Quốc tế

Ukraine và phương Tây rạn nứt lớn khi chiến sự ở thời điểm bước ngoặt

Những chia rẽ sâu sắc đang lớn dần giữa Ukraine và phương Tây, trong đó có Mỹ - nhà tài trợ lớn nhất của Kiev về tương lai phòng thủ của Ukraine trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Mỹ lo ngại Ukraine tấn công trạm radar hạt nhân của Nga / Chasov Yar - cánh cửa giúp Nga giành quyền quyết định ở vùng Donetsk

Bất đồng về vũ khí tấn công vào lãnh thổ Nga

Giới lãnh đạo Ukraine than phiền về việc Washington đang hạn chế khả năng của họ trong việc phản ứng trước các cuộc tấn công của Nga. Trong khi đó, giới chức châu Âu và Mỹ tranh cãi về chiến lược lật ngược tình thế trên chiến trường Ukraine.

Trên thực tế, sự thất vọng gần như đã xuất hiện từ khoảnh khắc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào cuối tháng 2/2022 nhưng các nhà hoạch định chính sách ở Washington, Kiev và khắp châu Âu cho rằng, căng thẳng trở nên rõ ràng hơn trong những tuần gần đây khi Nga giành thế chủ động trên tiền tuyến và bắt đầu kiểm soát các vùng lãnh thổ Ukraine từng giành được vào thời kỳ đầu xung đột.

Bất đồng sâu sắc nhất hiện nay là việc liệu Ukraine có thể sử dụng các vũ khí được phương Tây hỗ trợ để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga hay không. Trước khi chính sách này thay đổi vào 30/5, chính quyền Tổng thống Biden đã nghiêm cấm Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ để thực hiện điều đó bởi Washington lo ngại động thái trên có thể làm leo thang căng thẳng và dẫn đến cuộc xung đột trực tiếp giữa Washington và Moscow.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm 2023 ở Vilnius, Litva. Ảnh: Getty

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm 2023 ở Vilnius, Litva. Ảnh: Getty

Chính quyền Tổng thống Biden ngày 30/5 đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ để tiến hành những cuộc tấn công xuyên biên giới ở quy mô hạn chế vào các lực lượng của Nga đang đe dọa đến thành phố Kharkov lớn thứ hai Ukraine.

Một số nhà lãnh đạo NATO, trong đó có Ngoại trưởng Phần Lan và Canada đã tuyên bố công khai rằng họ chưa bao giờ ngăn cản Ukraine sử dụng vũ khí mà các nước này cung cấp để nhắm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga. Quan điểm đó cũng nhất quán với lập trường của Tổng thống Pháp Macron và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khi cho biết Ukraine có quyền làm vậy. Trong khi đó, Đức và Italy có lập trường do dự giống Mỹ.

Sự bất đồng về các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga - thậm chí cả giữa bối cảnh chính sách đã có sự dịch chuyển, là một minh chứng cho thấy sự chia rẽ lớn dần giữa Ukraine và các bên ủng hộ quan trọng nhất về mặt quân sự trong cách đối phó với tình hình chiến trường khi mà vị thế của Kiev tiếp tục suy yếu. Moscow không có dấu hiệu sẽ giảm bớt nỗ lực kiểm soát và sáp nhập 4 vùng lãnh thổ ở phía Đông Nam Ukraine cũng như tiến xa hơn nếu có thể.

Tranh cãi ngày càng gia tăng thể hiện qua việc gói hỗ trợ quân sự trị giá 61 tỷ USD được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng trước sau nhiều tháng trì hoãn, vẫn chưa ổn định được những điểm yếu trên chiến trường của Ukraine, mặc dù các quan chức Mỹ nói rằng việc cung cấp những vũ khí này sẽ giảm bớt phần nào các vấn đề trong vòng vài tuần.

 

Ukraine đang bước vào những cuộc giao tranh ác liệt trong mùa hè này, giữa bối cảnh các nhà tài trợ quân sự lớn nhất bất đồng về một loạt vấn đề.

Những rạn nứt khác

Mỹ và nhiều nước châu Âu cũng không có cùng tiếng nói trong các vấn đề khác, trong đó có lộ trình Ukraine gia nhập NATO - khi Washington vẫn giữ thái độ thận trọng và việc liệu có sử dụng các tài sản của Nga bị đóng băng để hỗ trợ tài chính cho Kiev hay không - một nỗ lực mà Mỹ và Ukraine ủng hộ song phần lớn châu Âu phản đối.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không né tránh các cuộc công kích trực tiếp vào Tổng thống Biden khi nói với các phóng viên ở Brussels hôm 28/5 rằng nếu Tổng thống Mỹ bỏ qua Hội nghị thượng đỉnh hòa bình do Ukraine tổ chức vào tháng tới ở Thụy Sĩ thì rất có thể, "sự vắng mặt của ông sẽ chỉ được hoan nghênh bởi Tổng thống Putin".

"Tổng thống Ukraine không vui với quyết định của Tổng thống Mỹ khi không tham gia Hội nghị Thượng đỉnh ở Thụy Sĩ về Ukraine". Mikhail Ulyanov, Đặc phái viên của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, viết trên mạng xã hội X.

Hội nghị ở Thụy Sĩ này không có sự tham gia của Nga và các quan chức Moscow coi đây là một vở kịch chính trị không có cơ hội đưa ra một thỏa thuận để chấm dứt xung đột. Ukraine muốn sử dụng nó để đảm bảo sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế cho tầm nhìn của họ.

 

Sự giận dữ của Tổng thống Zelensky không chỉ dành riêng cho Nhà Trắng. Các nhà ngoại giao và các quan chức ở Kiev cho biết, Tổng thống đã sa thải một số nhân vật cấp cao của Ukraine, những người được coi là thân cận nhất với Washington trong những tuần gần đây.

Các quan chức Mỹ nhấn mạnh những khía cạnh cốt lõi của mối quan hệ vẫn bền chặt, đồng thời chỉ ra sự hợp tác sâu sắc giữa Washington và Kiev trong đó có việc hỗ trợ quân sự. Tổng thống Biden và Tổng thống Zelensky dự kiến sẽ gặp nhau vào tháng tới ở Italy và các quan chức đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận an ninh với Kiev.

Dù vậy, những vết nứt mới vẫn xuất hiện hàng ngày. Vào 29/5, một quan chức Mỹ cho biết Washington đã bày tỏ mối lo ngại với Kiev về những cuộc tấn công của Ukraine, sử dụng các vũ khí của nước này nhắm vào các trạm radar của Nga, nơi cung cấp hệ thống phòng không theo quy ước và cảnh báo sớm về các vụ phóng hạt nhân của phương Tây.

Các quan chức Ukraine và phương Tây cho biết, một số bất đồng xuất phát từ những căng thẳng tự nhiên, nảy sinh trong mối quan hệ đối tác trong hơn 2 năm xung đột khi số người Ukraine thiệt mạng ngày càng gia tăng.

Tổng thống Latvia Edgars Rinkevics nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng: “Chúng tôi nhận thấy người Nga ngày càng quyết đoán hơn". Ông cho rằng việc không đẩy lùi được các lực lượng của Moscow cuối cùng sẽ gây ra bất ổn trên toàn khu vực.

 

Nga "thấy rằng họ có thể tiếp tục. Vì vậy, câu hỏi của tôi là có những lý do nào để tin rằng việc cho phép Ukraine tấn công vào các mục tiêu quân sự hợp pháp là hành động leo thang? Nếu có những lý do chính đáng để lo lắng thì tôi chưa thấy lý lẽ nào".

Giới lãnh đạo Ukraine cho biết, những hạn chế của Mỹ với việc tấn công lãnh thổ Nga đã cho phép Điện Kremlin xây dựng lực lượng mặt đất trong mùa xuân này và tấn công vào thành phố lớn thứ hai của Ukraine khi biết rằng Kiev bị giới hạn khả năng.

Binh lính Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa phóng loạt do Mỹ sản xuất. Ảnh: New York Times

Binh lính Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa phóng loạt do Mỹ sản xuất. Ảnh: New York Times

"Chiến lược của Nga khá dễ hiểu. Họ đang cố gắng giành được càng nhiều lãnh thổ càng tốt để tiêu diệt các lực lượng và tìm ra điểm yếu của chúng tôi", Oleksandr Lytvynenko, một quan chức an ninh cấp cao của Ukraine, đồng thời là thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia nước này, cho biết.

 

Theo ông Lytvynenko: "Mỹ nghĩ rằng họ nên tránh leo thang căng thẳng với Nga bằng cách tạo ra những vùng không rõ ràng nhưng điều đó lại khiêu khích Nga. Moscow cần có những ranh giới rất rõ ràng. Vùng xám chỉ là một lời mời gọi để họ thử các khả năng".

Một số quan chức trong chính quyền tổng thống Biden cho biết việc Ukraine thất vọng sau khi chờ đợi 7 tháng để Quốc hội Mỹ phê duyệt gói hỗ trợ quân sự là điều dễ hiểu. Họ cho rằng, bất kỳ sự trì hoãn nào nữa đều có thể dẫn đến sự sụp đổ tiền tuyến của Ukraine. Kiev vẫn thiếu binh lính, vũ khí và đạn dược nghiêm trọng.

Viện trợ quân sự Mỹ trong năm này có mục đích giúp tăng cường khả năng phòng thủ ở tuyến đầu của Ukraine và giúp nước này giữ các vùng lãnh thổ hiện tại, lý tưởng hơn là làm kiệt sức các lực lượng của Nga khi họ tấn công và tìm cách tiến công qua các bãi mìn cũng như các cạm bẫy khác.

Ukraine đã đạt được thành công nhất định trong việc đẩy lùi hải quân Nga ở Biển Đen và tấn công vào Crimea, làm giảm khả năng của Điện Kremlin trong việc đe dọa đất liền.

Kịch bản tương lai cho Ukraine và phương Tây

"Tôi sẽ không nói với bạn rằng sẽ không bao giờ có xích mích khi chúng tôi vật lộn với những sức ép quan trọng và đầy thách thức từ chiến dịch quân sự của Nga. Chiều sâu và chiều rộng của mối quan hệ đối tác này đủ để chúng tôi có thể giải quyết những bất đồng về chiến thuật và tìm ra con đường tốt nhất để tiến lên với tư cách là các đối tác chiến lược", một quan chức cấp cao Mỹ cho hay khi nhận định về quan hệ với Ukraine.

 

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ dự đoán, vào năm tới, Ukraine sẽ thu hẹp tình trạng thiếu hụt lực lượng bằng cách đào tạo một lứa lính nghĩa vụ mới. Kiev cũng sẽ có các chiến đấu cơ F-16 hiện đại từ phương Tây, dự kiến đến chiến trường vào mùa hè này.

Ngoài ra, theo các quan chức Mỹ, ngành công nghiệp quốc phòng của Nga có thể đã đạt đến đỉnh cao và sẽ chững lại vào thời điểm đó. Tất cả lý do đó có thể cho thấy Ukraine ở vị thế mạnh hơn, có khả năng gia tăng ảnh hưởng để đặt ra những điều khoản hòa bình trong các cuộc đàm phán với Nga nếu Kiev mong muốn điều đó.

Dù vậy, ngay cả ý nghĩ rằng các cuộc đàm phán với Moscow có thể xảy ra cũng cho thấy khoảng cách lớn trong suy nghĩ giữa các quan chức hàng đầu ở Kiev và Washington. Nhiều quan điểm ở Ukraine cho rằng Tổng thống Putin không đáng tin cậy trong việc duy trì bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào bởi ông thường tuyên bố ý định mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ của Ukraine.

Các quan chức Kiev cũng lo ngại về những thiệt hại to lớn và các vụ ném bom của Nga nhằm vào ngành năng lượng nước này. Kiev còn lo ngại sự quan tâm của phương Tây với cuộc xung đột hiện tại sẽ suy yếu. Một số ý kiến thì nhận định, luật mới nhằm giảm độ tuổi nhập ngũ xuống còn 25 sẽ không đủ để giải quyết tình trạng thiếu binh lính nghiêm trọng hiện nay.

"Tôi sẽ không xây dựng chiến lược dựa trên cơ sở rằng chúng tôi sẽ mạnh hơn trong một năm nữa", một quan chức cấp cao Ukraine nói. Một quan chức khác thì nhận định: "Họ (các binh lính – ND) không được đào tạo, không có động lực và không được trang bị".

 

Các quan chức phương Tây nhận định, trong trường hợp xấu nhất, các lực lượng Nga có thể chọc thủng phòng tuyến của Ukraine và chiếm được đáng kể các vùng lãnh thổ, bao gồm cả những đô thị lớn, có khả năng buộc Ukraine phải tìm kiếm hòa bình với những điều khoản không có lợi.

Điều đó cũng đồng nghĩa với những vấn đề tồi tệ hơn đối với Mỹ và châu Âu.

“Ukraine đang bảo vệ phần lớn các nước NATO và EU. Chúng tôi đã trở thành bức tường thành. Chúng tôi không muốn thành vùng xám", Mykola Davydiuk, một nhà phân tích chính trị Ukraine cho hay.

Tuy nhiên, Ukraine nói rằng họ cần thêm các hệ thống phòng không và được phép tấn công các mục tiêu ở Nga.

“Chúng tôi tin vào chính mình, còn các bạn thì không”, một quan chức cấp cao khác của Ukraine nói, ám chỉ Mỹ và nhận định: “Đây là vấn đề lớn nhất hiện nay trong mối quan hệ của chúng ta".

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm