Quốc tế

Gepard 3.9 nâng cấp có thể mang tới... 24 tên lửa diệt hạm

DNVN - Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk của Nga gần đây đã cho giới thiệu mô hình phiên bản nâng cấp cực mạnh của tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9E. - Dự án 11661.

Kinh ngạc dàn hỏa lực cực mạnh trên đoàn tàu bọc thép của Quân đội Nam Tư / Giải mật vụ tàu tên lửa tấn công nhanh tối tân nhất của Gruzia bị đặc nhiệm Nga phá hủy

Hiện nay trên tất cả các tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 - Dự án 11661 của cả Hải quân Nga lẫn Hải quân nhân dân Việt Nam chỉ được trang bị 8 tên lửa hành trình chống hạm 3M-24 Uran-E hoặc 3M-54 Kalibr-NK.

Tuy nhiên cơ số đạn tên lửa chống hạm của tàu Gepard 3.9 có thể sẽ tăng vọt trong tương lai, nếu như mô hình phiên bản nâng cấp được Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk giới thiệu trở thành hiện thực.

Phiên bản nâng cấp của Gepard 3.9 được tích hợp cụm bệ phóng đa năng UKSK với 8 ống phóng tương tự như nhiều tàu mặt nước hiện nay của Nga, tương thích với tên lửa hành trình chống hạm siêu âm 3M-54 Kalibr.

Bệ phóng UKSK có thể triển khai các tên lửa hành trình chống hạm siêu âm thuộc họ Kalibr (bao gồm cả biến thể đánh đất 3M-14T) cũng như tên lửa P-800 Oniks/Yakhont.

Mô hình tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9E - Dự án 11661. Ảnh: Sputnik.

Mô hình tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9E - Dự án 11661. Ảnh: Sputnik.

Điểm nhấn thứ hai trên biến thể Gepard 3.9 nâng cấp đó là thân tàu được kéo dài để lấy không gian cho cụm 16 ống phóng thẳng đứng của tên lửa phòng không 9M317ME thuộc tổ hợp Shtil-1.

Điểm cần đặc biệt lưu ý về tên lửa 9M317ME có tầm bắn 50 km đó là ngoài chức năng chính yếu, nó còn đổi được sang kênh đối hạm để bắn cả tàu chiến mặt nước khi cần thiết.

Ở chế độ hải đối hải, tên lửa 9M317ME có phạm vi hoạt động trong khoảng 3,5 - 25 km, tính năng này chính là sự chuyển đổi từ bắn mục tiêu hàng không bay sát mặt biển.

Tuy rằng không có khả năng bay bám biển như tên lửa đối hạm thực thụ, nhưng nhờ vào tốc độ rất lớn lên tới Mach 4,5 mà hệ thống phòng không đối phương sẽ cực kỳ khó khăn để đánh chặn nó.

 

Đầu đạn của 9M317ME có trọng lượng chỉ 62 kg và lại chứa nhiều mảnh văng bên trong, uy lực mặc dù không thể so sánh với đầu đạn nặng cả trăm kg của các loại tên lửa chống hạm đích thực nhưng cũng cực kỳ nguy hiểm.

Với độ cao tiếp cận mục tiêu ở giai đoạn công kích, tên lửa 9M317ME sẽ lao thẳng vào tháp chỉ huy, lúc này đầu nổ và mảnh văng của nó sẽ tạo ra sức sát thương rất lớn với kíp điều khiển.

Chưa dừng lại đó, dưới tác động của vụ nổ thì toàn bộ thiết bị điện tử, radar trên tàu sẽ bị vô hiệu hóa, chiến hạm lúc này sẽ chẳng khác gì một chiếc bia nổi.

Tính năng kỹ chiến thuật của tên lửa đánh chặn 9M317ME thuộc tổ hợp phòng không Shtil-1. Ảnh: Naval Today.

Tính năng kỹ chiến thuật của tên lửa đánh chặn 9M317ME thuộc tổ hợp phòng không Shtil-1. Ảnh: Naval Today.

 

Việc sử dụng tên lửa phòng không để chống hạm cũng đã có tiền lệ trên thế giới, khi vào năm 1988, các tàu chiến Mỹ đã phóng tên lửa RIM-66/67 Standard và bắn hỏng một tàu tên lửa tấn công nhanh của Iran.

Ngày nay, các loại tên lửa phòng không hiện đại cũng đều có kênh chống mục tiêu mặt nước để đảm nhiệm vai trò hỗ trợ cho tên lửa chống tàu đích thực.Hải quân Nga cũng đã không ít lần tiến hành diễn tập diệt mục tiêu mặt nước bằng tên lửa phòng không 9M96 thuộc tổ hợp Redut và thu về kết quả tốt.

Do vậy với cấu hình mới của tàu Gepard 3.9, có thể tạm coi là nó sẽ được trạng bị tới 24 tên lửa chống hạm (bao gồm 8 quả 3M-54E cùng 16 quả 9M317ME).

Tên lửa phòng không khi bắn mục tiêu mặt nước thì đối tượng của nó chủ yếu là xuồng tên lửa tấn công nhanh có lượng giãn nước nhỏ, đây còn là động thái nhằm tiết kiệm chi phí vì tên lửa chống hạm thường có giá thành đắt hơn đến vài lần.

 

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm