Quốc tế

Tiêm kích Su-30MK2 Việt Nam sẽ được trang bị rocket dẫn đường nội địa?

DNVN - Trong các cuộc huấn luyện bắn đạn thật, nếu như trực thăng Mi-8/17 hay cường kích Su-22 thường dùng rocket S-5 thì tiêm kích đa năng Su-30MK2 lại được bắn rocket S-8 hiện đại hơn.

Cận cảnh “Taxi chiến trường” Typhoon-K mà Việt Nam vừa được lái / Khủng khiếp quy mô khai mạc cuộc thi phi công quân sự Aviadart, Nga

S-8 là loại rocket không điều khiển cỡ 82 mm được phát triển bởi Không quân Liên Xô trong thập niên 1970 để thay thế cho rocket S-5 cỡ 55 mm có hiệu suất chiến đấu thấp hơn.

Rocket S-8 sở hữu sức mạnh và độ chính xác cao hơn hẳn S-5 trong khi vẫn giữ kích thước đủ nhỏ để máy bay mang được với số lượng lớn. Vũ khí này chính thức được chấp nhận đưa vào trong trang bị của Không quân Liên Xô từ năm 1984.

Rocket S-8 có tất cả 14 biến thể với các loại đầu đạn khác nhau, gồm đạn nổ lõm - phá mảnh chống thiết giáp - bộ binh S-8K; đạn xuyên chống lô cốt, công sự S-8B; đạn nhiệt áp S-8D; đạn vạch đường S-8O; đạn mồi bẫy S-8P; đạn mũi tên S-8S. Các phiên bản có chiều dài trong khoảng 1,54 - 1,7 m; trọng lượng 11,1 - 15,2 kg; tầm bắn 2 - 4 km.

Bình phóng loại B-8M1 của rocket S-8. Ảnh: Wikipedia.

Bình phóng loại B-8M1 của rocket S-8. Ảnh: Wikipedia.

Bình phóng chuyên dụng dành cho rocket S-8 là B-8M1 trang bị cho máy bay cánh cố định kiểu MiG-27, MiG-29, Su-17/22, Su-24, Su-25, Su-27/30; và B-8V20A tương thích với trực thăng Mi-8/17, Mi-24/28 và Ka-50/52.

Các bình B-8M1 và B-8V20A mang được 20 đạn, ngoài ra còn có loại bình B-8V7 nhỏ và nhẹ hơn chỉ mang được 7 đạn, tuy nhiên loại bình phóng này có thể lắp trên cả máy bay cánh cố định lẫn trực thăng.

Tiêm kích đa năng Su-30MK2 của Việt Nam mang 4 bình rocket B-8M1 dưới cánh. Ảnh: Quân đội nhân dân.

Tiêm kích đa năng Su-30MK2 của Việt Nam mang 4 bình rocket B-8M1 dưới cánh. Ảnh: Quân đội nhân dân.

 

Ngoài các ưu điểm kể trên so với rocket S-5, S-8 còn có lợi thế ở chỗ kích thước của nó đủ lớn để có thể tiếp nhận bộ phụ kiện nhằm biến đổi thành đạn rocket có điều khiển.

Cách làm trên đã được Quân đội Mỹ tiến hành với rocket Hydra-70 cỡ 70 mm, loại đạn này sau khi được tích hợp bộ thiết bị dẫn đường laser đã có khả năng tấn công chính xác mục tiêu mặt đất không thua gì tên lửa AGM-65 Maverick hay AGM-114 Hellfire.

Hydra-70 sau khi được lắp bộ dẫn hướng laser đã trở thành rocket thông minh. Ảnh: Không quân Mỹ.

Hydra-70 sau khi được lắp bộ dẫn hướng laser đã trở thành rocket thông minh. Ảnh: Không quân Mỹ.

 

Quay trở lại trường hợp của Việt Nam, báo Quân đội nhân dân cho biết, hiện các cán bộ, kỹ sư của Viện Kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân đã có dự án thông minh hóa bom rơi tự do bằng phương pháp được ứng dụng rộng rãi trên thế giới, đó là bổ sung bộ thiết bị dẫn đường bám theo chùm laser.

Về nguyên lý, thiết bị dẫn laser gắn trên bom hay trên rocket là tương tự như nhau, khi đã thành công trong việc biến bom thường thành bom thông minh thì việc hoán cải rocket không điều khiển thành loại có điều khiển là việc làm trong tầm tay.

Với bước phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp quốc phòng nước nhà thời gian gần đây, dự báo rằng trong tương lai không xa, tiêm kích đa năng Su-30MK2 của Việt Nam sẽ được trang bị rocket tự dẫn nội địa trên cơ sở hoán cải đạn rocket S-8 có sẵn trong kho. Đây là giải pháp rẻ tiền nhưng mang lại hiệu quả tác chiến cực kỳ to lớn.

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm