Xung đột Nga-Ukraine bộc lộ điểm yếu chí mạng của trực thăng quân sự
Kiểm soát súng nghiêm ngặt, tại sao xả súng vẫn xảy ra tại Nhật Bản? / Cuba nghiên cứu chế phẩm giúp giảm di chứng COVID-19
Cuộc xung đột kéo dài gần 4 tháng qua đã khiến cả Nga và Ukraine chịu tổn thất to lớn về binh lực và vật lực. Những thiệt hại mà máy bay không người lái và các loại vũ khí di động hạng nhẹ gây ra trên chiến trường đang làm dấy lên cuộc tranh luận về mặt hạn chế và tính dễ bị tổn thương của các khí tài quân sự hạng nặng, trong đó có cả trực thăng – một phần không thế thiếu trong kế hoạch chiến đấu và di chuyển của quân đội 2 nước.
Mối đe dọa đối với máy bay trực thăng trên chiến trường
Trong bài bình luận đăng tải trên tạp chí Aviation Week, nhà phân tích hàng không và quốc phòng Sash Tusa nhận định, những tiến bộ công nghệ của cảm biến và vũ khí phòng không trên chiến trường Ukraine đã khiến hoạt động của máy bay trực thăng trở nên kém hiệu quả hơn.
Trong những giờ đầu của cuộc tấn công, Lực lượngđặc nhiệm thuộc Binh chủng Đổ bộ đường không (VDV) Nga cố gắng đánh chiếm căn cứ không quân Hostomel gần Kiev bằng các cuộc không kích. Hàng chục trực thăng vận tải Mi-8, được trực thăng tấn công Ka-52 Alligator hộ tống đã đưa một lực lượng lính dù đến sân bay Ukraine. Nhưng kế hoạch này không thành công vì quân đội Nga không thể tăng viện cho các đơn vị không quân của nước này do sự phản công mạnh mẽ từ phía Ukraine. Theo nhà phân tích Sash Tusa, đạn pháo và tên lửa phòng không vác vai của Ukraine đã ngăn cản trực thăng Nga, gây khó khăn cho nỗ lực tiếp viện của Moscow tại Hostomel. Ukraine cũng bị mất một số lượng lớn máy bay trực thăng do các cuộc tấn công bằng pháo binh của Nga trong thời gian qua.
Không phận Ukraine đầy rẫy những mối đe dọa đối với máy bay cánh cố định và máy bay trực thăng. Các hệ thống vũ khí phòng không tầm xa và tầm trung, chẳng hạn như S-200, S-300 và S-400, đang gây ra mối đe dọa lớn cho các chuyến bay tầm cao. Trong khi đó, những hệ thống phòng không cơ động dưới mặt đất khiến phi hành đoàn khó hoạt động ở độ cao dưới 3.000m. Lực lượng Ukraine thậm chí từng sử dụng tên lửa chống tăng để bắn hạ các máy bay trực thăng bay ở tầm thấp của Nga.
Có nhiều yếu tố khiến cả Nga lẫn Ukraine bị tổnthất nặng nề về máy bay trực thăng. Trước tiên, hầu hết hoạt động của trực thăng trên chiến trường Ukraine đều được thực hiện vào ban ngày, vì thế nguy cơ rủi ro sẽ cao hơn. Thứ 2, các bên đang thiếu những biện pháp hiệu quả để giúp trực thăng của họ chống lại các mối đe dọa tiềm ẩn. Không phải trực thăng nào tham chiến cũng được trang bị các thiết bị tác chiến điện tử, gây nhiễu để phòng vệ trước hỏa lực chính xác cao của đối phương, ông Greg Coker, cựu phi công lái máy bay AH-6 Little Bird kỳ cựu của Mỹ, đã có 30 năm phục vụ trong quân đội Mỹ đánh giá.
Trực thăng tấn công được thiết kế để hỗ trợ quân đội và xe tăng trên chiến trường. Dù được trang bị vũ khí mạnh mẽ, nhưng chúng cũng rất dễ bị tổn thương. Sash Tusa, nhà phân tích hàng không và quốc phòng của công ty Agency Partners có trụ sở tại Anh cho biết: “Kể từ những ngày đầu của cuộc chiến, hệ thống phòng không của cả hai bên đã có tác dụng răn đe rõ ràng đối với các hoạt động của trực thăng”.
Chiến trường Ukraine: “Phòng thí nghiệm” UAV hiện đại của Mỹ?
VOV.VN - Reuters đưa tin, chính phủ Mỹ đang xem xét bán cho Ukraine 4 máy bay không người lái MQ-1C Grey Eagle có khả năng phóng tên lửa Hellfire để đối phó với các lực lượng Nga trong cuộc chiến tại khu vực Donbass.
Chiến lược kết hợp nhiều loại vũ khí
Theo Sash Tusa, tương lai của máy bay trực thăng với vai trò là vũ khí tấn công đang đang bị đặt dấu hỏi vì nhiều nhiệm vụ của chúng có thể được những máy bay không người lái rẻ hơn nhiều thực hiện. Nhưng nhà nghiên cứu Joseph Henrotin tại Viện Comparative Strategy có trụ sở tại Paris lại không đồng tình với quan điểm này, ông cho rằng, mặc dù máy bay không người lái có thể đảm nhận một số nhiệm vụ của máy bay trực thăng, chẳng hạn như trinh sát, do thám song chúng không thể thay thế hoàn toàn vì thiếu hỏa lực của trực thăng tấn công.
Chẳng hạn, máy bay không người lái Bayraktar mà lực lượng Ukraine sử dụng có thể mang 4 tên lửa, trong khi trực thăng Ka-52 của Nga có khả năng 12 tên lửa, được ví như "pháo hạm của bầu trời".
Ông Patrick Brethous – cựu chỉ huy phi đội trực thăng của lực lượng đặc nhiệm Pháp nhận định, trước khi dự đoán tương lai của trực thăng tấn công cần phải xem cách thức người Nga và người Ukraine sử dụng chúng.
“Chúng tôi đang chứng kiến nhiều máy bay trực thăng, bay cách mặt đất gần 100m bị bắn hạ tại Ukraine mỗi ngày. Việc sử dụng trực thăng rất nguy hiểm”, ông Patrick Brethous cho biết. Theo nhà phân tích này, trực thăng phù hợp hơn với các hoạt động ban đêm hơn và chúng cần bay gần mặt đất hơn để tránh tên lửa của đối phương.
Trong trường hợp hạn chế về khả năng bay đêm, các phi công Nga và Ukraine có thể áp dụng một số chiến thuật, kỹ thuật để gia tăng khả năng sống sót, cựu phi công Coker lưu ý. “Họ nên tận dụng địa hình, hoặc bay đến một độ cao cho phép trực thăng nằm ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không, khoảng 1.524m và phải phối hợp với lực lượng mặt đất để nhận sự giúp đỡ”.
Joseph Henrotin, nhà nghiên cứu tại Viện Comparative Strategy có trụ sở tại Paris lưu ý, cuộc xung đột là lời nhắc nhở cho các bên tham chiến về nguyên tắc cơ bản, đó là khi sử dụng trực thăng cần phải kết hợp với các lực lượng quân sự khác. Các chuyên gia quân sự coi đây là chiến lược kết hợp vũ khí, theo đó, máy bay, xe bọc thép, pháo binh và bộ binh sẽ phối hợp với nhau để bảo vệ lẫn nhau chống lại hỏa lực của đối phương./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo