Sai phạm Tập đoàn cao su VN:Xem xét chuyện "lẩn" vốn đi?
Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh đã e ngại như vậy khi chia sẻ về kết quả thanh tra Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam do Thanh tra Chính phủ vừa thực hiện.
PV: - Thanh tra Chính phủ vừa kết thúc quá trình thanh tra Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và kiến nghị Thủ tướng và các cơ quan chức năng xử lý sai phạm về kinh tế ở tập đoàn này với tổng số tiền hơn 8.366 tỉ đồng. Phần lớn các sai phạm này là do đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, dẫn đến thua lỗ. Ông đánh giá thế nào về những sai phạm của Tập đoàn cao su VN?
ĐBQH Trần Ngọc Vinh: - Về vụ việc của Tập đoàn cao su tôi nghĩ là cần phải nghiên cứu kỹ hơn về kết quả thanh tra. Tuy nhiên nhìn nhận chung về việc đầu tư ngoài ngành cần phải thấy vấn đề từ chính sách.
Khi có chủ trương cho các tập đoàn, tổng công ty đầu tư ngoài ngành, có nghĩa là chấp nhận một người không có nghề đem tiền đi đầu tư. Như vậy, rủi ro rất lớn.
Ví dụ như Vinalines, Vinashin nhiệm vụ của họ là đóng tàu nhưng chính sách đề ra lại cho họ đa ngành đa nghề. Do đó họ đã đem vốn nhà nước đi đầu tư vào bất động sản, du lịch... nên bị thua lỗ gây thất thoát tài sản lớn của nhà nước.
Ở Tập đoàn cao su cũng xảy ra tình trạng tương tự. Ở đây sai phạm do người ta một phần nhưng cũng do cả cơ chế, chủ trương một phần. Chúng ta phải sửa điều này.
Đây là bài học kinh nghiệm về việc sử dụng vốn nhà nước phải đầu tư chính ngành để đảm bảo có tập trung, quản lý, giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng kinh doanh không thành công dẫn đến thất thoát vốn.
PV: - Thời gian qua, Tập đoàn Cao su đang có sự tăng trưởng rất mạnh, tổng doanh thu 6 năm đạt 116 ngàn tỷ đồng. Cũng trong giai đoạn này, Tập đoàn Cao su bắt đầu mở rộng diện tích trồng cao su ở Tây Bắc và miền Trung, những nơi được nhiều chuyên gia cảnh báo rất "kỵ" cao su.
Tập đoàn này cũng tiến hành đầu tư ngoài ngành và liên tục thua lỗ. Liệu có động cơ chuyển giá trong hoạt động trồng cao su ở Tây Bắc, miền Trung hay đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn Cao su hay không, thưa ông? Vì sao?
Có nên đặt vấn đề chuyển giá để xem xét khi thanh tra hoạt động của Tập đoàn cao su?
ĐBQH Trần Ngọc Vinh: - Về việc chuyển giá chủ yếu xảy ra đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Còn doanh nghiệp trong nước vấn đề này không phải là vấn đề lớn cần đặt ra.
Tuy nhiên về việc bất chấp cảnh báo của các nhà chuyên môn khi Tập đoàn này trồng cao su tại những khu vực Tây Bắc, Miền Trung thì cũng phải nhìn nhận ở hai góc độ.
Trước hết có thể là do Tập đoàn muốn mở rộng diện tích. Nhưng việc mở rộng này khi chưa có nghiên cứu thấu đáo về mặt thổ nhưỡng, sinh thái... trong khi chuyên gia cảnh báo là không phù hợp thì cũng phải nhìn nhận trách nhiệm.
Ở đây là cả cơ quan thẩm định, cho phép Tập đoàn này trồng một cách rộng rãi như vậy cũng phải chịu trách nhiệm.
Cũng cần phải xem xét xem liệu có phải Tập đoàn này biết là không hiệu quả nhưng vẫn làm để đưa vào trong giá thành rồi hợp thức hóa nguồn, lẩn vốn đi... thì cũng phải nghiên cứu, xem xét rõ.
PV: - Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ về một số sai phạm của Tập đoàn Cao su có đề cập đến hiện tượng lập công ty sân sau và còn nêu một vụ việc cụ thể khác là thua lỗ của Công ty Tài chính cao su trực thuộc. Đến nay tổng lỗ của Công ty Tài chính cao su đã lên tới 1.775 tỉ đồng - vượt quá tổng tài sản (1.630 tỉ đồng). Công ty này ngoài việc cho các công ty thành viên tập đoàn vay, đã cho vay hầu hết vào bất động sản, chứng khoán... Đặc biệt, công ty này còn gửi tiền vào Công ty cho thuê tài chính II.
Tập đoàn Cao su đề nghị Thủ tướng cho sáp nhập nguyên trạng công ty này vào công ty mẹ và dùng vốn của tập đoàn để giải quyết. Ông bình luận như thế nào về cách làm của Tập đoàn Cao su? Bản chất của đề nghị sáp nhập này là gì?
ĐBQH Trần Ngọc Vinh: - Về cách làm này tôi nghĩ cũng cần phải xem lại. Phải xem đã đúng quy định của pháp luật hay chưa và các tập đoàn kinh tế có được phép làm như thế không?... Tất cả những điều này cần có cơ quan chuyên môn xem xét kỹ và đưa ra quyết định đúng với pháp luật.
PV: - Theo ông, trách nhiệm cá nhân trong những sai phạm của Tập đoàn Cao su nên được nhìn nhận thế nào? Hình thức xử lý hợp lý sẽ là gì?
ĐBQH Trần Ngọc Vinh: - Tôi cho rằng cần phải nhìn nhận cả hai mặt. Mặt nào tốt thì ghi nhận, còn về sai phạm cũng cần xử lý nghiêm minh.
Đặc biệt đối với người đứng đầu cần làm rõ trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật để tránh tình trạng lỗi tập thể.
Vấn đề này chúng ta đã nhắc đến nhiều, do vậy trong từng vụ việc cụ thể cần làm rõ để nghiêm phép nước và làm gương.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại chính sách đặc biệt tại WEF Davos
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?