Quốc tế

Tướng không quân Mỹ khẳng định Việt Nam đàm phán mua T-6 Texan II

DNVN - Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Không quân nhân dân Việt Nam sẽ đưa vào trang bị dòng máy bay huấn luyện T-6 Texan II do Mỹ sản xuất.

Nga đặt niềm tin vào 2S19 Msta-S nâng cấp, dấu hiệu 2S35 Koalitsiya-SV thất bại? / Sự thực Việt Nam mua số lượng lớn xe tăng T-72 từ Belarus

Đô đốc Philip S. Davidson vào hôm 12/2/2019 đã tiết lộ tại Quốc hội Mỹ về việc Việt Nam tiến hành các cuộc đàm phán nhằm tiến tới mua sắm máy bay trinh sát không người lái cũng như máy bay huấn luyện từ Hoa Kỳ.

Ông Davidson nói rằng mối quan hệ quân sự giữa Bộ tư lệnh mà ông chỉ huy và Quân đội Việt Nam “ưu tiên củng cố năng lực hàng hải của Việt Nam, vốn sẽ được hỗ trợ bởi việc Việt Nam mua Scan Eagle UAV (máy bay trinh sát không người lái) và máy bay huấn luyện T-6, và một chiếc tàu thứ hai của Lực lượng Tuần duyên Mỹ”, theo văn bản chuẩn bị sẵn cho cuộc điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.

Mới đây nhất phát biểu trên tạp chí Stars and Stripes, Tướng Charles Q. Brown - Tư lệnh Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương tiếp tục khẳng định việc Việt Nam đang đàm phán để tiến tới mua một phi đội máy bay huấn luyện T-6 Texan II.

Máy bay huấn luyện sơ cấp T-6 Texan II của Không lực Hoa Kỳ. Ảnh: US Air Force.

Máy bay huấn luyện sơ cấp T-6 Texan II của Không lực Hoa Kỳ. Ảnh: U.S Air Force.

Máy bay huấn luyện sơ cấp T-6 Texan II được coi là lớp học trên trời cơ bản của các thế hệ phi công tương lai trong quân đội Mỹ. T-6 chỉ sử dụng động cơ turbine cánh quạt nhằm phù hợp với chức năng giúp người lái làm quen bầu trời.

Chiếc T-6 Texan II được Không quân Mỹ đưa vào trang bị từ đầu những năm 2000 và hiện đang có mặt trong biên chế hơn 10 quốc gia khác. Máy bay được thiết kế và chế tạo bởi hãng Hawker Beechcraft và sau đó Textron Aviation đã giành quyền sản xuất.

Hiện nay dây chuyền lắp ráp T-6 Texan II vẫn đang hoạt động, khoảng 800 chiếc đã xuất xưởng với giá thành rất rẻ, chỉ khoảng 4,27 triệu USD. Trong Không lực Hoa Kỳ, phi đội T-6 Texan II hiện có quân số lên tới hàng trăm chiếc, dòng máy bay này được đánh giá rất cao ở độ tin cậy và chi phí khai thác rẻ.

Điểm ưu việt của T-6 Texan II là nó thực hiện được nhiều động tác thao diễn vô cùng linh hoạt mà máy bay động cơ phản lực cũng phải chào thua. Mặc dù có bề ngoài của một "máy bay bà già" nhưng buồng lái của máy bay huấn luyện T-6 có độ hiện đại không thua kém bất cứ chiếc phản lực tân tiến nào.

 

Máy bay cường kích tấn công mặt đất AT-6B Wolverine - một phiên bản của T-6 Texan II. Ảnh: Wikipedia.

Máy bay cường kích tấn công mặt đất AT-6B Wolverine - một phiên bản của T-6 Texan II. Ảnh: Wikipedia.

Ngoài phiên bản thông dụng, T-6 Texan II còn có biến thể cường kích tấn công mặt đất được định danh là AT-6B Wolverine. Máy bay được trang bị 6 giá treo ngoài để mang pod súng máy, rocket hydra cỡ 70 mm và bom dẫn đường bằng laser, thậm chí cả tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9 Sidewinder cho mục đích tự vệ.

Việc Việt Nam tỏ ý quan tâm tới máy bay huấn luyện T-6 Texan II theo đánh giá có thể nhằm chuẩn bị thay thế phi đội Iak-52 đã cao tuổi, đồng thời đây có thể là bước đi đón đầu cho việc tiếp nhận các dòng chiến đấu cơ hiện đại do Mỹ sản xuất trong tương lai không xa.

 

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm