Rải tiền lẻ ở chùa là phản văn hóa
Các đình chùa sau Tết ngập trong tiền lẻ người đi lễ rải cúng. Theo các chuyên gia về văn hóa, tâm linh, hành động này rất phản văn hóa.
Đứng trước cổng chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội), chị Hằng ở huyện Từ Liêm đổi hai xấp tiền lẻ với mệnh giá 500 đồng và 1.000 đồng. Năm nào cũng vậy, từ mùng 1 Tết đến hết rằm tháng giêng, gia đình chị luân phiên vào chùa thắp hương và thể hiện lòng thành bằng việc rải tiền lẻ vào các ban thờ, hòm công đức.
“Đi lễ đầu năm dùng tiền lẻ sẽ rải được nhiều chỗ, từ đó có thêm nhiều may mắn, vạn sự tốt lành. Nếu rải số tiền lớn thì nhiều người sinh lòng tham lại nhặt mất, coi như mình mất lộc”, chị Hằng giải thích.
Sửa soạn một lễ với những xôi, oản, chuối kèm một xấp tiền lẻ, chị Tươi (Cầu Giấy, Hà Nội) chắp tay thành khẩn trước ban thờ chính trong chùa Hà. Xong việc lễ bái, đợi cháy hết 3 tuần hương, chị nhanh nhẹn thu lễ. Riêng xấp tiền lẻ được chia đều, đặt khắp các ban thờ, hòm công đức và cả những chiếc đĩa để vu vơ cạnh một vị thần nào đó.
Chị Tươi mỉm cười cho rằng: “Lễ vật dâng lên cúng Phật để mong được cho lộc mang về, riêng tiền thì phải rải thì mới hiệu nghiệm, mọi đen đủi, xui xẻo trong năm sẽ được xua bỏ”.
Người phụ nữ này giải thích, rải tiền nơi cửa Phật là phong tục được đúc kết qua bao thế hệ ông cha. Từ thủa nào người ta đã biết dùng tiền ném vào miệng giếng ở chùa Hương, chùa Tiên xin nước; xoa tiền, nhét tiền vào bầu sữa mẹ để xin năm mới được tốt lành… "Làm vậy sẽ cầu được ước thấy”, chị Tươi hào hứng nói. Đoạn, chị đưa thêm một xấp tiền lẻ cho con gái 9 tuổi đi rải khắp các ban.
Giống như hai người phụ nữ trên, đa số người dân đến lễ chùa đều mang theo tiền lẻ để rải. Một số ít người thả vào hòm công đức, số còn lại rải tiền khắp mọi nơi trong chùa, nhét tiền vào bất cứ chỗ nào trên tượng Phật.
Ông Vương Duy Bảo, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, việc rải tiền của người dân ở các đền chùa, miếu mạo hiện nay hoàn toàn không nên, vì “đây là hành động phỉ báng Phật, thánh thần, làm bẩn cửa Phật. Những điều đó làm sao thánh thần chứng giám cho?”.
“Đến chùa, mỗi người chỉ cần nhất vái là đủ. Lễ vật thể hiện thành tâm, chỉ một nải chuối xanh, một ngọn nến thắp, một cành hoa, nén hương là đủ”, ông Bảo nói và nhấn mạnh việc đi lễ chùa quan trọng nhất là cái tâm mỗi người.
Nhà quản lý văn hóa cũng cho rằng, đồng tiền thể hiện gương mặt của một quốc gia nên mỗi người đều phải có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ. Đằng này, người dân đua nhau đổi tiền lẻ, rải khắp chùa chiền nhìn chẳng khác gì "rác thải"; đi lễ thì chen chúc, dẫm đạp lên tiền.
"Người dân thiếu ý thức bảo vệ quốc gia dân tộc, không hiểu giáo lý của nhà chùa và chịu sự tác động của cơ chế thị trường. Họ muốn dùng đồng tiền làm cầu nối đến Phật, thánh thần để có thêm tiền bạc, vinh hoa, quyền lợi cá nhân hơn người. Đây là những sự cầu mong không trong sáng, không phù hợp đạo lý của người Việt", ông Bảo nhấn mạnh.
Vị Phó cục trưởng cũng cho rằng xảy ra tình trạng này là do các cấp chính quyền chưa nghiêm chỉnh chấp hành quy định của Nhà nước, thậm chí còn dung túng cho việc làm đó. Ông khuyên: “Nếu mọi người có tâm thì hãy dùng tiền để ghi công đức nhằm sửa sang lại chùa đẹp hơn, thêm tiền nhang đèn thắp cho chùa sáng hơn mỗi ngày”.
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, cũng cho rằng rải tiền lẻ vô tội vạ ở đình chùa là một hành động kém văn hóa, làm mất mỹ quan.
“Rải một đống tiền lẻ nơi cửa Phật với mong ước thu lại một đống tiền khác lớn hơn là điều không bao giờ có. Mục đích đi cúng bái trở thành vụ lợi. Chốn linh thiêng thì điều cần nhất là tấm lòng thành", tiến sĩ Khanh giải thích.
Theo ông, hành động rải tiền lẻ nơi chùa chiền cầu Phật cũng giống như người đánh lô đề. Họ đổi tiền to ra tiền lẻ để rải được nhiều rồi đòi thu lại số tiền lớn gấp 5, gấp 10 lần. Ông Khanh cho rằng đây là quan niệm vô lối.
Theo VnExpress
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo