Xe tăng hai nòng không tháp pháo siêu kỳ lạ của Đức
Đòn hiểm của Mỹ khiến trực thăng tối tân nhất Trung Quốc phải nằm đất hơn 10 năm / Cải tiến không tưởng được Trung Quốc thực hiện trên tàu ngầm Kilo 877EKM mua từ Nga
Versuchsträger 1 (Xe thử nghiệm số 1 - viết tắt là VT 1) được công ty Maschinenbau Kiel (MAK) của Đức phát triển vào thập niên 1970 như một mẫu xe tăng mới chứ không phải pháo chống tăng tự hành.
Trong quá trình làm việc, các kỹ sư của MAK cho rằng trong tương lai, các xe tăng với thiết kế tháp pháo xoay thông thường sẽ không cung cấp đủ hỏa lực cần thiết.
Chịu ảnh hưởng từ nguyên mẫu xe tăng không tháp pháo Strv 103 của Thụy Điển với nhiều ưu điểm vượt trội về sức mạnh và khả năng sống sót trên chiến trường, họ đã đưa ra ý tưởng về một mẫu xe tăng không tháp pháo lạ mắt.
Các nhà thiết kế lựa chọn chiếc MBT-70 hợp tác với Mỹ làm khung gầm phát triển cho loại xe tăng mới với hệ thống treo sửa đổi, số bánh chịu nặng mỗi bên rút từ 6 xuống 5.
Xe tăng VT 1 được lắp đặt động cơ diesel MB803 Ra-500 với bốn bộ tăng áp, công suất 1.500 mã lực (có thể tăng lên tới 2.400 mã lực trong thời gian ngắn). Với trọng lượng khoảng 40 tấn, tỷ lệ lực đẩy/trọng lượng tương đương lần lượt là 34,5 mã lực/tấn và 55 mã lực/tấn. Đây là con số "khủng khiếp" mà các xe tăng hiện đại ngày nay vẫn phải mơ ước.
Nguyên mẫu thử nghiệm của xe tăng VT 1. Ảnh: Military Today.
Năm 1974, mẫu thử nghiệm đầu tiên của VT 1 đã hoàn thành. Phiên bản này có tên định danh là VT 1-1, vũ trang bằng 2 pháo nòng xoắn 105 mm L7, bắn được tất cả các loại đạn chuẩn NATO. Ban đầu pháo nạp đạn bằng tay nhưng sau đó hệ thống nạp đạn tự động đã được lắp đặt.
Ở phiên bản tiếp theo VT 1-2 chế tạo vào năm 1975, pháo nòng trơn 120 mm của Rheinmetall đã thay thế cho pháo nòng xoắn L7 105 mm giúp nâng cao đáng kể sức mạnh hỏa lực.
Điều đáng nói là do những khó khăn trong việc chế tạo hệ thống nạp đạn tự động phù hợp với thiết kế của xe, VT 1-2 chỉ có một khẩu pháo được nạp đạn tự động, khẩu còn lại phải nạp bằng tay.Cả hai khẩu pháo chỉ có khả năng nâng hạ lên xuống theo chiều dọc, chúng được trang bị kính ngắm PERI R12 của Zeiss cho trưởng xe và pháo thủ.
Trong thử nghiệm, xe tăng VT1 có thể bắn trúng mục tiêu cỡ 2,3 x 2,3 m từ khoảng cách 1 km với xác suất trúng đích lên tới 90%. Thời kỳ thập niên 1970 thì đây rõ ràng là con số khá ấn tượng, nhờ thiết kế 2 nòng độc đáo, VT-1 sở hữu tốc độ tác xạ đáng sợ với bất kỳ kẻ thù nào.
Một chiếc VT 1 được trưng bày trong bảo tàng tại Đức. Ảnh: Military Today.
Dự án VT 1 trong quá trình phát triển vấp phải cạnh tranh quyết liệt từ Leopard 2, thêm vào đó là nhược điểm cố hữu không thể khắc phục của các dòng xe tăng không tháp pháo về tính linh hoạt cũng như khả năng xoay trở.
Bởi vậy, cho dù sở hữu nhiều đặc điểm ấn tượng nhưng quân đội Tây Đức đã quyết định quay về giải pháp truyền thống là Leopard 2.
Tổng cộng đã có 7 nguyên mẫu xe tăng loại này được chế tạo bao gồm 1 chiếc VT 1-1, 1 chiếc VT 1-2 và 5 chiếc GTV (xe thử nghiệm trang bị pháo giả). Hiện tại những nguyên mẫu thử nghiệm của xe tăng VT 1 vẫn có thể nhìn thấy trong tình trạng kỹ thuật khá tốt tại các bảo tàng tăng thiết giáp trên lãnh thổ Đức.
End of content
Không có tin nào tiếp theo