Từ Trung Đông tới châu Phi, "hung thần" Mi-35M Nga tung bão lửa thị uy
Truyền thông Nga vừa đăng tải hình ảnh trực thăng tấn công Mi-35M khai hỏa nhằm vào mục tiêu lực lượng Chính phủ Hiệp định Quốc gia Libya (GNA) được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tại Thủ đô Tripoli.
Cộng hòa Czech chi 650 triệu USD mua trực thăng của Mỹ / Nga thất kinh khi Ukraine sắp sở hữu trực thăng Apache "dư thừa" từ Mỹ
Mục tiêu liên tiếp bị rocket từ chiếc Mi-35M (của Nga sản xuất) tấn công là vị trí của lực lượng Chính phủ Hiệp định Quốc gia Libya (GNA) tại Tripoli - lực lượng đang nhận được sự hậu thuẫn tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện chưa rõ mức độ thiệt hại của lực lượng mặt đất sau đợt tấn công lần này.
Đây là lần thứ 2 kể từ đầu tháng 12/2019, trực thăng Mi-35M Nga xuất hiện tấn công mục tiêu của lực lượng GNA.
Mục tiêu nằm trong đợt tấn công trước đó nằm tại thành phố ven biển Misrata, Libya - đây là khu vực chứa nhiều vũ khí GNA vừa được tiếp nhận từ Thổ Nhĩ Kỳ và đồng thời cũng là chiến trường lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đang mở những đợt tấn công quy mô lớn.
Được biết, ngay trước khi Mi-35M và lực lượng LNA phát động tấn công quy mô lớn, một lượng lớn vũ khí, đạn dược, xe bọc thép và các thiết bị quân sự khác của Thổ Nhĩ Kỳ đã được chuyển đến các cảng hải quân và căn cứ không quân tại Misrata để bàn giao cho GNA.
Trực thăng tấn công Mi-35M là dòng máy bay trực thăng chiến đấu đa năng do Rostvertol, một chi nhánh của Công ty Trực thăng Nga, chế tạo. Mi-35M được sản xuất hàng loạt kể từ năm 2005. Trong ảnh là buồng lái hiện đại của loại trực thăng này.
Không khó để nhận ra Mi-35M tương đương về hình dáng và kích thước với Mi-24, dòng máy bay trực thăng tấn công huyền thoại của Liên Xô.
Thực tế Mi-35M chính là phiên bản hiện đại hóa sâu rộng của dòng trực thăng được mệnh danh là "xe tăng bay" Mi-24.
So với trực thăng tấn công Mi-24 Hind của Liên Xô, Mi-35M có khả năng sử dụng vũ khí có điều khiển và không điều khiển trong mọi điều kiện thời tiết, có thể hoạt động tấn công ở độ cao 10-25m ban ngày và 50m ở ban đêm trên đất liền hoặc trên sông, biển.
Mi-35M được nâng cấp đáng kể về hệ thống điện tử hàng không bao gồm gói hệ thống trinh sát nhìn đêm.
Mi-35M dài 17,50 m; cao 6,5 m; có trọng lượng rỗng là 8.355 kg, trọng lượng cất cánh tối đa là 11.500 kg. Điều đặc biệt là chúng vẫn có một khoang chở quân, điều mà các dòng trực thăng tấn công từ Mỹ hay châu Âu không có.
Khoang chở quân nhỏ ở phía sau này rất hữu hiệu. Điều này giúp vận chuyển binh sĩ bị thương hoặc cứu các phi công bị bắn hạ.
Mi-35M trang bị động cơ turbin trục thế hệ mới nhất VK-2500, mỗi chiếc sản sinh công suất 2.200 mã lực/chiếc.
Động cơ này cho phép Mi-35M đạt tốc độ tối đa 310 km/h, trần bay thực tế 5.400 m.
Tầm bay thực tế của Mi-35M khoảng460 km và có thể lên tới 1.000 km với nhiên liệu cực đại.
Để điều khiển chiếc trực thăng hạng nặng này, phi hành đoàn cần 2 người.
Đặc biệt, hệ thống rotor chính và rotor đuôi sử dụng của trực thăng tấn công Mi-28.
Theo đó, rotor chính làm bằng sợi thủy tinh nhẹ nhưng bền hơn so với hợp kim nhôm, rotor đuôi chữ X giảm tiếng ồn.
Hiệu suất bay, độ cao bay, khả năng cơ động được cải thiện tốt hơn Mi-24 nhờ các thay đổi này.
Trực thăng tấn công đa năng Mi-35M được trang bị hệ thống buồng lái kính chống đạn hiện đại cùng các hệ thống quan sát, trinh sát, chỉ thị mục tiêu quang-hồng ngoại tối tân.
Về khả năng mang vác vũ khí, trực thăng tấn công Mi-35M thiết kế với cánh ngắn hơn Mi-24V nhưng mang được tải trọng tương đương (2,4 tấn) trên 4 giá treo.
Mi-35M lắp pháo nòng kép GSh-23V cỡ 23mm với cơ số đạn 450-470 viên ở phía mũi cho khả năng tác chiến tốt hơn so với việc gắn bên thân như Mi-24.
Pháo có thể bắn với tốc độ 3.400-3.600 phát/phút, chống được mục tiêu bọc thép, công sự kiên cố, phù hợp diệt bộ binh địch.
Trong nhiệm vụ chống tăng, trực thăng Mi-35M có thể mang 8 tên lửa chống tăng có điều khiển Ataka-V hoặc Shturm-V. Đặc biệt, nó còn mang được tên lửa không đối không Igla-V để tự vệ trên không.
Ngoài ra, nó có thể mang được các loại rocket S-8 80mm (tổng cộng 80 quả) hoặc S-13 122mm (20 quả) và gunpod 23mm.
Mi-35M với ưu thế hoạt động tác chiến cả ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện thời tiết sẽ làm tăng thêm sức mạnh tấn công của bất cứ quốc gia nào sở hữu chúng.
Nga hiện vẫn đang tiếp tục tiếp thị dòng trực thăng này sang các quốc gia vốn có truyền thống sử dụng trực thăng M-24.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo