Tin tức - Sự kiện

Sau 'đau đớn', Bộ trưởng Tiến cần làm gì?

Hơn lúc nào hết, trọng trách và khả năng lèo lái con thuyền y tế được đặt vào tay Bộ trưởng và lãnh đạo các sở y tế.

LTS: Những ngày này, cả xã hội "sốc" nặng về vụ việc động trời ở Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường, như một giọt nước tràn ly trước hàng loạt sai phạm của ngành y tế lâu nay. Điều quan trọng hơn, sau hàng loạt sai phạm, ngành y cần có những giải pháp gì, để có thể chấn hưng công việc chữa bệnh cứu người, lấy lại niềm tin trong nhân dân đang bị tổn thương nặng nề.

Mới đây, Tuần Việt Nam nhận được bài viết của một bác sĩ. Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin đăng tải bài viết dưới đây.

Đã có quá nhiều sự việc tồi tệ xảy ra với ngành y tế trong năm 2012-2013. Các ví dụ điển hình được phanh phui như hàng loạt các trường hợp tử vong mẹ và bé sơ sinh trên toàn quốc, trẻ tử vong sau tiêm vaccine, vụ nhân bản xét nghiệm bệnh viện Hoài Đức, vụ đánh cắp và tráo phim X-quang tại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình, TPHCM, tham nhũng tại Bệnh viện Răng hàm mặt TPHCM, đánh tráo thủy tinh thể tại Viện Mắt Hà Nội.

Vụ việc bác sĩ tại trung tâm thẩm mỹ Cát Tường gây chết bệnh nhân và ném xác xuống sông là đỉnh điểm của sự xuống cấp trong ngành y. Trong vụ việc này, tham lam, liều lĩnh, và mất nhân tính được quy kết cho cá nhân BS Nguyễn Mạnh Tường.

Nhưng trước hết, các lỗi trách nhiệm của ngành y tế phải được xác định.

Sau mỗi vụ việc được phanh phui, dư luận lên án với những bất bình, bức xúc, tiếp theo là các kiến nghị, chỉ đạo từ các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, xử lý các vụ việc vẫn chỉ mang tính đối phó, nhất thời, và gần như không có một hành động cụ thể nào có ảnh hưởng lâu dài đã được thực hiện.

Vì thế, không có gì đảm bảo các vụ việc với kịch bản tương tự, thậm chí tồi tệ hơn sẽ tiếp tục xảy ra. Có rất nhiều việc cho ngành y tế phải được cụ thể hóa, thực hiện ngay, với tính chất cơ bản là minh bạch, và quy trách nhiệm rõ ràng.

Giờ cũng là lúc Bộ trưởng Y tế cùng cộng sự thể hiện các phẩm chất và năng lực của mình. Ảnh: Lê Anh Dũng

Những việc cần làm ngay

Trước hết, phải thay đổi quan niệm của toàn xã hội và của chính ngành y. Quan hệ thầy thuốc và bệnh nhân cần phải được thay đổi bằng quan hệ người cung cấp dịch vụ và khách hàng.

Việc giữ quan điểm xưa cũ thầy thuốc- bệnh nhân tạo ra sự suy tôn giá trị không cần thiết, tạo nên ảo tưởng về sự hy sinh của cán bộ y tế, đồng thời tạo nên cơ chế mang tính hàm ơn- ban ơn, và xin- cho của ngành, tạo nên kẽ hở cho việc đòi hỏi quyền lợi, nhất là đòi hỏi phong bì.

Nói thẳng thắn, ngành y đã hoàn toàn thất bại trong cuộc chiến chống lại văn hóa phong bì, khi mà bản thân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến chấp nhận "việc đưa quà biếu sau điều trị đó là tấm lòng của người bệnh" (Dân trí, 26/ 3). Có những suy nghĩ đơn giản hơn, ví dụ như của ông Nguyến Tiến Quyết, GĐ Bệnh viện Việt Đức, khi cho rằng "việc cảm ơn bác sĩ là văn hóa của người Việt".

Cần nhớ rằng, hơn 15 năm trước đây, 12 Điều Y đức do Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương ký đã có quy định "Không nhận quà biếu của bệnh nhân dưới bất kỳ hình thức nào". Chấm dứt tuyệt đối, vô điều kiện nạn phong bì chính là phương thức tốt nhất lấy lại lòng tin của nhân dân và tạo điều kiện thúc đẩy cho chuyên môn phát triển lành mạnh.

Hãy trả lại đúng giá trị của ngành y cũng chỉ tương tự như mọi ngành nghề khác trong xã hội, như người nông dân làm ra hạt lúa, như người công nhân dệt tấm vải mà thôi. Đừng khoác lên nó bất kỳ danh hiệu "cao quý" nào. Trách nhiệm này cần được quy thuộc về Bộ trưởng Y tế, Vụ Pháp chế Bộ Y tế, lãnh đạo trực tiếp các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương.

Thứ hai, đừng kêu gọi một cách sáo rỗng về vấn đề lương tâm và y đức đối với các cán bộ y tế. Việc này rất ít, nếu không nói là không có hiệu quả. Điều quan trọng hơn là việc quy trách nhiệm đến từng cá nhân cán bộ công nhân viên của ngành.

Mỗi một vị trí, từ lãnh đạo, người làm chuyên môn, đến các vị trí thấp nhất như hộ lý, tại cơ sở công hay tư, đều được xác định rõ quyền hạn, nhiệm vụ và khả năng đảm trách công việc của mình bằng văn bản. Người cán bộ y tế có quyền từ chối các công việc ngoài phạm vi văn bản này.

Vụ việc gây tử vong bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ là một ví dụ khi bác sĩ chấn thương chỉnh hình lại làm... phẫu thuật thẩm mỹ, đồng thời làm luôn nhiệm vụ bác sĩ gây mê hồi sức. Trách nhiệm này cần được quy thuộc cho sở y tế các tỉnh thành phố, và lãnh đạo trực tiếp các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương.

Thứ ba, ngành y tế nên xem xét lại, và phải chấm dứt hoặc xiết chặt tình trạng làm việc "chân trong, chân ngoài" khi một cán bộ y tế vừa làm công việc nhà nước 08 giờ mỗi ngày, tham gia trực đêm, cấp cứu đột xuất lại vừa làm công việc tại các phòng khám hay bệnh viên tư.

Áp lực từ cả hai nơi khiến cho họ không thể thực hiện tốt cả hai, ngoại trừ một số lĩnh vực cụ thể.

Lạm dụng thời gian nhà nước, chất lượng chăm sóc xuống thấp, gây khó khăn cho bệnh nhân, móc ngoặc, đưa bệnh nhân ra ngoài, chính là hậu quả của việc vừa công vừa tư mà các giải thích về vấn đề lương bổng hay trợ cấp không thể biện hộ.

Trên thực tế, thu nhập phần lớn cán bộ y tế không hẳn thấp hơn các ngành nghề khác. Vụ việc gây tử vong bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ cũng lại là ví dụ của một bác sĩ thực hiện lấy cắp giờ công của Nhà nước để thực hiện công việc riêng. Trách nhiệm này quy thuộc cho Bộ trưởng Y tế, các giám đốc sở y tế các tỉnh thành phố, và lãnh đạo trực tiếp các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương.

Thứ tư, ngành y tế phải tiến hành tổng kiểm tra toàn bộ các cơ sở hành nghề y tế tư nhân, bao gồm các cơ sở khám chữa bệnh và các nhà thuốc. Mặc dù hoạt động khám chữa bệnh y tế tư nhân ngày càng chiếm thị phần lớn hơn, nhưng có thể nói rằng lĩnh vực này gần như hoàn toàn thả nổi về chất lượng và hoạt động thu chi, khi ngành y tế thực chất chỉ nắm được một ít con số về số lượng.

Ngoài tổng kiểm tra, một cơ chế theo dõi, giám sát và đánh giá thường kỳ phải được thiết lập. Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh y tế tư nhân phải công khai niêm yết các hạng mục họ được phép thực hiện, theo đúng với nhân sự, trang thiết bị và khả năng chuyên môn để thực hiện các hạng mục ấy.

Tất cả các nhà thuốc tư nhân bắt buộc phải công khai giá các thuốc, phải cam kết bán theo đơn chỉ định của bác sĩ, và chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc, kể cả thực phẩm chức năng. Tất cả các hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế, dù hậu quả như thế nào, phải chịu trách nhiệm dân sự hoặc khởi tố. Trách nhiệm này quy thuộc cho Cục Quản lý‎ khám chữa bệnh Bộ Y tế, phòng nghiệp vụ y và đơn vị quản ly hành nghề y dược tư nhân tại sở y tế các tỉnh.

Thứ năm, trên phạm vi cả nước, ngành y tế cần yêu cầu tất cả các cơ sở y tế các cấp, và các cơ sở y tế tư nhân minh bạch các thông tin về hoạt động khám chữa bệnh, các dịch vụ được cung cấp, năng lực, quyền hạn, và trách nhiệm mỗi cơ sở y tế.

Trong thời đại của công nghệ thông tin, các cơ sở y tế cấp tỉnh trở lên và các cơ sở y tế tư nhân bắt buộc phải có website công bố hoạt động, giá cả, và sự đảm bảo chất lượng của mình. Hệ thống quản lý‎ này không chỉ mang tính đăng kiểm mà còn đảm bảo người bệnh và khách hàng có quyền được nhận thông tin về cơ sở y tế mà họ sẽ khám chữa bệnh.

Hơn lúc nào hết, các hành động cấp thiết phải được làm ngay với ngành y nhằm khôi phục lại phần nào chất lượng, y đức, và niềm tin nơi nhân dân. Hơn lúc nào hết, trọng trách và khả năng lèo lái con thuyền y tế được đặt vào tay Bộ trưởng và lãnh đạo các sở y tế. Thời điểm này, cũng là lúc Bộ trưởng và các lãnh đạo cộng sự có thể hiện các phẩm chất và năng lực của mình.

Theo VietnamNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo