Quốc tế

Trại Hale - bí ẩn nơi đào tạo biệt kích Mỹ

Đây là một trong những địa điểm đào tạo biệt kích lạnh lùng nhất nước Mỹ.

Mỹ đối mặt nguy cơ lạm phát đình trệ vào năm 2024 / Cải tiến đặc biệt trên UAV cảm tử Shahed-136

Giấu mình trong thung lũng núi cao ở Colorado, ngay giữa những khu nghỉ mát trượt tuyết nổi tiếng, là Trại Hale: khu tưởng niệm quốc gia kín tiếng nhất của Mỹ. Hale là nơi tôn vinh một số người hùng trong thời Thế chiến II, những người đã gián tiếp khai sinh ra bộ môn trượt tuyết mà ngày nay đã phát triển thịnh vượng trong khu vực Rặng núi đá. Đây cũng là một trong những địa điểm đào tạo biệt kích lạnh lùng nhất nước Mỹ.

Trại Hale nằm lọt thỏm trong Rặng núi đá (Rocky Mountains) ở miền Nam Hoa Kỳ, trong đó Nam Rockies trải dài từ phía Bắc New Mexico qua tiểu bang Colorado và vào phía Nam tiểu bang Wyoming. Khi Rặng núi đá huyền thoại bao phủ tuyết trắng xóa và nhiệt độ hạ thấp dưới mức đóng băng, nhiều lữ khách mê tuyết sẽ lặn lội ngược lên các sườn tuyết phủ. Một số trong đó có thể là vô tình đã đặt chân đến nơi mà trong Thế chiến II, các binh sĩ và điệp viên đã học cách chiến đấu trên ván trượt, và sau đó CIA đã bí mật huấn luyện Các chiến binh tự do Tây Tạng (IFF) ở nơi này.

Trại Hale- bí ẩn nơi đào tạo biệt kích Mỹ -0
Khung cảnh Trại Hale ở Colorado.

Những đội quân leo núi ưu việt

Năm 1942, Trại Hale được chọn làm căn cứ đào tạo cho đội chiến binh huyền thoại của quân đội Mỹ: Sư đoàn sơn cước số 10. Xấp xỉ 15.000 lính đã được huấn luyện tại Trại Hale để cuối cùng chinh chiến trong rặng núi Alps, Italy. 1.000 lính đã tử trận trên sa trường và khoảng 4.000 người khác bị thương. 1.000 ngôi nhà được dựng để lính đóng quân, họ đến đây bằng tàu hỏa vượt qua đèo Tennessee. Họ xuất thân từ các tầng lớp khác nhau, từ những nhà leo núi và trượt tuyết cự phách cho đến những đứa trẻ nô đùa trên đường phố New York hoặc Chicago. Trại Hale cũng có lực lượng nhân sự đông tới 3.000 người gồm quản trị viên, y tế, và hậu cần, ngoài ra còn có 5.000 con la và 200 con chó. Từ quân đoàn phụ nữ đã có 200 nữ quân nhân đóng tại Trại Hale, họ làm việc sát cánh với các đồng đội nam trong những vai trò không trực tiếp chiến đấu.

Hale là căn cứ quân sự duy nhất ở Mỹ chuyên trách đào tạo binh sĩ cho chiến đấu vùng núi trong mùa Đông. Khu doanh trại chính trong thung lũng nằm ở độ cao 2.804m so với bề mặt nước biển với núi non bao bọc xung quanh khiến cho địa hình trại Hale cao tới hơn 4.267m. Thời tiết mùa Đông khắc nghiệt, độ cao thách thức, địa hình gồ ghề, và nằm gần kề tuyến đường sắt đã biến Hale trở thành địa điểm hoàn hảo để mô phỏng những điều kiện mà binh lính sẽ phải đối mặt trong rặng Alps ở châu Âu. Nó cũng biến Hale thành căn cứ đào tạo điệp viên lý tưởng. Cục Tình báo chiến lược (OSS, cơ quan tình báo đầu tiên của Mỹ và là tiền thân của CIA) đã đến Trại Hale vào năm 1943 để chiêu mộ những điệp viên giỏi nhất cho những nhiệm vụ đặc biệt ở Pháp, Trung Quốc và Na Uy. Một nhiệm vụ trong số đó đã được dẫn đắt bởi người lính mà sau này ông trở thành giám đốc CIA.

Trại Hale- bí ẩn nơi đào tạo biệt kích Mỹ -0
Ngày nay chỉ còn lại vài cấu trúc tòa nhà từ thời Thế chiến II trong Trại Hale.

Mùa hè 1943, tại Trại Hale, OSS đã tuyển dụng khoảng 100 binh sĩ nói được tiếng Na Uy từ Tiểu đoàn Viking (còn có tên khác là Tiểu đoàn bộ binh 99) của quân đội Mỹ để thực hiện các nhiệm vụ bí mật trên khắp châu Âu. Tiểu đoàn Viking được thành lập năm 1942 tức chỉ 2 năm sau khi Đức xâm lược Na Uy, họ được đào tạo ở Trại Hale cùng với Sư đoàn sơn cước số 10. Tiểu đoàn này gồm xấp xỉ 1.000 người Na Uy và người Mỹ nói được tiếng Na Uy. Hai tuần sau sự kiện D-Day, tiểu đoàn Viking đặt chân lên đất Pháp và chiến đấu ở Bắc Âu bao gồm chiến trường Bulge nổi tiếng. Từ trại Hale đã ra đời cái gọi là Những nhóm hoạt động OSS Na Uy, họ được chuyển tới các địa điểm đào tạo của OSS đặt tại Câu lạc bộ đồng quê Quốc hội (CCC) ở Bethesda (tiểu bang Maryland) và núi Catoctin, gần tư dinh nghỉ mát của tổng thống tức Trại David ngày nay.

Các tân binh trải qua khóa đào tạo bổ sung hết sức khắc nghiệt, bao gồm chiến đấu tay đôi, sử dụng hỏa khí, nghệ thuật phá hoại, tấn công đổ bộ, cách chỉ huy một đoàn tàu (hỏa xa) cùng các hoạt động phá hoại. Sau khóa đào tạo, họ được triển khai đến Pháp, nhảy dù xuống lãnh thổ Đức Quốc xã (ĐQX) đang chiếm đóng, cũng như Na Uy.

 

Trại Hale- bí ẩn nơi đào tạo biệt kích Mỹ -0
Chiến binh đến từ Tây Tạng khắc chữ lên thân cây Bạch Dương trong thời gian ở Trại Hale.

Những bí mật chưa từng được nhắc đến

William Colby (người mà sau này trở thành giám đốc CIA) từng là một thành viên ưu tú của lực lượng Jedburgh (hoạt động mật theo đó các thành viên OSS nhảy dù xuống các lãnh thổ bị ĐQX chiếm đóng ở Pháp, Hà Lan và Bỉ) trong thời Thế Chiến II. Colby cũng lãnh đạo một Nhóm tác chiến Na Uy (NOG) trong một nhiệm vụ mật ở Na Uy. Nhảy dù xuống phòng tuyến địch trong đêm tối, các đội Jedburgh (của OSS) là những lính dù hoạt động đặc biệt được biệt phái xuống các lãnh thổ chiếm đóng để điều phối việc thả vũ khí và vật tư từ máy bay, đồng thời hướng dẫn lực lượng du kích địa phương thực hiện những cuộc tấn công chớp nhoáng và phá hoại, cũng như hỗ trợ các lực lượng quân Đồng Minh đánh bại nền Đệ Tam ĐQX. Jedburgh là những đội gồm có 3 thành viên thường bí mật xâm nhập vào lãnh thổ địch để thực hiện nhiệm vụ.

Năm 1945, ông Colby lãnh đạo một nhóm NOG để xâm nhập vào Na Uy (hoạt động mật có tên mã là “Chiến dịch Rype”) nhằm mục đích phá hoại các hệ thống đường ray và phòng ngừa bất kỳ nỗ lực nào của quân Đức nhằm củng cố quê hương họ từ phương Bắc. Theo ông Colby, nhóm của ông là “đội tác chiến nhảy dù - trượt tuyết kết hợp, đầu tiên và duy nhất của quân đội Mỹ trong suốt Thế chiến II”. Sau chiến tranh, nhiều sĩ quan của OSS (bao gồm ông Colby) đã gia nhập CIA. Tháng 9/1973, ông Colby trở thành giám đốc CIA và phục vụ đến tháng 1/1976. Khi Thế chiến II kết thúc, việc duy trì một căn cứ chuyên biệt đào tạo quân đội miền núi đã không còn thiết thực nữa: tốn kém tài chính và hậu cần rườm rà. Sư đoàn sơn cước số 10 chính thức ngừng hoạt động vào 15/10/1945, trong khi đó bản thân OSS bị giản tán vào 1/10/1945. Tuy nhiên, Trại Hale vẫn tiếp tục hoạt động.

Trại Hale- bí ẩn nơi đào tạo biệt kích Mỹ -0
William Colby trong Chiến dịch Rype của quân đội Mỹ.

Trong giai đoạn 1951-1957, Ban chỉ huy tác chiến thời tiết vùng lạnh và núi của quân đội Mỹ đã sử dụng Trại Hale cho các hoạt động đào tạo nhiệm vụ cứu hộ và leo núi quân sự. Khởi đầu thời Chiến tranh lạnh đã cho thấy những cuộc xung đột quân sự trong tương lai có thể liên quan đến những vùng núi non, vì lẽ đó mà cần thiết phải có quân đội được huấn luyện trên núi. Tuy nhiên, không chỉ quân đội Mỹ mới nhìn thấy sự cần thiết của đào tạo lính sơn cước. CIA cũng để mắt tới Trại Hale. Giai đoạn 1958-1964, CIA đã bí mật đào tạo khoảng 300 chiến binh tự do Tây Tạng (TFF) ngay tại Trại Hale. Khi kết thúc khóa huấn luyện, những người này sẽ quay lại quê hương Tây Tạng (bằng hình thức vượt biên hoặc nhảy dù xuống những khu vực hẻo lánh) và đào tạo cho hàng ngàn những phần tử nổi dậy để tiến hành chiến tranh du kích ở Tây Tạng.

Vậy nhưng sứ mệnh giải phóng quê hương của TFF đã không thành công. Sở dĩ CIA chọn Trại Hale là vì nó có những điều kiện địa hình và khí hậu y hệt như phía Đông Tây Tạng. Các thực tập sinh Tây Tạng gọi Trại Hale là “Dumra” (Vườn, theo tiếng Tây Tạng). Ông John Kenneth Knaus, một trong những giáo dục viên của CIA trong cuốn sách của mình mang tựa đề “Những trẻ mồ côi thời Chiến tranh lạnh: Mỹ và cuộc đấu tranh sinh tồn cho người Tây Tạng”, đã khắc họa cái nhìn thoáng qua đối với cuộc sống ở Trại Hale. Những tân binh người Tây Tạng đã học cách thu thập tình báo, chạy trong mạng lưới hầm ngầm, nhảy dù từ máy bay, tạo truyền đơn, tiến hành các hoạt động mật, sử dụng các loại vũ khí, đọc bản đồ, và định vị bằng sao trời (họ thành thạo kỹ năng này hơn các giảng viên của CIA của họ).

 

Theo tác giả Knaus, phần huấn luyện mất thời gian nhất là dạy cho người Tây Tạng cách mã hóa, gửi và nhận mã Morse thông qua máy vô tuyến từ trong nội địa Tây Tạng. Vì hầu hết các giảng viên CIA không biết tiếng Tây Tạng nên những thanh niên trẻ Tây Tạng nói được tiếng Anh sẽ đóng vai trò là phiên dịch cho 2 ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Tất cả các học viên đều được đặt biệt danh kiểu Mỹ, trong khi giáo viên dạy họ được biết bằng tên. Suốt 7 năm khi Trại Hale được CIA dùng làm căn cứ huấn luyện cho lực lượng Tây Tạng, người Tây Tạng và các giảng viên Mỹ đã cùng sống trong một gia đình lớn. Năm 1965 tức chỉ vài năm sau khi CIA ngừng huấn luyện ở Trại Hale, quân đội Mỹ đã đóng cửa nơi này. Vùng đất được chuyển giao cho Rừng quốc gia White River và trở thành một phần của Cục lâm viên quốc gia Mỹ (NFS). Vào 12/10/2022, Tổng thống Joe Biden đã ký tuyên bố Trại Hale là Khu tưởng niệm quốc gia.

Trại Hale- bí ẩn nơi đào tạo biệt kích Mỹ -0
Lính OSS Jedburghs thực hiện nhiệm vụ nhảy dù xuống mặt trận châu Âu trong suốt Thế chiến II.

Khu di tích lịch sử rộng 21.000 ha (giờ đây mang tên chính thức là Khu tưởng niệm quốc gia phân chia lục địa - Trại Hale) bao gồm khu vực căn cứ chính và Rặng Tenmile (một dải các đỉnh núi lởm chởm và cảnh quan hiểm trở nằm giữa Leadville, Frisco và Breckenridge, nơi mà Sư đoàn sơn cước số 10 từng được huấn luyện. Trại Hale là Khu tưởng niệm quốc gia đầu tiên được chỉ định theo quyền hạn Tổng thống của ông Biden, đánh dấu tầm quan trọng của địa điểm lịch sử này.

Ngày nay, 80 năm đã trôi qua, chẳng mấy ai biết được rằng thung lũng tươi đẹp được bao quanh bởi những đỉnh núi phủ tuyết trắng xóa, từng một thời là nơi đào tạo binh lính và điệp viên ưu tú của thời Thế chiến II. Chỉ còn lại vài cấu trúc từ thời hoàng kim của Trại Hale. Những ngọn núi và thung lũng của Trại Hale là thiên đường của các loài thực vật và thú hoang dã. Ngày nay nhiều lữ khách đổ xô tới đây để đi bộ vãn cảnh, cắm trại, leo núi đá vào mùa Hè, trượt tuyết khi Đông về. Theo Cục lâm viên Mỹ, Trại Hale là nơi có vài cabin được quản lý bởi Hiệp hội lều sư đoàn núi số 10, du khách có thể thuê lều để ngủ qua đêm.

- Video: Tên lửa TOW - “Sát thủ diệt tăng” của Quân đội Mỹ. Nguồn: QĐND.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm