định điện tử và máy tính hỗ trợ điều khiển chuyến bay, kèm theo hệ thống dù bật.
Động cơ phản lực Browning thế hệ mới nhất đã được in 3D bằng nhôm nặng 27 kg, đi kèm một bình nhiêu liệu và mũ bảo hiểm có tích hợp hệ thống hiển thị 3 chiều giúp người sử dụng biết sức gió và tốc độ di chuyển. Ngoài ra, nó có khả năng chống cháy nổ và được bọc lót khá kĩ nhằm bảo vệ người điều khiển trong trường hợp bị rơi xuống đất. Jetpack biểu diễn thành công tại các sự kiện ở hơn 20 quốc gia, phá vỡ kỷ lục Guinness thế giới 2017 - là thiết bị phản lực cá nhân nhanh nhất, có thể bay tới 8 phút một lần, đạt tốc độ trên 85 km/h và tác giả của nó đã được cấp bằng sáng chế.
Ứng dụng trong quân sự
Sau khi xem màn trình diễn đầy ấn tượng, Bộ trưởng Quốc phòng Anh nãy ra ý tưởng sử dụng thiết bị bay cá nhân trong tấn công tàu, theo đó, một nhóm lính có thể bí mật tiếp cận tàu địch rồi bất ngờ tấn công. Hải quân Hoàng gia Anh đã bày tỏ ý định mua jetpack “Daedalus” để sử dụng trong các nhiệm vụ của lực lượng đặc nhiệm, ví dụ như di chuyển quân nhân khỏi nơi có địa hình phức tạp, hoặc triển khai lực lượng lên boong tàu chiến… chống khủng bố, giải cứu con tin, giám sát căn cứ, tuần tra....
Các nhà nghiên cứu tại Arizona State University (Mỹ) đã tạo ra một thiết bị khác với jetpack có thể giúp những người lính di chuyển trên những địa hình gồ ghề với tốc độ nhanh kỉ lục. Được phát triển cho Cơ quan quản lý các dựa án quốc phòng (Defense Advanced Research Projects Agency - DARPA) Mỹ, Jetpack “4-minute Mile” giúp con người di chuyển với tốc độ 1 dặm (1,6 km) trong 5 phút.
DARPA còn có kế hoạch tạo ra một hệ thống cơ động đường không cá nhân xách tay dạng ba lô cho các nhiệm vụ quân sự khác nhau, mang lại lợi ích kinh tế và chiến lược do khả năng cơ động cao khi tác chiến tăng cường trong thành phố, tìm kiếm và cứu nạn trong điều kiện chiến đấu, đánh chặn trên biển và các hoạt động đặc biệt, hoặc bí mật thâm nhập vào hậu phương của kẻ thù.
Jetpacks là động cơ phản lực dạng ba lô có thể buộc quanh người, cho phép nâng người lên không trung và tăng tốc lên 400 km/h. Các hệ thống này có thể được triển khai từ trên không để xâm nhập vào lãnh thổ địch hoặc triển khai trên mặt đất để mang lại khả năng cơ động vượt địa hình cao hơn mà không cần sử dụng các máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng hiện có như trực thăng và CV-22. Cơ quan này cũng lên kế hoạch để tạo ra cả hai hệ thống dùng một lần và tái sử dụng.
Thiết bị phải dễ dàng và nhanh chóng để triển khai, với thời gian triển khai tối đa 10 phút, tầm hoạt động ít nhất phải là 5 km đối với một người điều khiển và hầu như không gây ra tiếng ồn để tàng hình. Các thiết bị bay cá nhân cũng phải được thiết kế sao cho người sử dụng với chúng có thể nhanh chóng học cách vận hành mà không cần qua các lớp huấn luyện công phu.
Lực lượng Đặc nhiệm Thủy quân Lục chiến Hà Lan lần đầu tiên sử dụng các thiết bị phản lực của Gravity Industries trong một cuộc diễn tập giải phóng một con tàu bị bắt giữ. Lính Hà Lan sử dụng một bộ đồ bao gồm một thiết bị bay phản lực dùng nhiên liệu, hai mô-đun với một cặp động cơ trên mỗi cánh tay và một hệ thống đẩy đôi ở phía sau. Phiên bản thiết bị có thời gian bay đến 10 phút và cho phép đạt tốc độ lđến 120 km/h này là một mẫu cải tiến của Gravity Industries.
Phiên bản này có thể sử dụng nhiên liệu máy bay phản lực hoặc diesel thông thường. Trọng lượng khô của thiết bị chỉ 27 kg. Một binh sĩ với thiết bị bay phản lực đã cất cánh từ xuồng cao tốc và trở thành người đầu tiên tiếp cận mục tiêu, nhanh hơn các bịnh sĩ dùng máy bay trực thăng và xuồng máy - điều khẳng định lợi thế của phương tiện di chuyển mới và đang được quan tâm này.
Khiếm khuyết có thể khắc phục?
Tuy vậy, qua sử dụng thực tế, những nhược điểm của thiết bị đã bộc lộ nhiều hơn - do việc điều khiển thiết bị bay được thực hiện bằng động tác tay gắn với động cơ, binh sĩ đang bay sẽ không thể sử dụng vũ khí trước khi hạ cánh. Ngoài ra, khi bay, binh sĩ đeo thiết bị bay dạng ba lô là một mục tiêu dễ bị phát hiện và đủ chậm khiến dễ bị sát thương bởi súng bộ binh. Sau khi hạ cánh, binh sĩ cần có thời gian để cởi bỏ một số phụ kiện - điều cũng làm giảm tác dụng của yếu tố bất ngờ.
Theo các nghiên cứu, thị trường toàn cầu cho các phương tiện tự hành cất cánh và hạ cánh thẳng đứng đạt khoảng 4,4 tỷ USD trong năm nay và dự kiến sẽ đạt 15,6 tỷ USD vào năm 2027. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, sự tham gia của các mẫu của Gravity Industries trong các cuộc diễn tập của lực lượng đặc nhiệm chỉ nên được coi là một hoạt động quảng cáo thành công. Còn quá sớm để nói về việc sử dụng hiệu quả các thiết bị bay phản lực trong các hoạt động chiến đấu, tuy sự phát triển của chúng có thể biến tiềm năng đó thành hiện thực. Các thiết bị có khối lượng nhẹ hơn và khả năng tự chủ cao hơn, cùng các tính năng mới có thể thay đổi chiến thuật của các trận chiến trong tương lai gần./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo