Sai chính tả: Sơ suất hay cẩu thả ?
Câu hỏi được đưa ra là "loài cá nào khi trưởng thành thì hai mắt mọc về cùng một phía?". Kết quả cuối cùng là “cá thờn bơn”, Tuy nhiên, trong các đáp án được đưa ra để lựa chọn trước đó, đáp án "D" nhắc đến một loài cá có tên là "cá trạch".
Chúng tôi đã tìm kiếm "cá trạch" trên trang "google", kết quả cho thấy cụm từ này xuất hiện rất nhiều nhưng tất cả đều nằm trong văn bản của các trang mạng xã hội hoặc các bài báo được viết trên các báo điện tử. Còn tại các trang điện tử chuyên ngành giải thích về khoa học hoặc từ điển tiếng Việt, từ điển bách khoa toàn thư, cụm từ này đều không có nghĩa.
Kỳ thực, "cá trạch" được nhiều tờ báo hay các trang điện tử nhắc đến lâu nay đều mang ý nghĩa nói về một loài cá có tên gọi là "chạch".
Theo từ điển tiếng Việt định nghĩa: "Chạch là loài cá nước ngọt, trông giống như lươn, nhưng cỡ nhỏ, thân ngắn và có râu, thường rúc trong bùn."
Từ trước tới nay, người ta vẫn thường nhắc đến chạch và lươn được coi như cặp đôi với nhau. Trong thành ngữ, tục ngữ dân gian cũng không ít lần nhắc đến loài này. "Đất sỏi có chạch vàng", "Lươn ngắn lại chê chạch dài"...
Còn từ "trạch" trong từ điển tiếng Việt chỉ đưa ra kết quả về một loài thực vật được gọi là "trạch tả", là loài cây thảo mộc ở các đầm ao, thân ngầm, hình cầu, màu trắng, dùng làm thuốc.
Theo từ điển bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) có định nghĩa về loài "Cá chạch sông", là một loài cá thuộc chi Mastacembelus trong Họ Cá chạch sông. Đây là loài bản địa sinh sống ở sông ngòi ở Ấn Độ, Pakistan, Sumatra, Sri Lanka, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và một số khu vực khác ở Đông Nam Á. Tại các quốc gia bản địa, chạch sông là một trong những loài cá thực phẩm quan trọng. Là một loài ăn thịt, cá chạch sông ăn ấu trùng côn trùng ở đáy nước, giun đất.
Họ Cá chạch sông là một họ cá, trong tiếng Việt có tên gọi chung là cá chạch hay chạch. Họ này là một phần của bộ Synbranchiformes, bao gồm các loài lươn, chạch. Các loài cá chạch này nói chung sinh sống trong các môi trường nước ngọt và nước lợ có lớp đáy mềm.
Tại Việt Nam, người ta đã ghi nhận sự tồn tại của ít nhất là 5 loài. Cụ thể là chạch khoang, chạch rằn, chạch lá tre hay chạch gai, chạch bông, chạch sông
Liên quan đến chuyện từ ngữ bị dùng sai chính tả khi xuất hiện trên truyền hình, đây không phải là lần đầu tiên. Lâu nay một loại nước gia vị có tên "Xốt Mayonnaise Lisa" hay "Mì Omachi Xốt Spaghetti" được quảng cáo rầm rộ trên truyền hình, đều bị dùng sai chính tả. Những từ dùng sai chính tả này được in ấn hoành tráng trên bao bì nhãn mác, bày bán phổ biến tới người tiêu dùng.
TS. Phạm Tất Thắng (Trưởng phòng Phòng từ vựng học - Viện Ngôn Ngữ học) đã từng cho biết, trong từ điển tiếng Việt từ trước tới nay, không có loại nước gia vị nào có tên là "nước xốt" mà chỉ có "nước sốt" mới là từ chuẩn. Và người ta thường nói đến các món ăn như bò sốt vang, đậu sốt cà chua...
Mới đây, chuyện động trời xảy ra khi vở luyện tập Tiếng Việt 1 (tập 1) của NXB Đà Nẵng sai chính tả cơ bản khi viết "giỗ tổ" thành "dỗ tổ", "cây nêu" thành "cây lêu" và "có giỗ" thành "có dỗ".
Được biết, hiện Nhà xuất bản Đà Nẵng đang tiến hành thu hồi toàn bộ Vở luyện tập Tiếng Việt 1” (tập 1) của tác giả Đặng Thị Lanh, được NXB Đà Nẵng cấp giấy phép và in tại Công ty in Tổng hợp Cầu Giấy (Hà Nội).
Theo VnMedia
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Là chủ của Thiên Đình, tại sao Ngọc Hoàng lại sợ hãi đến trốn cả vào gầm bàn, phải nhờ cậy Phật Tổ Như Lai khi Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung?
Phát hiện mới về nguyên nhân tuyệt chủng của loài 'quái vật' biển cổ dài
Ai được xem là ‘nhà thơ của làng cảnh Việt Nam’ ? Có bài thơ người Việt nào cũng thuộc