Quốc tế

Triển khai quân và thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine - điều cấm kỵ của phương Tây bị phá vỡ?

Sự hiện diện của binh sĩ từ một số nước NATO ở Ukraine giờ đây không còn là điều không thể tưởng tượng được.

Đằng sau việc Mỹ cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga và phản ứng của các bên / Bên trong 3 mặt trận nóng nhất cuộc xung đột ở Ukraine

Theo Đài phát thanh Quốc tế Đức Deutsche Welle (DW) ngày 31/5, khi Nga càng tấn công Ukraine, áp lực lên phương Tây càng lớn. Một số quốc gia NATO đang thúc đẩy việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công bên trong lãnh thổ Nga, những quốc gia khác có thể triển khai cố vấn quân sự. Ngay cả vùng cấm bay cũng đang được đưa ra bàn thảo.

Đây dường như là một khoảnh khắc bước ngoặt. Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức hồi đầu tuần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đồng ý về việc Ukraine được phép tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga bằng vũ khí phương Tây. Thủ tướng Đức Olaf Scholz không phản đối và nhấn mạnh luật pháp quốc tế cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.

Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đã bày tỏ sự ủng hộ, cùng với các đại diện chính phủ từ Anh, Ba Lan và các nước vùng Baltic. Mỹ cho đến nay vẫn phản đối điều này với lý do lo ngại leo thang.

Một số quốc gia NATO đang thúc đẩy việc cho phép vũ khí phương Tây tấn công bên trong lãnh thổ Nga. Ảnh: TASS

Một số quốc gia NATO đang thúc đẩy việc cho phép vũ khí phương Tây tấn công bên trong lãnh thổ Nga. Ảnh: TASS

Trong các chuyến thăm đến một số nước châu Âu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tăng cường thúc đẩy nhằm phá bỏ điều cấm kỵ này. Quân đội Ukraine dường như ngày càng yếu đi, một phần vì Mỹ đã không giao vũ khí trong nhiều tháng. Ở phía đông bắc Ukraine, gần biên giới Nga, các lực lượng của Moskva đang tấn công Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, hàng ngày.

Quân đội Nga đã giành được một số bước tiến và theo báo cáo của Ukraine, Moskva đang tập hợp lực lượng cho một cuộc tấn công tiềm năng lớn hơn thời gian tới. Cho đến nay, Ukraine chỉ tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận bằng vũ khí của riêng mình. Vũ khí phương Tây chỉ được sử dụng để chống lại các lực lượng Nga trên các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở miền đông Ukraine và trên bán đảo Crimea.

Đại tá Yaroslav Matisek của Không quân Mỹ và là Giáo sư tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ nêu quan điểm, Ukraine không thể bảo vệ các thành phố như Kharkov nếu không sử dụng vũ khí phương Tây tấn công các mục tiêu nằm trong biên giới Nga. Ông Matisek nói với DW rằng “việc cho phép Nga có nơi trú ẩn an toàn trên lãnh thổ của mình chỉ đơn giản là một chiến lược quân sự tồi tệ".

Có nhiều điều cấm kỵ hơn nguy cơ bị phá vỡ trong vấn đề này. Sự hiện diện của binh sĩ từ một số nước NATO ở Ukraine giờ đây không còn là điều không thể tưởng tượng được. Theo Tướng Oleksandr Syrskyi, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine, ông đã ký những văn bản liên quan đến các cố vấn quân sự người Pháp. Theo vị tướng này, họ có thể "đến sớm" để thăm các trung tâm huấn luyện của Ukraine. Ông nói về một “dự án đầy tham vọng” và hy vọng các đối tác khác sẽ làm theo.

 

Pháp ban đầu đã làm dịu thông điệp của Tướng Syrskyi: Hai bên đang tiến hành đàm phán, theo phương tiện truyền thông từ Paris. Tổng thống Macron thông báo rằng ông sẽ trình bày kế hoạch cử cố vấn quân sự vào tuần tới.

Chuyên gia chính sách đối ngoại người Pháp Nicolas Tenzer nói với DW: "Có lẽ Pháp đã sẵn sàng làm điều đó. Các cố vấn quân sự Pháp có thể được cử đến các địa điểm như Lviv hoặc Kyiv”.

Nếu Pháp thực sự phái cố vấn quân sự đến Ukraine, nước này có thể không đơn độc. Ba Lan và các nước vùng Baltic cũng không loại trừ khả năng này. Hồi tháng 2 vừa qua, ông Macron gây xôn xao dư luận khi là nguyên thủ quốc gia phương Tây đầu tiên không loại trừ khả năng đưa quân tới Ukraine. Trước thời điểm đó, vấn đề này được coi là ranh giới đỏ - đối với cả Nga và phương Tây.

Đầu tháng 5, Tổng thống Macron tái khẳng định quan điểm của mình. Theo ông Macron, nếu Nga đột phá thành công và Ukraine yêu cầu quân đội phương Tây đến giải cứu, họ sẽ phải cân nhắc. Tuy nhiên, cho đến nay, Tổng thống Zelensky vẫn chưa đưa ra yêu cầu như vậy.

“Khi Nga đạt được bước tiến, NATO sẽ xem xét gửi cố vấn quân sự đến Ukraine”, tờ New York Times đăng tiêu đề một bài viết vào giữa tháng 5. Theo tờ báo, điều này sẽ cho phép chính phủ Ukraine huấn luyện những binh sĩ mới được huy động khẩn cấp nhanh hơn trước và triển khai họ ở mặt trận. Nhưng vấn đề chính dường như là: không có cuộc giao chiến trực tiếp giữa quân phương Tây và binh sĩ Nga.

 

Đại tá Matisek cho rằng việc cử cố vấn quân sự là dễ dàng và khả thi: “Tôi nghĩ các nước phương Tây có thể dễ dàng đưa vài nghìn nhân viên đến Lviv như một phần của đơn vị huấn luyện”, gợi ý rằng Liên minh châu Âu đã tiến hành một sứ mệnh đào tạo như vậy ở các nước EU và trong tương lai có thể tiến hành những khóa đào tạo như vậy ở Ukraine.

Ông Matisek còn đề xuất tiến xa hơn nữa: các nước phương Tây có thể đóng quân dọc biên giới Ukraine và đến tận bờ sông lớn nhất Ukraine, Dnipro. Ông Matisek giải thích: “Tôi nghĩ rằng điều này gửi một tín hiệu rất rõ ràng tới (Tổng thống Nga Vladimir) Putin rằng phương Tây sẽ không chấp nhận việc Nga tiếp tục giành quyền kiểm soát lãnh thổ của Ukraine”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chính trị và quốc phòng phản đối những ý tưởng như vậy. Một số cáo buộc Tổng thống Macron và những người ủng hộ ông đã vạch trần sự chia rẽ và phân chia các giới tuyến ở châu Âu.

Một vùng cấm bay hạn chế?

Theo ông Matisek, nếu phương Tây gửi quân đến Ukraine, điều này cũng có nghĩa là sẽ cần "nhiều hệ thống phòng không hơn" để bảo vệ họ. Ở Đức, một số chính trị gia và chuyên gia thậm chí còn chủ trương cho rằng các nước NATO có thể bắn hạ máy bay không người lái và tên lửa của Nga trên lãnh thổ phía tây Ukraine từ chính lãnh thổ của họ.

 

Vào đầu tháng 5, các thành viên quốc hội Đức đã tỏ ra cởi mở với kế hoạch này, theo tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung. Đề xuất này bắt nguồn từ Nico Lange, chuyên gia tại Hội nghị An ninh Munich. Mục đích của kế hoạch là bảo vệ bầu trời phía tây Ukraine với chiều sâu lên tới 70 km, bằng những hệ thống phòng không đặt ở các nước như Ba Lan.

Đây thực sự sẽ là một vùng cấm bay hạn chế. Thủ tướng Đức Olaf Scholz phản đối bất kỳ sự tham gia nào của NATO và đã chỉ trích những ý tưởng như vậy. Một số nhà quan sát ở phương Tây cho biết, một vùng cấm bay hạn chế có thể sẽ đặc biệt khó thực hiện. Cho đến nay, chưa có nguyên thủ quốc gia nào của NATO lên tiếng ủng hộ điều này.

Về phần mình, Nga đã cảnh báo rằng binh sĩ phương Tây ở Ukraine sẽ trở thành mục tiêu tấn công của Nga. Moskva gần đây đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự với vũ khí hạt nhân chiến thuật, biện minh cho động thái này bằng cách tuyên bố rằng các nước phương Tây có thể gửi binh lính đến Ukraine và cho phép Kiev tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí của họ.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm