Quốc tế

Tiêm kích duy nhất "khóa chết" được máy bay trinh sát siêu thanh SR-71

DNVN - Nhờ vận tốc cực nhanh và hoạt động ở độ cao rất lớn, máy bay trinh sát siêu thanh SR-71 Blackbird của Không lực Hoa Kỳ được cho là nằm ngoài khả năng đánh chặn của mọi loại máy bay tiêm kích.

Soi tàu ngầm ít tiếng tăm của Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 / Hai phiên bản siêu đặc biệt của "Hố đen đại dương" Kilo nổi tiếng

SR-71 Blackbird là chiếc máy bay trinh sát tốc độ cao do tập đoàn Lockheed chế tạo cho Không quân Mỹ vào những năm 1960. Nó thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 22/12/1964.

Đây là loại máy bay có tốc độ nhanh nhất của Không quân Mỹ từ trước tới nay với vận tốc tối đa đạt Mach 3 (3.300 km/h), trần bay: 25,9 km và tầm hoạt động 5.230 km.

SR-71 Blackbird ra đời nhằm thọc sâu vào lãnh thổ đối phương để thu thập tin tức tình báo. Đây là loại máy bay đầu tiên của Mỹ được thiết kế với khả năng giảm tín hiệu phản xạ radar.

Động cơ của SR-71 được gia cố để giúp nó hoạt động thời gian dài khi máy bay di chuyển ở tốc độ Mach 3. Nó cũng có khoang chứa khí oxy để bơm vào buồng lái khi máy bay hoạt động ở độ cao trên 24.000 m.

Có tới 93% vật liệu cấu thành SR-71 là titan, giúp máy bay nhẹ, bay cao và nhanh hơn so với vật liệu thông thường. Ngoài ra, lớp vỏ SR-71 có thể chịu nhiệt tới 482 độ C, giúp nó không biến dạng hoặc hư hại trong quá trình ma sát với không khí khi bay với tốc độ lớn.

Trong 1 giờ, SR-71 có thể tiến hành trinh sát và chụp ảnh trên một khu vực rộng 260.000 km2. Camera trên của nó tiên tiến đến mức cho phép chụp ảnh một chiếc xe ô tô dưới mặt đất khi đang bay cao 24.000 m với tốc độ 3.600 km/h, thậm chí còn nhìn rõ biển số xe trong ảnh.

Máy bay trinh sát siêu thanh SR-71 Blackbird của Không lực Hoa Kỳ

Máy bay trinh sát siêu thanh SR-71 Blackbird của Không lực Hoa Kỳ

Tốc độ bay nhanh kinh ngạc cho phép nó thu thập nhiều thông tin tình báo về địa hình, vị trí quân địch. SR-71 có thể xâm nhập không phận để chụp ảnh rồi nhanh chóng thoát ra khi đối phương chưa kịp trở tay.

Trong lịch sử hoạt động, SR-71 đã qua mặt được cả lưới lửa phòng không dày đặc của Liên Xô với những tiêm kích đánh chặn siêu nhanh như MiG-25 và MiG-31. Mặc dù đã thực hiện đủ mọi biện pháp đối phó kể cả chặn đầu và dùng tên lửa tầm siêu xa nhưng họ vẫn bất lực trước kẻ đột nhập.

SR-71 chỉ một lần duy nhất bị tiêm kích đối phương "tóm sống", thật ngạc nhiên khi đó chẳng phải máy bay Liên Xô mà lại là của một quốc gia không được chú ý nhiều chính là Thụy Điển với chiến đấu cơ JA 37 Viggen.

JA 37 được ghi nhận là chiếc tiêm kích duy nhất tính đến thời điểm này đã "khóa" thành công máy bay trinh sát nhanh nhất thế giới bằng cách dự báo đường bay thường xuyên và kết hợp với các trạm radar mặt đất để "phục kích" trên không phận quốc tế giữa Öland và Gotland.

Tiêm kích đánh chặn JA 37 Viggen của Không quân Thụy Điển

Tiêm kích đánh chặn JA 37 Viggen của Không quân Thụy Điển

 

Saab 37 Viggen (tiếng Anh: Thunderbolt) là loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ 1 chỗ ngồi, 1 động cơ do Thụy Điển chế tạo trong giai đoạn 1970 - 1990 với nhiệm vụ thay thế Saab 32 Lansen trong vai trò cường kích và sau đó là Saab 35 Draken trong vai trò tiêm kích đánh chặn.

Viggen thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 8/2/1967, chính thức ra mắt ngày 21/6/1971. Có tất cả 329 chiếc đã xuất xưởng gồm các biến thể: tiêm kích đánh chặn JA 37, cường kích tấn công AJ 37, máy bay trinh sát SF 37, máy bay tuần tra hàng hải SH 37 và cả biến thể huấn luyện 2 chỗ ngồi.

Saab 37 có thiết kế đậm chất châu Âu với cánh mũi và cặp cánh delta kép lớn. Máy bay được thiết kế cho chiến tranh cường độ cao với khả năng cất hạ cánh trên đường băng dã chiến ngắn, dễ dàng bảo trì và sửa chữa kể cả đối với nhân viên kỹ thuật chưa được đào tạo bài bản.

Thông số kỹ thuật cơ bản của phiên bản tiêm kích đánh chặn JA 37: kíp lái 1 người; chiều dài 16,4 m; sải cánh 10,6 m, diện tích cánh 46 m2; chiều cao 5,9 m; trọng lượng rỗng 9.500 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 20.000 kg.

 

Động cơ phản lực cánh quạt Volvo RM8B (phiên bản động cơ Pratt & Whitney JT8D sản xuất theo giấy phép tại Thụy Điển) có lực đẩy 71,1 kN và lên tới 125 kN khi đốt nhiên liệu phụ trội cho tốc độ tối đa Mach 2,1; trần bay 18.000 m; tầm bay 2.000 km; vận tốc leo cao 203 m/s.

Vũ khí trang bị của Viggen gồm 1 pháo Oerlikon KCA 30 mm với 150 viên đạn, 6 giá treo mang được 2 tên lửa RB71 Skyflash (chỉ trên JA 37), 4 tên lửa AIM-120 AMRAAM (JA 37D) hoặc 6 tên lửa AIM-9 Sidewinder hoặc 4 bình rocket 135 mm và thiết bị ECM U95 gắn ngoài (JA 37D).

Hệ thống điện tử của Viggen là một bước tiến lớn vào thời điểm đó gồm: trang bị máy tính điều khiển bay tự động, màn hình hiển thị CRT thay cho những dãy đồng hồ cơ học... radar xung Doppler Ericsson PS 46/A có tầm hoạt động tối đa 48 km, theo dõi được 2 mục tiêu trong khi quét.

Vào năm 1992, một chương trình nâng cấp JA/ SF/ SH 37 đã được tiến hành do sự chậm trễ của dự án JAS 39 Gripen. Máy bay được gia cố khung vỏ nhằm kéo dài thời hạn sử dụng và thay thế một số thiết bị điện tử tiên tiến hơn, cho phép mang theo vũ khí thế hệ mới.

Các tiêm kích Viggen đã được không quân Thụy Điển rút khỏi biên chế chiến đấu vào năm 2005 để nhường vị trí cho "người em" JAS 39 Gripen. Một vài chiếc được giữ lại để phục vụ công tác bay huấn luyện tác chiến điện tử đối kháng với JAS 39 tại căn cứ F17M ở Linköping. Chuyến bay cuối cùng của Viggen đã diễn ra vào tháng 6/2007.

 

Vũ khí - khí tài
Phong Vũ (Theo Sina)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm