Tương lai của thế giới sau khi Hiệp ước INF đổ vỡ
Cả Nga và Mỹ đều bị lừa trong INF? / Tên lửa Iskander-M "phản chủ" lật tẩy Nga vi phạm hiệp ước INF
Từ góc độ của Bộ Quốc phòng Mỹ, lợi ích từ việc rút khỏi INF vào thời điểm này có thể là Mỹ đã sẵn sàng cho việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và triển khai tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất. Như vậy, Bộ Quốc phòng Mỹ giờ sẽ có nhiều lựa chọn hơn để bố trí lại lực lượng trên toàn cầu phù hợp với nhưng ưu tiên họ đặt ra trong chiến lược an ninh quốc gia. Đó là ở góc độ quân sự.
Tuy nhiên, về ngoại giao, Mỹ đồng thời thúc đẩy một cơ chế kiểm soát vũ khí mới, phù hợp với tương quan lực lượng hiện nay giữa các cường quốc. Theo kỳ vọng của Mỹ, cơ chế đó sẽ phải bao gồm Trung Quốc. Nhưng đó sẽ là cả một câu chuyện dài. Trước mắt, đã có tin là Mỹ sẽ thử nghiệm loại tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất ngay trong vài tuần tới. Đến tháng 11, họ dự kiến sẽ thử nghiệm tên lửa đất đối không tầm trung.
Còn tại Nga, Bộ Ngoại giao nước này đã đưa ra thông cáo chính thức về việc chấm dứt hoàn toàn Hiệp ước INF từ ngày 2/8. Nga kêu gọi Mỹ tạm ngừng triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung sau khi rút khỏi Hiệp ước này.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Sergey Ryabkov, Nga đã đề xuất với Mỹ và cả các nước NATO về một lệnh cấm, tương tự như ở Nga, đối với việc triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn.
Trước đó, Tổng thống Nga Putin từng tuyên bố, dù Nga chấm dứt việc thực hiện Hiệp ước INF nhưng sẽ không triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới, chừng nào ở đó không có sự hiện diện của vũ khí Mỹ. Hiện tại, Moscow sẵn sàng thảo luận với Washington về việc ổn định tình hình sau khi Hiệp ước INF ngừng tồn tại, trên cơ sở các biện pháp được thực hiện một cách minh bạch.
Lâu nay, INF được xem là bước tiến lớn nhằm hạn chế chạy đua vũ trang. Mất INF, hiện còn Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START) là cơ chế ràng buộc giữa Nga và Mỹ. Hiệp ước này sẽ hết hạn vào năm 2021 và hiện Mỹ vẫn chưa có ý định gia hạn.
Ở cấp độ đa phương có Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT). Tuy nhiên, cơ chế này cũng không mang tính ràng buộc cao. Ví như Iran đang đe dọa rút khỏi NPT sau khi Mỹ siết chặt trừng phạt.
Nhiều nước đang kêu gọi hình thành một phiên bản INF 2.0 - một thỏa thuận không chỉ riêng giữa Mỹ và Nga, mà bao gồm kho vũ khí của nhiều nước khác như Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan. Tuy nhiên, tương lai của một hiệp định như vậy vẫn chưa có gì rõ ràng khi mà Trung Quốc chưa cho thấy sự sẵn sàng tham gia thỏa thuận mới này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo