Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố nóng sẽ mua thêm S-400
Thổ Nhĩ Kỳ triển khai S-400 trong tình trạng không có tên lửa / Hy Lạp muốn mua S-400 để kiềm chế Thổ Nhĩ Kỳ
Thông tin được Tổng giám đốc Rosoboronexport Alexander Mikheev nói trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, Nga sẽ cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ tùy chọn với trung đoàn S-400 thứ hai.
"Liên quan tới tùy chọn mới, ở đây chúng tôi đang nói về trung đoàn thứ hai. Chúng tôi đã chuyển các điều khoản tham chiếu cho phía Thổ Nhĩ Kỳ dành cho giai đoạn làm việc thứ ba (tức lô thứ ba của S-400)", ông Mikheev nói.
Các điều khoản tham chiếu quy định về việc phía Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho dự án (nội địa hóa một phần việc sản xuất các yếu tố riêng lẻ của hệ thống), nhưng còn quá sớm để có thể liệt kê cụ thể về khối lượng công việc sản xuất nội địa hóa.
"Có thể lưu ý rằng, hiện tại các vấn đề kỹ thuật với phía Thổ Nhĩ Kỳ đã được giải quyết, chúng tôi đang tiến hành đàm phán về phần tài chính", ông Mikheev nói. Vị đại diện này cho biết thêm, hiện Thổ Nhĩ Kỳ muốn ký hợp đồng cung cấp tổ hợp S-400 mới vào năm 2020
Trong năm nay, Nga đã hoàn thành hợp đồng cung cấp bốn sư đoàn S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ với số tiền 2,5 tỷ USD. Hợp đồng cũng bao gồm một tùy chọn cho một bộ trung đoàn khác
"Chúng tôi hy vọng trong nửa đầu năm 2020 sẽ tiến hành ký kết các văn bản hợp đồng. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng hợp tác kỹ thuật quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ giới hạn bằng việc cung cấp S-400. Trong tương lai chúng tôi có những kế hoạch lớn hơn", ông Mikheev chia sẻ.
Giới quân sự Nga cho rằng, những "kế hoạch lớn hơn" được vị đại diện của nhà sản xuất Nga công bố chính là việc 2 nước cùng tham gia sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ phiên bản nội địa của S-400 được định danh là Siper.
Và trong khi chờ đợi hệ thống phòng thủ hoàn thiện và đi vào chiến đấu, việc mua thêm vũ khí phòng thủ mới là điều rất cần thiết với Thổ. Theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, Ankara có thể mua thêm hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga nếu Mỹ không bán hệ thống tên lửa Patriot.
"Ngày nay, chúng tôi cần thêm hệ thống tên lửa cho đến khi có thể tự sản xuất. Và nếu chúng tôi có thể mua từ Mỹ, chúng tôi sẽ mua Patriot. Nếu không, chúng tôi sẽ mua thêm S-400", hãng tin Sputnik dẫn lời Ngoại trưởng Cavusoglu.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Thổ và thông tin Ankara đang tiến hành đàm phán với Moscow mua thêm S-400 cho thấy, kế hoạch mua Patriot của Mỹ với Thổ đang bị bế tắc chưa thể giải quyết. Chính vì vậy, Ankara tiếp tục tìm đến tên lửa của Nga.
Những thông tin trên xuất hiện gần như đồng thời với việc Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức đưa S-400 vào vận hành. Các máy bay của không quân Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có tiêm kích F-16, bay ở nhiều độ cao trên không phận thủ đô Ankara trong ngày 25-26/11, nhằm thử nghiệm radar của hệ thống phòng không S-400 được Nga bàn giao.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ký thỏa thuận mua tên lửa S-400 trị giá 2,5 tỷ USD vào tháng 12/2017. Mỹ nhiều lần phản đối hợp đồng này, cho rằng S-400 không tương thích với các hệ thống phòng thủ của NATO và đe dọa tới tiêm kích tàng hình F-35. Giới chuyên gia nhận định Thổ Nhĩ Kỳ có thể triển khai một hệ thống ở phía nam để kiểm soát một phần Địa Trung Hải.
Washington đã gạt Ankara khỏi chương trình siêu tiêm kích F-35, từ chối bàn giao 105 máy bay F-35A nước này đặt mua và loại bỏ các tập đoàn quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dây chuyền sản xuất dòng tiêm kích tàng hình thế hệ 5 để đáp trả.
Trong cuộc gặp ở Washington hồi đầu tháng 11, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rằng nước này cần từ bỏ S-400 và Mỹ sẵn sàng bán cho Thổ Nhĩ Kỳ các hệ thống Patriot thay thế. Tuy nhiên, ông Erdogan khẳng định, làm theo yêu cầu của Mỹ là điều không thể.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Hệ thống S-400.