Tính toán của Nga khi mở căn cứ hải quân ở Sudan
Nga sắp tích hợp vũ khí siêu thanh lên "bóng ma bầu trời" Su-57 / Thỏa thuận hạt nhân Iran: Nga yêu cầu Mỹ quay trở lại vô điều kiện, 150 hạ nghị sĩ đảng Dân chủ ủng hộ tái gia nhập
Tăng cường hợp tác
Trở lại châu Phi về địa-chính trị, Nga đang xích lại gần Sudan hơn không chỉ trong lĩnh vực quân sự mà còn thông qua các dự án hạt nhân dân sự. Trong chuyến thăm Nga cuối năm 2017, Tổng thống Sudan khi đó là ông al-Bashir đã đề nghị Tổng thống Putin “bảo vệ" Sudan và kêu gọi tăng cường hợp tác quân sự với Nga nhằm tái trang bị cho các lực lượng vũ trang của nước này.
Sudan là quốc gia Arab đầu tiên sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư Su-35 của Nga. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Sudan là nước mua vũ khí Nga lớn thứ hai ở châu Phi (sau Algeria), kể từ năm 2000. Nước này ủng hộ sự can dự của Moscow vào Syria. Kể từ tháng 5/2019, Nga và Sudan được liên kết bằng một thỏa thuận hợp tác quân sự kéo dài 7 năm và thảo luận về việc thành lập căn cứ hậu cần của Nga tại Sudan - chìa khóa để Nga đến với lục địa đen; dù cuộc đảo chính năm 2019 đã lật đổ Tổng thống al-Bashir, các cuộc đàm phán với chính quyền mới, do Trung tướng Abdel Fattah Abdelrahman Burhan dẫn đầu vẫn tiếp tục.
Ngày 1/12/2020, Nga và Sudan đã ký thỏa thuận về việc xây dựng một căn cứ hải quân tại tại thành phố cảng Port Sudan, nơi có thể sửa chữa, tiếp liệu tàu và nghỉ ngơi cho các thủy thủ đoàn. Mục đích của sáng kiến này là để “đáp ứng các mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, mang tính chất phòng thủ và không nhằm vào các quốc gia khác”, đồng thời tăng cường khả năng phòng thủ của Nga và Sudan – nước có biên giới phía Bắc giáp Ai Cập và án ngữ dải bờ biển chiến lược ở Biển Đỏ. Căn cứ này sẽ có thể chứa tối đa 300 quân nhân và nhân viên dân sự, cùng 4 tàu, bao gồm cả các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Phần đất xây căn cứ Hải quân Nga sẽ được phía Sudan cung cấp miễn phí. Nga sẽ đưa bằng đường hàng không và đường biển bất cứ vũ khí, đạn dược và các thiết bị khác cần thiết tới Sudan để hỗ trợ hoạt động của căn cứ, chỉ phải thông báo cho Sudan 12 giờ trước khi nhập cảnh và 3 giờ trước khi rời khỏi đó. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực trong 25 năm, sau đó tự động gia hạn 10 năm nếu không bên nào yêu cầu chấm dứt hợp đồng trước. Nga được cho sẽ bố trí nhiều vũ khí hiện đại để bảo vệ căn cứ như các hệ thống tên lửa đất đối không tối tân, nhằm tạo ra vùng cấm bay quanh cơ sở này, giúp Nga tạo dựng an ninh hàng hải ở Địa Trung Hải và khu vực Biển Đỏ.
Ý nghĩa chiến lược
Kinh nghiệm của chiến dịch ở Syria đã cho thấy tầm quan trọng của việc có các căn cứ hải quân và không quân cách xa lãnh thổ Nga. Khi tổ chức các sự kiện đặc biệt, căn cứ quân sự là nơi có thể tiếp nhiên liệu, lấy đạn dược và thay phiên binh sĩ. Căn cứ ở Sudan sẽ là căn cứ hải quân đầu tiên của Nga trên lục địa châu Phi kể từ khi Liên Xô tan rã (trong giai đoạn 1964-1997, Liên Xô có căn cứ hải quân tại thành phố Berbera (Vịnh Aden, Somalia), từ năm 1977-1991 - căn cứ Nokra ở Ethiopia (Biển Đỏ). Tầm quan trọng chiến lược của cơ sở này vượt xa quy mô của nó, vì một tiền đồn hải quân ở Sudan sẽ mở rộng ảnh hưởng của Nga ở đông bắc châu Phi, dọc theo các tuyến đường vận chuyển quan trọng ở Biển Đỏ và ở eo biển Bab el-Mandeb.
Một nhiệm vụ tạm thời đối với các tàu chiến Nga được triển khai ở đó có thể là tham gia tuần tra chống cướp biển ngoài khơi Somalia, nơi Lực lượng Liên minh Châu Âu (EU NAVFOR) đã hoạt động kể từ tháng 12/2008 và chấm dứt vào cuối tháng 12/2020. Nếu căn cứ của Nga tại Tartus được mở rộng kể từ khi can thiệp vào cuộc xung đột ở Syria, đã thay đổi phương trình chiến lược của Đông Địa Trung Hải bằng cách vượt ra ngoài quyền kiểm soát của NATO đối với eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, căn cứ mới của Sudan sẽ làm tăng thêm sự hiện diện của Nga với Kênh đào Suez, nơi khoảng 10% tổng lưu lượng hàng hải thế giới đi qua.
Căn cứ này sẽ là nơi dừng chân và tiếp tế thuận tiện hơn cho các tàu chiến mặt nước của Nga quá cảnh từ Ấn Độ Dương hoặc Vịnh Aden đến Địa Trung Hải tránh phải vòng lên Biển Đỏ, qua Kênh đào Suez bận rộn, hay đi qua Đông Địa Trung Hải. Nếu có khả năng hỗ trợ các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, căn cứ ở Sudan có thể trở thành một điểm mới quan trọng đối với tàu ngầm hạt nhân Nga, cho phép Moscow triển khai lực lượng về phía đông, Biển Arab và Ấn Độ Dương, mở rộng hiện diện hải quân tại những khu vực trọng yếu, hiện có thể tiếp cận bằng tàu từ các căn cứ xa xôi của Nga ở Thái Bình Dương.
Biển châu Phi đang là nơi hoạt động của lực lượng hải quân Trung Quốc, Mỹ và Pháp và là nơi Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn mở rộng hiện diện. Vài năm trước, Nga đã tìm cách thiết lập một căn cứ thường trực ở Djibouti, nơi có căn cứ hải quân Trung Quốc và Mỹ nhưng đã không thành công. Với sự xuất hiện của căn cứ hải quân ở Sudan, Nga sẽ cạnh tranh tầm ảnh hưởng với nhiều quốc gia ở châu Phi và năng lực hoạt dộng trên Ấn Độ Dương bị mất trong những năm hậu Xô viết, kiểm soát dòng vận chuyển hàng hoá từ Ấn Độ và Đông Á tới châu Âu và Bờ Đông nước Mỹ. Cùng với đó là tuyến đường biển huyết mạch cung ứng nhiên liệu từ vùng Vịnh tới Châu Âu và Bắc Mỹ.
Bên cạnh các mục tiêu kinh tế địa lý là gây ảnh hưởng lớn hơn đối với đất nước và tìm kiếm đòn bẩy đối với tương lai chính trị của Sudan, với 37,6% thị phần, Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho châu Phi. Theo SIPRI, châu Phi (không tính Ai Cập) chiếm 16% lượng vũ khí xuất khẩu của Nga trong giai đoạn 2014-2019. Trong khi Algeria và Ai Cập cho đến nay là những khách hàng “xộp” nhất của ngành công nghiệp vũ khí Nga, doanh số bán sẽ chỉ tăng trong tương lai khi Moscow ký các hợp đồng vũ khí với Angola, Nigeria, Sudan, Mali, Burkina Faso và Equatorial Guinea, bao gồm cả máy bay phản lực, trực thăng, tên lửa chống tăng và động cơ cho máy bay chiến đấu. Nga đã ký kết các thỏa thuận hợp tác quân sự với 28 quốc gia ở châu Phi, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh.
Nhìn nhận của giới quan sát quốc tế
Thỏa thuận của Kremlin với Khartoum có thể được coi là một bất ngờ khó chịu đối với Mỹ. Một số chuyên gia đã mô tả động thái này như một đòn giáng mạnh vào hy vọng của Washington về việc có được đòn bẩy lớn hơn đối với các chính quyền chuyển tiếp ở Sudan sau khi ông Omar al-Bashir bị lật đổ. Khartoum có quan hệ cân bằng với các đối tác Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, UAE và Saudi Arabia, cả dưới thời Bashir lẫn kể từ khi chuyển đổi, và đang cố gắng cân bằng chiến lược duy trì quan hệ bền chặt với Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Sergey Sukhankin - một nhà nghiên cứu tại Jamestown Foundation - giải thích, Sudan có thể đang sử dụng căn cứ hải quân của Nga như một phương tiện để gây thêm áp lực lên các bên quan tâm đến việc mở rộng sự hiện diện của họ ở nước này, và chứng tỏ các bên tham gia khác, bao gồm cả Nga, đang tham vọng củng cố vị trí ở Sudan. Moscow mong muốn tăng cường ảnh hưởng ở châu Phi - lục địa có 54 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, giàu khoáng sản và các thị trường tiềm năng sinh lợi cho vũ khí do Nga sản xuất. Tại các cơ sở giáo dục đại học của Bộ Quốc phòng Nga, có học viên từ 20 quốc gia châu Phi đang theo học.
Giới chức Sudan không giấu giếm việc họ đang theo đuổi chính sách đa vec-tơ - không dựa vào bất kỳ một đối tác nào. Mục đích là làm cho họ cạnh tranh với nhau để có điều kiện đầu tư tốt nhất. Nói cách khác, lợi ích của Khartoum và Moscow hoàn toàn trùng khớp. Báo chí phương Tây đã có những nhận định rằng Kremlin đang cố gắng có được sự đồng ý cho việc xây dựng các cơ sở của Nga ở Mozambique, Cộng hòa Trung Phi, Eritrea, Somalia, Ai Cập và Madagascar. Cộng hòa Trung Phi thậm chí đã đề nghị Nga làm việc này, nhưng vì một số lý do mà họ không cùng nhau phát triển.
Trên thực tế, Moscow không có đủ nguồn lực để xây dựng và duy trì một cơ sở hạ tầng quân sự phát triển ở một lục địa khác. Nếu Sudan cho phép mở căn cứ hải quân như “cho không”, các quốc gia châu Phi khác không hào phóng như vậy, trong khi ngân sách Nga đã cạn do doanh thu từ hydrocarbon giảm. Một điều đáng lưu ý khác là Hải quân Nga không có quá nhiều tàu mặt nước có thể được điều động thường xuyên ở một số vùng biển mà không ảnh hưởng đến khả năng phòng thủ của đất nước. Có thể Nga muốn có được chỗ đứng ở châu Phi, nhưng “lực bất đồng tâm”. Hình thức hiện diện tại "lục địa đen" đặt ra trước một chiến lược ít can dự thông qua việc bán vũ khí cho các đối tác, các hợp đồng của các công ty quân sự tư nhân và những căn cứ nhỏ cho một số tàu chiến.
Cơ sở hải quân ở Sudan chắc chắn báo trước sự trở lại của Nga trên bản đồ địa chính trị Châu Phi và các tuyến hàng hải và đại dương xung quanh. Sử dụng Sudan như một bàn đạp để tiếp cận các quốc gia cận Sahara khác, Nga có khả năng tăng cường nỗ lực không chỉ ở Trung Phi thông qua Cộng hòa Trung Phi - nơi Moscow trong vài năm qua đã thiết lập sự hiện diện an ninh và quân sự, mà còn ở các nước Sahel G5, đặc biệt là trước thất bại của các nỗ lực do Pháp dẫn đầu nhằm loại bỏ các mối đe dọa khủng bố trong khu vực.
Sáng kiến Sudan của Moscow nên được hiểu là một phần trong chương trình lớn hơn của chính phủ Nga nhằm khẳng định lại thẩm quyền của mình trong khu vực như một đối trọng với NATO và Mỹ. Liệu những nỗ lực của Moscow cuối cùng có thể tạo dựng lại mức độ ảnh hưởng của Liên Xô trong khu vực hay không vẫn còn phải xem. Nhưng có thể chỉ các quốc gia Trung Đông, từ Iran đến Yemen, không hài lòng với các chính sách hiện tại của Mỹ và Châu Âu có thể đồng cảm với sáng kiến của Nga.
Theo một báo cáo bị rò rỉ của Bộ Ngoại giao Đức có tiêu đề "Tham vọng châu Phi mới của Nga", xuất hiện lần đầu trên tờ nhật báo Bild của Đức, Nga được cho là đang xin thiết lập các căn cứ quân sự ở sáu quốc gia, bao gồm Ai Cập, Cộng hòa Trung Phi, Eritrea, Madagascar, Mozambique và Sudan.
Mặc dù đúng là Nga quan tâm (một phần) đến việc giành lại ảnh hưởng của mình ở châu Phi, nhưng theo nhà nghiên cứu Sukhankin, các nhà hoạch định chính sách của Nga biết rõ một trong những lý do chính khiến nền kinh tế Liên Xô sụp đổ là hoạt động kinh tế quá đà - tìm cách có mặt ở khắp mọi nơi. Đây là điều mà Nga sẽ cố gắng tránh, mặc dù rất quan tâm đến việc mở rộng sự hiện diện và ảnh hưởng của mình ở lục địa đen. Theo một số chuyên gia, với chiến lược coi trọng sự linh hoạt và thiếu bề dày tài chính, nhiều khả năng Sudan sẽ là căn cứ duy nhất của Nga tại lục địa đen trong tương lai gần.
End of content
Không có tin nào tiếp theo