Quốc tế

Ukraine muốn "các quốc gia bảo lãnh" đảm bảo sẽ can thiệp nếu nước này lại bị tấn công

Theo Fox News, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã tiết lộ với báo giới những mong muốn của Ukraine về vấn đề đảm bảo an ninh.

Nga cam kết giảm các hoạt động quân sự gần Kiev, Tổng thống Mỹ Biden: Hãy chờ xem! / Chuyên gia hé lộ số tên lửa chính xác QĐ Nga sở hữu - Đủ dùng ở Ukraine thêm... vài năm?

Đài Fox News (Mỹ) đưa tin, trong cuộc đàm phán hôm 29/3 tại Thổ Nhĩ Kỳ, phía Ukraine đã tìm kiếm các đảm bảo an ninh cụ thể để đổi lấy điều kiện trở thành quốc gia "trung lập".

Theo đó, Ukraine mong muốn nhận được hỗ trợ quân sự từ các "lực lượng quân đội hàng đầu thế giới", bao gồm các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân", nếu một cuộc xung đột xảy ra trong tương lai.


Ông Mikhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gọi những quốc gia nói trên là "những quốc gia bảo lãnh" cho Ukraine. Theo ông này, cái được gọi là "Hiệp ước về Đảm bảo An ninh" sẽ giúp Kyiv có được công cụ hữu hiệu để bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền của đất nước.

"Các quốc gia bảo lãnh [cho Ukraine] sẽ là những nước sở hữu lực lượng quân đội hàng đầu thế giới, bao gồm cả những nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Họ sẽ đảm nhận nghĩa vụ pháp lý cụ thể: đó là can thiệp vào bất cứ cuộc xung đột nào nổ ra trên lãnh thổ Ukraine và cung cấp vũ khí cho Ukraine ngay khi xung đột nổ ra", ôngPodolyak giải thích.

Ukraine đã đề xuất rằng họ sẽ trở nên trung lập về quân sự nhưng đồng thời cũng đang tìm cách "tham gia bắt buộc vào thị trường chung của Liên minh châu Âu với tư cách là một thành viên chính thức".

Ngoài ra, ông Podolyak đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các quốc gia NATO như Mỹ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức tham gia ký kết những hiệp ước tiềm năng với Nga. Quan chức này lập luận rằng sự hỗ trợ của các quốc gia này sẽ giúp Ukraine tránh được "bản chất không ràng buộc thường thấy trong các hiệp ước pháp lý của Nga".

Ukraine muốn các quốc gia bảo lãnh đảm bảo sẽ can thiệp nếu nước này lại bị tấn công - Ảnh 1.

Ảnh: AP

Về điều kiện đảm bảo an ninh, một thành viên khác trong phái đoàn đàm phán của Ukraine, ông David Arakhamia, hôm 29/3 cho biết: "Chúng tôi đã nhấn mạnh rằng đây là một hiệp ước quốc tế, và sẽ cần có chữ ký của tất cả các bên đảm bảo an ninh [cho Ukraine]".

Theo ông Arakhamia, "hiệp ước" này có thể tương tự như Điều 5 của NATO, trong đó tôn trọng nguyên tắc phòng thủ tập thể, thậm chí có thể sẽ có "một cơ chế kích hoạt chặt chẽ hơn".

Ông Arakhamia gợi ý rằng những "quốc gia bảo lãnh" nên là các quốc gia [thường trực] của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Canada, Ý, Ba Lan và Israel.

"Các cuộc tham vấn sẽ diễn ra trong vòng 3 ngày... [...] Sau đó, các quốc gia bảo lãnh có nghĩa vụ giúp đỡ chúng tôi. Viện trợ quân sự và đóng cửa không phận - tất cả những điều chúng tôi đang rất cần nhưng chưa thể có", ông này nói.

Ông Arakhamia cũng nói thêm rằng phía Ukraine đã nêu rõ trong đề xuất rằng "các quốc gia bảo lãnh không những không được từ chối việc Ukraine gia nhập EU mà còn phải giúp đỡ Kyiv trong quá trình này".

 

"Vẫn còn khoảng cách lớn"

Sau cuộc đàm phán ngày 29/3 tại Istanbul, phía Nga cũng đã đề xuất tổ chức cuộc gặp cấp cao của hai nhà lãnh đạo Nga-Ukraine song song với buổi ký kết hiệp ước hòa bình của Bộ trưởng Ngoại giao hai nước. Đây là một trong những tín hiệu tích cực được phía Nga công bố sau cuộc đàm phán.

Tuy nhiên, theo lời một cựu điệp viên Mỹ, ông Rebekah Koffler, lập trường của hai nước Nga-Ukraine vẫn còn khoảng cách rất lớn: "Điều Ukraine đang kiếm tìm là điều Nga không thể chấp nhận".

Ông Koffler giải thích rằng những đảm bảo an ninh mà Ukraine mong muốn "về cơ bản giống như việc họ trở thành thành viên NATO", trong khi mục tiêu của Nga trong cuộc xung đột này là ngăn Ukraine trở thành thành viên NATO. Nga vốn coi khả năng Ukraine gia nhập NATO là "mối đe dọa hiện sinh" đối với an ninh của nước này.

Phía Nga đã công bố quyết định giảm hoạt động quân sự gần thủ đô Kyiv của Ukraine - một động thái được trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky gọi là "hành động thiện chí". Tuy nhiên, ông Koffler lại cho rằng đây có thể là chiến thuật giúp Nga "câu giờ" và bố trí lại lực lượng".

 

Đài CNN (Mỹ) cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhiều quan chức Mỹ đã bày tỏ thái độ cực kỳ thận trọng trước kết quả đàm phán ngày 29/3.

Nhà lãnh đạo Ukraine nói rằng ông sẽ chờ những kết quả cụ thể, trong khi Tổng thống Mỹ tuyên bố: "Chúng ta hãy chờ xem" - đồng thời cho biết Mỹ và EU sẽ tiếp tục theo dõi các động thái của Nga./.

Xung đột Nga - Ukraine
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm