Quốc tế

Vì sao Triều Tiên bất ngờ tuyên bố thử vũ khí chiến lược mới?

Giới chuyên gia cho rằng việc Triều Tiên bất ngờ công bố thử nghiệm vũ khí chiến lược mới là nhằm gửi thông điệp tới cả Mỹ và Trung Quốc rằng họ có thể đã hết đi sự kiên nhẫn với lệnh trừng phạt mà Liên Hợp Quốc đang áp lên Bình Nhưỡng.

Triều Tiên muốn loại Ngoại trưởng Mỹ khỏi các cuộc đàm phán hạt nhân / Triều Tiên phát hành tem về chuyến thăm Việt Nam của ông Kim Jong-un

Vì sao Triều Tiên bất ngờ tuyên bố thử vũ khí chiến lược mới? - 1

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: KCNA)

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 18/4 đưa tin, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ngày 17/4 đã đích thân thị sát vụ thử vũ khí mới mà Bình Nhưỡng đang phát triển.

“Việc hoàn tất phát triển hệ thống vũ khí này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực chiến đấu của quân đội nhân dân Triều Tiên", ông Kim cho hay.

KCNA không nêu cụ thể vũ khí đó là một tên lửa hay vũ khí nào khác. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng đó có thể là một loại vũ khí tầm ngắn.

Đây là vụ thử nghiệm vũ khí công khai đầu tiên của Triều Tiên kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai tại Hà Nội về giải trừ hạt nhân hồi cuối tháng 2 không đạt được thỏa thuận.

Zhao Tong, một chuyên gia về chính sách hạt nhân tại trung tâm Carnegie-Tsinghua, Trung Quốc cho rằng động thái của Bình Nhưỡng lần này tương tự với khi họ thử nghiệm hệ thống vũ khí chiến thuật hồi tháng 11 năm ngoái khi tiến trình đàm phán với Mỹ có dấu hiệu chững lại.

 

“Thông điệp mà Triều Tiên gửi tới Mỹ rằng họ sẽ không khuất phục chiến lược áp lực tối đa của chính quyền Tổng thống trump và thậm chí có thể khiến căng thẳng leo thang. Đây là cách mà Bình Nhưỡng thúc đẩy nối lại đàm phán và có thể khiến Mỹ nhượng bộ”, ông Zhao nói.

Harry Kazianis, giám đốc bộ phận nghiên cứu Triều Tiên tại trung tâm Lợi ích Quốc gia, Mỹ, cũng có quan điểm tương tự như ông Zhao.

“Điều đáng buồn là Mỹ chỉ còn cách một cuộc khủng hoảng khác với Triều Tiên bằng một vụ thử lên lửa đạn đạo liên lục địa của Bình Nhưỡng. Những vụ thử quy mô nhỏ chỉ đưa chúng ta tới khoảnh khắc đó gần hơn”, ông Kazianis nói.

Ngoài ra, thời điểm tiến hành bài thử nghiệm cũng là 1 điểm lưu ý khi Bắc Kinh đang chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh "Vành đai, con đường" lần 2 và Nga đang chuẩn bị đón tiếp ông Kim sang gặp thượng đỉnh Tổng thống Vladimir Putin lần đầu tiên vào cuối tháng 4.

Một nguồn tin ngoại giao Hàn Quốc với với SCMP rằng ông Kim có thể sẽ tới thăm Nga trước khi hội nghị ở Trung Quốc diễn ra và có thể đề nghị Moscow hỗ trợ về tài chính.

 

Theo ông Zhao, sau khi bày tỏ sự ủng hộ với việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Triều Tiên, Bắc Kinh và Moscow có thể sẽ không quá gay gắt với việc Bình Nhưỡng thử vũ khí mới nhất.

Ông Boo Seung-chan, giáo sư tại viện Yonsei (Hàn Quốc), nói rằng Bình Nhưỡng đã chọn thử tên lửa chiến thuật thay vì tên lửa chiến lược. Điểm khác biệt giữa 2 vũ khí này là tên lửa chiến thuật thường mang đầu đạn thường còn tên chiến thuật được thiết kế với mục đích hủy diệt hàng loạt.

Thêm vào đó, vũ khí Triều Tiên thử nghiệm hôm qua dường như có tầm ngắn nên không thể xếp vào vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Vì vậy, ông Boo cho rằng vụ thử nghiệm của Triều Tiên dường như là để xoa dịu cho các quan chức quân sự Bình Nhưỡng, những người có thể phàn nàn rằng họ đã ở bên lề quá lâu trong quá trình đàm phán suốt 1 năm qua.

Với việc chọn thử vũ khí này, Triều Tiên được cho là vừa muốn gửi thông điệp tới Mỹ nhưng không muốn tình hình leo thang tới mức quá căng thẳng và có thể làm mất đi sự ủng hộ từ phía Nga và Trung Quốc trong thời điểm “nhạy cảm” hiện tại, theo SCMP.

 

Theo ông Sean King, cựu quan chức chính phủ Mỹ, phó chủ tịch công ty chiến lược chính trị Park Strategies, Mỹ nói rằng ông Kim dường như muốn gửi thông điệp tới thế giới rằng Triều Tiên vẫn có thể “mạnh tay” thử nghiệm vũ khí mạnh hơn trong tương lai.

Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm