Tàu tên lửa đệm khí hai thân độc nhất vô nhị của Hải quân Nga
Việt Nam tích hợp thành công tên lửa Liên Xô cho tiêm kích Trung Quốc / Đòn hiểm của Mỹ khiến trực thăng tối tân nhất Trung Quốc phải nằm đất hơn 10 năm
Tàu tên lửa tấn công nhanh chạy trên đệm khí lớp Bora chỉ gồm vỏn vẹn 2 chiếc là Bora số hiệu 615 (tên cũ Sivuch) và Samum số hiệu 616, chúng đang phục vụ trong thành phần Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga.
Chiếc Bora mặc dù hạ thủy suốt từ năm 1988 nhưng phải tới năm 1997 nó mới chính thức hoàn thiện, trong khi đó chị em của nó là tàu Samum hạ thủy năm 1995 và vào biên chế năm 2000.
Tàu tên lửa Bora số hiệu 615 của Hải quân Nga. Ảnh: Sputnik.
Tàu tên lửa lớp Bora có thiết kế 2 thân độc đáo, nhiệm vụ của nó khá đa dạng từ tuần tra bảo vệ bờ biển đến tiêu diệt tất cả các loại tàu mặt nước của đối phương một cách độc lập, hay như một kỳ hạm của biên đội tàu hải quân.
Tàu được trang bị hệ thống điện tử khá mạnh gồm có radar trinh sát trên không và mặt biển Pozitiv-ME1, radar nhận dạng mục tiêu Monolit-K/Monument-E, radar kiểm soát hỏa lực 5P-10E Puma.
Các thiết bị tác chiến điện tử chủ động và thụ động được tích hợp giúp tàu có khả năng tự bảo vệ hiệu quả trước các tên lửa đối hạm cũng như nhiều loại vũ khí khác của quân địch.
Về vũ khí trang bị, cấu hình gốc phục vụ trong Hải quân Nga gồm 8 tên lửa chống hạm siêu âm 3M-80 Moskit có tầm bắn 120 km, vận tốc Mach 3, phiên bản xuất khẩu có thể mang 16 tên lửa 3M-24 Uran-E hoặc 12 đạn 3M-55 Yakhont.
Hỏa lực phòng không của tàu gồm 2 pháo bắn nhanh AK-630M cỡ 30 mm cùng 1 tổ hợp tên lửa tầm ngắm Osa-MA với 20 đạn, đi kèm 16 tên lửa phòng không vác vai Igla-1M, pháo hạm của tàu là AK-176M cỡ 76,2 mm.
Tàu tên lửa Samum số hiệu 616 của Hải quân Nga. Ảnh: TASS.
Thông số cơ bản của tàu tên lửa lớp Bora gồm có chiều dài 64 m; chiều rộng 18 m; mớn nước 3 m; lượng giãn nước đầy tải 1.030 tấn; thủy thủ đoàn 68 người.
Tàu sử dụng hệ thống động lực kết hợp giữa động cơ diesel và turbine khí, cho tốc độ tối đa 55 hải lý/h; tầm hoạt động 2.500 hải lý khi chạy ở tốc độ 12 hải lý/h, hoặc chỉ 800 hải lý khi chạy ở vận tốc lớn nhất trên đệm khí.
Trong Hải quân Nga, vai trò của tàu đệm khí tên lửa lớp Bora tương đối giống với lớp Molniya hay Nanuchka đời cũ tuy rằng lượng giãn nước của nó lớn hơn nhiều.
Mặc dù sở hữu tốc độ rất cao, vũ khí uy lực nhưng Bora cũng có một số nhược điểm như kết cấu 2 thân có khả năng chịu sóng gió không tốt, vận hành phức tạp và giá thành rất cao lên tới 200 triệu USD/chiếc.
Có lẽ cũng đã nhận thấy những nhược điểm trên mà Hải quân Nga không có ý định chế tạo thêm chiếc Bora thứ ba, đồng thời cũng chưa có khách hàng quốc tế nào tỏ ý quan tâm tới nó.
End of content
Không có tin nào tiếp theo