Quốc tế

Tổng thống Putin nhận định về kinh tế Nga trước áp lực của các lệnh trừng phạt

Ngày 23/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định nền kinh tế nước này đã chống chọi hiệu quả với các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ukraine từ chối lệnh ngừng bắn và không nhượng bộ lãnh thổ với Nga / Thế giới tuần qua: Nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu; Tổng thống Biden lần đầu công du châu Á

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại phiên họp của Hội đồng cố vấn Quốc hội ở Saint Petersburg ngày 27/4/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, nhà lãnh đạo Nga cho biết: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, bất chấp tất cả những khó khăn, nền kinh tế Nga đang chống chọi trước các lệnh trừng phạt với niềm kiêu hãnh. Tất cả các chỉ số kinh tế vĩ mô chính đều nói lên điều này”. Ôngchỉ ra rằng tình hình hiện nay đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ khối kinh tế của chính phủ và “nhìn chung, những nỗ lực này có tác động tích cực”.

Tổng thống Putin nêu rõ nỗ lực của các cơ quan chức năng Nga đã mang lại kết quả tích cực. Ông nhấn mạnh việc Moskva chuyển sang mô hình hợp tác thương mại với các nước khác, bao gồm cả Belarus, sử dụng đồng ruble đã góp phần làm tăng giá đồng tiền này. Tổng tống Nga giải thích việc làm này không gây bất lợi cho các đối tác, trong khi đối với Minsk thì hình thức này không phải là mới bởi hai nước đã sử dụng đồng tiền quốc gia từ lâu.

Thảo luận về Nhà nước Liên minh, Tổng thống Nga cho rằng Moskva và Minsk đang phát triển mô hình Nhà nước Liên minh một cách thận trọng, điều chỉnh từng bước đi để củng cố “từ bên trong và bên ngoài” để tạo “nền tảng cơ bản tốt, vững chắc cho sự phát triển kinh tế”. Liên quan vấn đề này, Tổng thống Belarus Lukashenko thừa nhận nền kinh tế Nga và Nhà nước Liên minh Nga-Belarus được củng cố mạnh mẽ.

Tháng 11/2021, Tổng thống Putin và Tổng thống Lukashenko đã ký văn kiện hội nhập của Nhà nước Liên minh tại cuộc họp của Hội đồng Nhà nước tối cao, thông qua 28 chương trình hội nhập được phê chuẩn vào tháng 9, cũng như các phương hướng chính để thực hiện các điều khoản của Hiệp ước thành lập Nhà nước Liên minh giai đoạn 2021-2023.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Bộ Tài chính Nga ra thông cáo cho biết một ủy ban của chính phủ đã nới lỏng quy định bắt buộc bán nguồn thu ngoại hối của các doanh nghiệp xuất khẩu.

 

Thông cáo có nêu: “Hôm nay, tại Bộ Tài chính Nga, tiểu ban của Ủy ban Chính phủ kiểm soát đầu tư nước ngoài ở Nga đã quyết định giảm tỷ lệ bắt buộc bán nguồn thu xuất khẩu bằng ngoại tệ, được quy định trong Nghị định số 79, từ 80% xuống 50%”.

Bộ trên giải thích, điều này là do sự ổn định của tỷ giá hối đoái với đồng ruble và đạt được mức thanh khoản cần thiết của ngoại tệ trên thị trường trong nước. Đồng ruble Nga đã không phản ứng mạnh trước quyết định này của chính phủ. Tỷ giá hối đoái thanh toán với đồng USD vào lúc 18h21 theo giờ Moskva ngày 23/5 giảm xuống còn 57,73 ruble đổi 1 USD và với đồng euro giảm xuống còn 59,8 ruble đổi 1 euro.

Trước đó, ngày 28/2, Bộ Tài chính Nga đã bắt buộc các nhà xuất khẩu phải bán 80% thu nhập ngoại hối theo tất cả các hiệp định thương mại nước ngoài. Tuy nhiên, đến tháng 4, Ngân hàng Trung ương Nga đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát ngoại hối đối với các nhà xuất khẩu, tăng thời hạn bắt buộc bán nguồn thu ngoại hối từ trong vòng 3 ngày lên 60 ngày.

Trong khi đó, thông báo ngày 23/5 của Bộ Phát triển kinh tế Nga cho biết có thời điểm trong ngày đồng ruble đã tăng và đạt đỉnh.Thông báo có đoạn: “Theo đánh giá của chúng tôi, hiện nay sự mạnh lên của đồng ruble đang ở mức đỉnh. Nhập khẩu, dòng vốn sẽ thích ứng với các điều kiện mới”.Bộ Phát triển kinh tế Nga nhấn mạnh việc Ngân hàng Trung ương Nga giảm thêm lãi suất cơ bản sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm