Vì sao Mỹ sợ tên lửa đẩy Iran mang nhiều vệ tinh?
Tên lửa hành trình mạnh hơn Tomahawk khai hỏa / Việt Nam chế tạo thành công tên lửa S-300, Spyder, tiêm kích Su-30,... "bỏ túi"
Iran đã làm chủ công nghệ sản xuất các phương tiện phóng vệ tinh
Hôm 08/02, giới truyền thông Iran dẫn nguồn tin từ người đứng đầu cơ quan Hàng không-Vũ trụ Iran là ông Mortez Barari cho biết, Tehran đã sở hữu công nghệ sản xuất các phương tiện phóng vệ tinh thế hệ thứ ba.
"Nhờ sự hỗ trợ của Hội đồng Vũ trụ Tối cao Iran, ngày nay chúng ta có thể tạo ra các phương tiện phóng thế hệ thứ ba. Iran đã làm chủ công nghệ chế tạo các phương tiện phóng thế hệ thứ ba có tên là Sarir" - ông Barari nói với hãng tin Fars hôm 07/02.
Ông nói thêm rằng, các nhà nghiên cứu và nhà khoa học Iran đã có những bước tiến lớn trong lĩnh vực vũ trụ và hàng không. Việc chế tạo thành công phương tiện phóng thế hệ thứ 3 cho thấy, nước này đã sẵn sàng phóng những vệ tinh mới lên quỹ đạo trên vũ trụ.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông của Cộng hòa Hồi giáo Iran Mohammad Javad Azari Jahromi nói rằng, Iran đang chuẩn bị phóng vệ tinh Zafar. Dự kiến vệ tinh sẽ được phóng trước hôm 14/02.
Trước đó, ông cũng nói rằng, Iran đã chuẩn bị sáu vệ tinh để phóng lên quỹ đạo và đang nghiên cứu chuẩn bị bệ phóng cho vệ tinh Zafar.
Được biết, trước khi có những bước tiến dài trong công nghệ hàng không,, vũ trụ, Iran đã trải qua nhiều thất bại. Lần gần đây nhất là vào tháng 1 năm 2019, Iran đã không thể đưa một số vệ tinh lên quỹ đạo trong một lần phóng tên lửa đẩy vũ trụ.
Sau đó, nỗ lực này đã bị một số nước phương Tây lên án, cho rằng hành động sử dụng các phương tiện phóng cho các mục đích này của Iran không tuân thủ Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Hoa Kỳ và một số quốc gia khác diễn giải Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc theo cách cấm Iran tất cả cá dạng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và các tên lửa đẩy vũ trụ có khả năng phóng một hay nhiều vệ tinh lên các điểm khác nhau trên quỹ đạo.
Nga lưu ý đến thực tế là từ ngữ chính xác trong Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chỉ chứa một lời kêu gọi thích hợp chứ không phải là lệnh cấm phóng tên lửa mang vệ tinh. Vậy do đâu mà Mỹ và các đồng minh lại lo lắng đến vậy trước những bước tiến của Iran?
Từ trước đến nay, Iran được cho là chỉ sở hữu các công nghệ tên lửa đạn đạo tầm trung (có tầm phóng đến 3500km), chưa có tên lửa tầm xa đến 5000km, chứ đứng nói là các tên lửa có tầm phóng tới Mỹ và dường như những nỗ lực sở hữu ICBM của nước này là không thể do những hạn chế trong Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) hay còn gọi là Thỏa thuận Hạt nhân Iran 2015 (IND 2015). Tuy nhiên, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này vào tháng 5/2018 thì mọi chuyện đã khác.
Tên lửa đẩy đồng nghĩa với ICBM
Về lý thuyết, tên lửa vũ trụ vẫn được xếp vào nhóm tên lửa đạn đạo vì có quỹ đạo bay theo đường đạn.
Theo chuyên gia an ninh vũ trụ John Pike nhận định, sự khác biệt giữa ICBM và tên lửa đẩy vệ tinh không nằm ở thông số kỹ thuật, mà ở thái độ của quốc gia sử dụng chúng. Một quốc gia sở hữu công nghệ từ tên lửa đẩy vũ trụ có thể chuyển đổi nó sang ICBM chỉ trong vòng vài tháng, họ chỉ cần bỏ vệ tinh và thay bằng một hay nhiều đầu đạn.
Một vụ phóng thử tên lửa đẩy của Iran |
Việc chuyển đổi giữa tên lửa đẩy vệ tinh và đầu đạn hạt nhân là điều được cả thế giới biết từ lâu. Trong thời Chiến tranh Lạnh, cả Nga và Mỹ đều phát triển các ICBM có nguồn gốc từ tên lửa đẩy vũ trụ, thậm chí dùng luôn ICBM để phóng vệ tinh, Trung Quốc sau này cũng thực hiện tương tự.
Theo giới chuyên gia, sự lo lắng của Mỹ về chương trình tên lửa đẩy phóng vệ tinh của Iran là có thực, dường như con đường chế tạo ICBM của Iran đang đi theo mô hình của Triều Tiên.
Công nghệ phát triển tên lửa đẩy của Triều Tiên đã trải qua rất nhiều thăng trầm và thất bại giống như Iran. Bình Nhưỡng đã 3 lần thử nghiệm phóng vệ tinh lần lượt vào các thời điểm tháng 8/1998, tháng 4/2009 và tháng 4/2012. Tuy nhiên, các vụ phóng thử này đều không thành công.
Nhưng vào vụ thử nghiệm ngày 12/12/2012, Triều Tiên đã phóng thành công tên lửa đẩy Unha-3 (Ngân hà 3), mang thành công vệ tinh Kwangmyongsong-3 (Quang Minh Tinh 3, tức “Sao sáng” 3) lên quỹ đạo.
Sự thành công của Unha-3 - loại tên lửa đẩy 3 tầng, chiều dài hơn 30m, tầm phóng khoảng 6000-7000km (được cải tiến trên cơ sở tên lửa đạn đạo ba tầng, dài 30m, tầm phóng hơn 5000km là Teapodong-2) đã mở toang cánh cửa chế tạo thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa của nước này, bởi chúng hoàn toàn tương đồng về cấu trúc và cơ chế phóng.
Thành công với tên lửa đẩy Unha-3 đã giúp Triều Tiên làm chủ công nghệ tên lửa liên lục địa |
Sau vụ phóng thành công tiếp theo mang vệ tinh Kwangmyongsong-4 lên quỹ đạo vào tháng 2/2016, Triều Tiên đã chính thức sở hữu công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa và ngay sau đó, nước này đã liên tiếp trình làng các ICBM Hwasong-14 (KN-20) và Hwasong-15.
Sau hai lần tên lửa đẩy Unha-3 phóng thành công vệ tinh lên quỹ đạo, Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ tên lửa liên lục địa và Mỹ sợ rằng Iran cũng sẽ làm được điều tương tự, nếu phát triển thành công công nghệ chế tạo tên lửa đẩy vũ trụ thế hệ thứ ba.
Một nút thắt công nghệ khó khăn khác đối với một ICBM mà Iran cần vượt qua là khả năng làm chủ công nghệ “đa đầu đạn phân hướng, dẫn đường độc lập” (MIRV) để một ICBM có thể mang nhiều đầu đạn tấn công nhiều mục tiêu độc lập ở cách xa nhau từ 70-100km.
Tuy nhiên, điều này cũng không phải là một thách thức quá lớn và nó sẽ được giải quyết ngay trong chương trình không gian của Iran. Nếu Tehran có thể sở hữu công nghệ đưa nhiều vệ tinh lên quỹ đạo độc lập trên không gian, điều đó cũng đồng nghĩa với việc triển khai nhiều đầu đạn tới mục tiêu.
Do đó, ngày mà tên lửa đẩy Iran có thể mang được ít nhất 3 vệ tinh lên quỹ đạo, ngày đó Tehran có thể sẽ làm chủ công nghệ chế tạo một ICBM với đầu đạn dạng MIRV. Đó là điều mà Mỹ không hề mong muốn và quyết ngăn chặn Iran triển khai chương trình không gian của mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo