Vai trò của “Ác điểu” RQ-4 Global Hawk trong hoạt động cứu trợ thảm họa
Nga sẽ triển khai máy bay ném bom chiến lược của mình ở Bắc Cực / Trực thăng Thợ săn đêm của Nga sẽ mang theo cả máy bay không người lái cảm tử
Sau trận động đất kinh hoàng ở Haiti vào năm 2010, các tòa nhà sụp đổ khiến rất nhiều người chết trong khi những người khác bị mắc kẹt dưới đống đổ nát kêu gọi sự giúp đỡ. Điều đáng nói là ở thời điểm đó, trận động đất cũng phá hủy mạng lưới liên lạc cần thiết cho các nỗ lực cứu hộ. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, nhiều người đã được cứu sống từ trong đống tro tàn của thảm họa.
Một yếu tố ít được biết đến trong câu chuyện này, đó là một phần của nỗ lực tìm kiếm cứu nạn có sự hỗ trợ đắc lực của các máy bay không người lái của quân đội Mỹ. Các phương tiện bay này được sử dụng để giám sát khu vực bị thiệt hại rộng lớn, nhằm hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ, phác thảo hình ảnh thực địa với độ phân giải cao để qua đó lập kế hoạch ứng phó.
“Ác điểu” – trợ thủ đắc lực trong tìm kiếm cứu nạn
Một bản báo cáo của không quân Mỹ năm 2010 đã mô tả chi tiết cách máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk (Ác điểu) khảo sát ở khu vực sân bay bị hư hại sau động đất để tìm địa điểm hạ cánh an toàn cho máy bay chở hàng cứu trợ.
“Chúng tôi đã có được tầm bao quát khá tốt về toàn bộ đất nước Haiti”, Đại tá Bradley Butz – người ở thời điểm đó là Phó Tư lệnh Cánh Trinh sát và Giám sát Tình báo số 408 cho biết trong bản báo cáo của lực lượng không quân Mỹ.
Là nền tảng của hoạt động thông tin tình báo, giám sát và trinh sát (ISR), những thiết bị bay như RQ-4 Global Hawk hẳn là đã cung cấp kết nối quan trọng ở Haiti bởi chính quyền sở tại đã gặp phải không ít khó khăn khi đưa ra những phản ứng đầu tiên trong bối cảnh mạng thông tin liên lạc bị trục trặc hoặc thậm chí không hoạt động.
Đóng một phần vai trò trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thảm họa, Global Hawk đã giúp cung cấp hình ảnh cho các thành viên của Sư đoàn Dù số 82 của Quân đội Mỹ khi lực lượng này được triển khai đến Haiti để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ thảm họa.
Những đoạn video do Global Hawk ghi lại cũng nhanh chóng giúp lực lượng cứu hộ đánh giá thiệt hại cụ thể ở từng địa điểm, thông qua việc so sánh những hình ảnh sau trận động đất với hình ảnh trước khi thảm họa xảy ra.
Những chiếc máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk của không quân Mỹ cũng đã cất cánh từ đảo Guam vào năm 2011 để giúp khảo sát thiệt hại cũng như thực hiện các nhiệm vụ cứu trợ trong trận động đất và sóng thần ở Tohoku. Một phần của nỗ lực này bao gồm việc giám sát để đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân tại Fukushima của Nhật Bản.
Là hệ thống không người lái, Global Hawk đã cung cấp cho những người chịu trách nhiệm chỉ huy lực lượng ứng phó thảm họa một lựa chọn an toàn, hiệu quả để đánh giá thiệt hại đối với nhà máy điện hạt nhân Dai-ichi trong bối cảnh con người không thể trực tiếp tiếp cận khi sự cố hạt nhân xảy ra ở đây.
Rõ ràng đây là lợi thế vượt trội của các hệ thống không người lái. Đó là thực hiện các nhiệm vụ giám sát quan trọng, tránh không để con người phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn.
Tướng về hưu Gary North, cựu chỉ huy Các lực lượng không quân Mỹ tại Thái Bình Dương (PACAF) đánh giá: “Global Hawk là thiết bị giám sát và trinh sát lý tưởng cho việc hỗ trợ cứu trợ thảm họa. Nó bổ sung trực tiếp cho những nỗ lực đang diễn ra trong khu vực thảm họa và là ví dụ điển hình cho cách thức công nghệ tiên tiến có thể cung cấp sự trợ giúp quan trọng và kịp thời cho con người, cho các nỗ lực tìm kiếm, khắc phục hậu quả thiên tai”.
Tính năng ưu việt của RQ-4 Global Hawk
Trong nhiệm vụ của mình, các máy bay không người lái Global Hawk đã có thể tận dụng khả năng hoạt động bền bỉ để duy trì hoạt động trong thời gain dài, ghi lại các video thời gian thực về mức độ liên quan chính đến các nỗ lực cứu hộ.
Theo thông tin từ Northrop Grumman - nhà phát triển loại máy bay này, khả năng hoạt động bền bỉ của Global Hawk cho phép máy bay không người lái nhanh chóng chuyển từ các nhiệm vụ nhân đạo sang các hoạt động giám sát quân sự nếu cần thiết.
RQ-4 Global Hawk (“Ác điểu”) là máy bay trinh sát không người lái (UAV), có mô hình hoạt động giống Lockheed U-2, do tập đoàn Northrop Grumman thiết kế cho quân đội Mỹ từ năm 1995, và được biết đến dưới mật danh Tier II+. Mỹ đã đổ 1,2 tỷ USD vào dự án này; chi phí sản xuất mỗi chiếc RQ-4 đang có trong trang bị của Hải quân và Không quân Mỹ này cỡ khoảng 35 triệu USD.
RQ-4 có khả năng cung cấp thông tin tình báo tổng quan nhờ sử dụng hệ thống radar khẩu độ tổng hợp phân giải cao (SAR), có thể nhìn xuyên qua những đám mây dày đặc và hoạt động hiệu quả trong tình trạng bão cát, cùng cảm biến quang học/hồng ngoại tầm xa (EO/IR). Nhờ khả năng bay vòng quanh khu vực trong thời gian dài, nó có thể giám sát ít nhất 100.000 km2 địa hình một ngày.
RQ-4 không cần người điều khiển trực tiếp, vẫn có thể lửng lơ trên bầu trời của đối phương hàng ngày trước khi phải trở về căn cứ để tiếp nhiên liệu. Được ứng dụng những thành tựu khoa học-kỹ thuật-công nghệ mới nhất, RQ-4 có thể thu thập, truyền về căn cứ các hình ảnh địa hình, vật thể, trận địa cũng như nghe trộm đường truyền tín hiệu và ghi lại các hoạt động dưới mặt đất theo thời gian thực.
RQ-4 được tích hợp hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và có thể tự động sử dụng kết nối dữ liệu với vệ tinh để hỗ trợ việc truyền tải thông tin. Nó đóng vai trò một hệ thống giám sát tầm cao với mục đích thu thập tin tình báo cũng như hỗ trợ lục quân trong các chiến dịch quân sự toàn cầu, cho phép sử dụng vũ khí chính xác hơn và có thể bảo vệ quân đồng minh trên mặt đất tốt hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo