Sách Việt vươn ra thế giới
Tự tìm kiếm thị trường nước ngoài bằng cách tham gia hội chợ sách quốc tế, mở trang web, trang mạng xã hội bằng các ngoại ngữ khác nhằm giới thiệu về nhà văn, tác phẩm nước mình là điều khá thông thường đối với nhiều đơn vị xuất bản nước ngoài. Thậm chí một số đại diện NXB nước ngoài trong khu vực Đông Nam Á từng chủ động sang nước ta tìm kiếm đối tác để chào bán bản quyền sách mà họ xuất bản hoặc làm đại diện.
Đại diện nhiều đơn vị xuất bản tư nhân Việt Nam cho biết không dại gì đầu tư tiền bạc và thời gian vào việc khó “nhằn” là xuất khẩu bản quyền sách Việt. Lý do thật đơn giản: tốn kém tiền bạc cho việc dịch các tác phẩm chào hàng, khó tìm ra thị trường và hiệu quả thì chưa thể biết được.
Số sách văn học Việt bán được bản quyền ra nước ngoài hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần lớn thông qua quan hệ cá nhân giữa tác giả với dịch giả/NXB nước ngoài hoặc do một số NXB tranh thủ mang đi chào hàng khi xuất ngoại mua bản quyền sách. Việc tự đăng ký một gian hàng bản quyền để giới thiệu, chào bán bản quyền sách văn học Việt tại các hội chợ sách quốc tế dường như chưa được quan tâm.
Bước đi đầu tiên
Để phá vỡ thế bị động này, Công ty sách Chibooks đã mở một gian hàng bản quyền đầu tiên giới thiệu bản quyền sách văn học Việt Nam tại KLTCC. Các tác phẩm văn học Việt do Chibooks làm đại diện bản quyền được bày biện trang trọng và thu hút sự quan tâm của gần 50 đại diện xuất bản đến từ các nước châu Á.
Ông Abd.Wahab, Chủ tịch Hiệp hội Sách Malaysia (thuộc Bộ Giáo dục Malaysia, đơn vị tổ chức KLTCC), cho biết đây là lần đầu tiên sách văn học Việt được chào bán bản quyền tại đây. Bà Rafiza AB.Rahman - đại diện NXB PTS One SDN - không khỏi tấm tắc trước những hình minh họa và bìa sách văn học Việt, đặc biệt rất thích thú cuốn Đi tìm hoang dã (tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên). Để giúp các NXB nước ngoài hiểu rõ hơn về tình hình xuất bản của công ty mình và của nền xuất bản Việt Nam, đại diện Công ty Chibooks đã tham gia chương trình Xin chào Việt Nam tại khuôn khổ hội chợ. Ngoài Chibooks, Alpha Books cũng tham gia KLTCC với tư cách người đi mua bản quyền.
Làm thế nào để chủ động bán sách ? Trước hết, các đơn vị xuất bản phải theo dõi lịch hoạt động thường niên của các hội chợ sách lớn trong khu vực và trên thế giới như: Taipei International Book Exhibition (Đài Loan, tháng 2), Bologna Children’s Book Fair (Ý, tháng 3), KLTCC (Malaysia, tháng 4), London Book Fair (Anh, tháng 4), BookExpo America (Mỹ, tháng 5), Beijing International Book Fair (Trung Quốc, tháng 9), Frankfurt Book Fair (Đức, tháng 10)... Việc tham gia có thể hoàn toàn thực hiện trên các trang web chính thức của hội chợ, hoặc đăng ký tham dự hội chợ theo nhóm, đoàn do các lãnh sự quán nước ngoài tại Việt Nam tổ chức. Mặt khác, việc gia nhập Hiệp hội xuất bản Đông Nam Á cũng sẽ giúp các đơn vị xuất bản Việt Nam, đặc biệt là những đơn vị tư nhân tự tin hơn khi tham dự các hội chợ sách quốc tế. |
Theo Thanh niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo