Quốc tế

Vì sao trực thăng săn ngầm tối tân AW159 Wildcat lỡ hẹn với Hải quân Việt Nam?

DNVN - Trong quá khứ, đã có những thời điểm tưởng như trực thăng săn ngầm tối tân AW159 Wildcat chuẩn bị vào biên chế Không quân Hải quân Việt Nam đến nơi.

Tên lửa đạn đạo Hỏa tinh 6 của Triều Tiên mạnh đến mức nào? / Nguồn gốc bất ngờ của chiếc tiêm kích có khả năng thao diễn tốt nhất nước Nga

Tạp chí quốc phòng IHS Jane's ngày 20/5/2015 đưa tin, Công ty AgustaWestland đang tiến hành đàm phán sơ bộ về việc cung cấp trực thăng cho Hải quân Việt Nam, trong đó có mẫu AW159.

AW159 Wildcat (phiên bản cải tiến từ nguyên mẫu Westland Super Lynx 300) do liên doanh AgustaWestland giữa Anh và Ý chế tạo được đánh giá là một trong những loại trực thăng săn ngầm tốt nhất thế giới hiện nay.

Thay đổi đáng chú ý nhất của AW159 nằm ở cánh quạt 4 lá bằng vật liệu composite, cửa buồng lái được thiết kế rộng hơn để dễ di chuyển. Phần mũi máy bay cũng lớn hơn để lắp vừa các thiết bị quang tuyến, thân sau có nhiều không gian dành cho hệ thống tác chiến điện tử.

AW159 Wildcat được trang bị sonar tiên tiến, radar Seaspray 7000, hệ thống gây nhiễu, hệ thống thông tin liên lạc. Trực thăng này có thể tự động tìm kiếm cũng như giám sát mục tiêu trên hoặc dưới mặt biển.

Vũ khí trang bị cho AW159 Wildcat rất đa dạng, bao gồm ngư lôi Sting Ray (hoặc các loại ngư lôi của Mỹ và châu Âu), bom chìm, rocket, tên lửa không đối đất, tên lửa chống tăng. Ngoài ra, nó còn mang được cả tên lửa chống hạm thế hệ mới FASGW, đủ sức tiêu diệt tàu hộ tống, tàu cao tốc hoặc các mục tiêu cỡ nhỏ khác trên biển.

Trực thăng AgustaWestland AW159 Wildcat. Ảnh: Airlines.net

Trực thăng AgustaWestland AW159 Wildcat. Ảnh: Airlines.net

Thông tin trên gây chú ý đặc biệt bởi vì trước đó không lâu, Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đã công bố báo cáo tình hình mua sắm quốc phòng trên thế giới, trong đó có thương vụ Việt Nam đặt mua hai khinh hạm SIGMA 9814 từ Hà Lan.

SIGMA là một chiến hạm được phương Tây sản xuất, các phương tiện tác chiến điện tử cũng như vũ khí, khí tài trên tàu đều tuân theo tiêu chuẩn châu Âu, nên nếu như chúng ta trang bị trực thăng săn ngầm Ka-28 của Nga cho tàu sẽ không được hợp lý lắm.

Do vậy, có rất nhiều nhận định cho rằng AW159 sẽ được Hải quân Việt Nam lựa chọn để phối hợp tác chiến chống ngầm cùng SIGMA 9814, do lớp chiến hạm này có nhà chứa máy bay, đủ khả năng mang trực thăng trong những chuyến hải trình dài.

Sự kết hợp giữa hai phương tiện chiến tranh tối tân trên sẽ giúp Việt Nam có được lợi thế không nhỏ, bởi vì đây là những khí tài còn rất lạ lẫm với khu vực, giúp đảm bảo ưu thế bí mật và bất ngờ.

 

Mô hình khinh hạm SIGMA 9814 được Tập đoàn đóng tàu Damen của Hà Lan giới thiệu tại Triển lãm Vietship 2014. Ảnh: Tiền Phong.

Mô hình khinh hạm SIGMA 9814 được Tập đoàn đóng tàu Damen của Hà Lan giới thiệu tại Triển lãm Vietship 2014. Ảnh: Tiền Phong.

Tuy nhiên theo những diễn biến mới nhất, việc chính thức ký kết hợp đồng đóng hai chiếc SIGMA 9814 giữa Hải quân Việt Nam và Tập đoàn Damen của Hà Lan đang trong trạng thái "treo" do còn tồn tại một vài vướng mắc cần giải quyết.

Trong tương lai gần, khả năng lớn nhất là Việt Nam sẽ đặt đóng thêm hai khinh hạm Gepard 3.9 với cấu hình vũ khí mạnh hơn, hoặc có thể mua sắm thêm lớp Steregushchy Dự án 20382. Khi đó, trực thăng săn ngầm đi kèm theo tàu chắc chắn vẫn là Ka-28.

 

Với những lý do trên, có thể khẳng định rằng cơ hội xuất hiện tại Việt Nam của AW159 Wildcat sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào việc hợp đồng đóng tàu SIGMA 9814 có được triển khai hay không. Nếu thương vụ trên bị hủy bỏ thì sẽ là rất đáng tiếc cho chiếc trực thăng săn ngầm tối tân nhất thế giới này.

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm