Khám phá

Robot thăm dò lần đầu tiên đáp xuống sao chổi

Robot thăm dò Philae của châu Âu hôm qua ghi dấu trong lịch sử khi đáp xuống bề mặt của một sao chổi.

 Hình ảnh đầu tiên khi robot hạ cánh. Ảnh: AP

Robot thăm dò của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) hạ cánh xuống bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko vào khoảng 16h05 giờ GMT, (tức 23h05 giờ Hà Nội).

Robot Philae nặng 100 kg, gần như phi trọng lượng trên bề mặt sao chổi. Nó hạ cánh ở vị trí cách Trái Đất khoảng 500 triệu km, 7 giờ sau khi tách khỏi tàu vũ trụ Rosetta.

"Thật táo bạo, thật phấn khích, không thể tin được robot thăm dò hạ cánh xuống sao chổi", Jim Green, Giám đốc NASA về Khoa học Hành tinh, thốt lên.

Trong quá trình rơi tự do xuống bề mặt sao chổi, thiết bị giúp robot neo đậu không hoạt động. Các nhà điều hành đang xem xét khả năng robot bị đẩy trở lại không gian. "Robot có thể bị đẩy trở lại. Có thể chúng tôi không hạ cánh một lần mà là hai. Hy vọng chúng tôi đang ở trên bề mặt sao chổi và tiếp tục công tác thăm dò", Stefan Ulamec, người phụ trách robot tại Trung tâm Không gian vũ trụ Đức DLR, nói với phóng viên.

Nếu neo đậu thành công, hoạt động này có thể mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu và tìm hiểu về các vật liệu, bao gồm hợp chất của cacbon và nước đã tồn tại trong quá trình hình thành hệ Mặt Trời 4,6 tỷ năm trước.

Tàu vũ trụ Rosetta đã đi vào quỹ đạo sao chổi 67P Churyumov-Gerasimenko từ tháng 8 tới nay sau chuyến đi dài 10 năm từ Trái Đất. Sao chổi này cách Trái Đất 6 tỷ km.

Vnexpress
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo