Pháp luật

Sẽ khởi tố điều tra sai phạm Mường Thanh, điều tra bổ sung vụ Hà Văn Thắm

Sẽ khởi tố điều tra sai phạm Mường Thanh, điều tra bổ sung vụ Hà Văn Thắm vì lộ thêm sai phạm, xem xét tội tham ô đối với "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như ... là nội dung đáng chú ý tuần qua.

Sẽ khởi tố điều tra sai phạm của Mường Thanh

Công trình tại dự án Đại Thanh do Doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư có nhiều sai phạm - Ảnh: LÂM HOÀI/Tuổi trẻ.

Như tin tức Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa, sáng 5/7, mở đầu phần tái chất vấn việc thực hiện kết luận của chủ tọa tại kỳ họp trước, đại biểu HĐND TP đã chất vấn lĩnh vực quản lý đô thị, trong đó việc vi phạm trật tự xây dựng được nhiều đại biểu quan tâm.

Trả lời chất vấn của Trưởng ban kinh tế ngân sách HĐND TP. Hà Nội, bà Phạm Thị Thanh Mai, về tiến độ điều tra, xử lý một số vụ việc sai phạm xây dựng nghiêm trọng, giám đốc Công an Hà Nội Đoàn Duy Khương cho hay, cơ quan điều tra đang chờ ý kiến của Bộ Công an để khởi tố sai phạm tại Doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên.

Ông Đoàn Duy Khương cho hay, doanh nghiệp của ông Thản thời gian qua đã triển khai 12 dự án trên địa bàn thủ đô. "Qua điều tra, các dự án đều có dấu hiệu trốn thuế, dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý nhà ở".

Theo ông Khương, Công an Hà Nội nhận được chỉ đạo Chủ tịch UBND TP  về việc tiếp nhận kết luận sai phạm của doanh nghiệp này từ thanh tra thành phố. Đồng thời, Bộ Công an cũng nhận kết luận của Thanh tra Chính phủ về công ty này hoạt động trên 21 tỉnh thành.

Trong quá trình điều tra, Công an thành phố đã phối hợp chặt chẽ với C46 Bộ Công an để xác minh những dấu hiệu vi phạm Pháp Luật của doanh nghiệp này tại Hà Nội. "Việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đang chờ ý kiến quyết định của Bộ Công an", người đứng đầu Công an Hà Nội cho biết.

 

Điều tra bổ sung vụ Hà Văn Thắm, lộ thêm nhiều sai phạm

Hà Văn Thắm tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 3. Ảnh Vietnamnet

Ngày 7/7, Cơ quan CSĐT Bộ Công an hoàn tất bản kết luận điều tra bổ sung vụ Hà Văn Thắm và đồng phạm. Theo đó, Hà Văn Thắm (SN 1972, Bắc Giang), nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank bị đề nghị truy tố các tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", "Tham ô tài sản" và "Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản", theo báo Vietnamnet.

Theo kết luận điều tra bổ sung, trong quá trình điều tra vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã điều tra mở rộng và phát hiện, ngoài những nội dung sai phạm pháp luật đã làm rõ, còn có những hành vi vi phạm như:

Hành vi liên quan việc góp vốn, gây thất thoát số tiền 800 tỷ đồng của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) vào Oceanbank (tương đương 20% vốn điều lệ của Oceanbank).

Hành vi của những cá nhân liên quan tại các tổ chức kinh tế gửi tiền và nhận các khoản tiền ngoài lãi suất huy động từ Oceanbank, trong đó có một số tổ chức kinh tế lớn, nhiều vốn Nhà nước đã nhận các khoản tiền lãi ngoài để ngoài sổ sách kế toán nhằm hưởng lợi bất chính.

 

Hành vi liên quan đến các khoản vay của 8 khách hàng gồm công ty TNHH bất động sản TNN; công ty CP BSC Việt Nam; công ty CP Đầu tư và tư vấn tài chính Liên Việt; công ty CP Tập đoàn Vina Megastar; công ty CP Nam Dinh; công ty CP sân Golf Ngôi sao Chí Linh; công ty CP Đầu tư Toàn Việt và công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng và Kinh doanh nhà) với tổng dư nợ gốc hơn 1.785 tỷ đồng (nợ nhóm 5) tại Oceanbank.

Hành vi tạo dựng 45 hợp đồng khống ký với 20 đối tác để rút tiền sử dụng cá nhân gây thiệt hại cho Oceanbank hơn 117 tỷ đồng bằng việc sử dụng tài khoản Vũ Thị Thùy Dương, Giám đốc khối kế toán để hoàn ứng các khoản chi phí của Oceanbank.

Vì thời hạn điều tra đã hết nên ngày 24/5/2017, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã ra quyết định tách vụ án hình sự để tách các hành vi này tiếp tục điều tra, xử lý trong giai đoạn 2 của vụ Hà Văn Thắm và đồng phạm.

Xem xét tội tham ô đối với "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như

Huỳnh Thị Huyền Như tiếp tục bị xem xét tội Tham ô. Ảnh: VNE 

Sáng 4/7,  TAND TP.HCM xác nhận đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, làm làm rõ tội danh của Huỳnh Thị Huyền Như. Theo đó, Tòa cho rằng có dấu hiệu cho thấy bà Huyền Như phạm tội Tham ô tài sản, theo tin tức trên báo Tiền phong. 

 

Cụ thể, theo quyết định trả hồ sơ của TAND TPHCM, đơn vị này cho rằng khi 5 công ty mở tài khoản thanh toán tiền gửi vào Vietinbank và chuyển vào tổng số tiền hơn 1.085 tỷ đồng, Huyền Như đã đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, dùng nhiều thủ đoạn gian dối để chuyển toàn bộ số tiền này ra khỏi hệ thống gửi tiền của Vietinbank rồi chiếm đoạt. Hành vi này của Huyền Như, Tòa cho rằng là tham ô tài sản chứ không phải lừa đảo chiếm đoạt tài sản như truy tố của VKS. 

Hồ sơ vụ án thể hiện, khoảng năm 2009, Như đầu tư chứng khoán và bất động sản nhưng bị thua lỗ nặng. Biết các công ty: Cổ phần chứng khoán Phương Đông, Cổ phần chứng khoán SaigonBank Berjara (SBBS), Bảo Hiểm Toàn Cầu, Hưng Yên và An Lộc muốn gửi tiền vào ngân hàng, Như nảy sinh ý định chiếm đoạt để trả nợ.

Huyền Như lợi dụng danh nghĩa quyền trưởng phòng giao dịch, huy động vốn cho Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Cô ta thỏa thuận với nhân viên, lãnh đạo các công ty sẽ trả lãi suất và chi ngoài cao đến 36% một năm.

Như sau đó làm giả hợp đồng tiền gửi giữa các công ty với Vietinbank chi nhánh Nhà Bè; giả chữ ký, hồ sơ chuyển tiền và chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của 5 đơn vị.

Bắt cán bộ Sở TN&MT Bạc Liêu chiếm đoạt tài sản

 

Công an tỉnh Bạc Liêu thực hiện bắt tạm giam các nghi can. (Ảnh: Công an tỉnh Bạc Liêu)

Chiều 4/7, nguồn tin từ Phòng CSĐT về kinh tế Công an tỉnh Bạc Liêu cho hay, đơn vị này vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ba cán bộ thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh để điều tra về hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, theo tin tức trên báo Infonet.

Ba cán bộ bị bắt là ông Lê Trung Kiên, ông Ngô Văn Tá (cùng 42 tuổi) và ông Bùi Mạnh Hòa (41 tuổi). Cả ba người cùng ngụ tại TP. Bạc Liêu và lần lượt là đội trưởng đội đo đạc số 1, số 5 và số 7 của Trung tâm kỹ thuật tài nguyên và môi trường thuộc Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu. Cả ba cán bộ bị bắt để điều tra hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Theo thông tin điều tra bước đầu, từ năm 2013, ba bị can trên đã ký hợp đồng đo đạc với các tổ chức, cá nhân, sau đó lập chứng từ rút tiền rồi chiếm đoạt mà không cấp lại cho nhân viên trong đội với số tiền chiếm đoạt lên tới hàng trăm triệu đồng

Đại tá Dương Trung Trực cho biết trước đó vụ việc này đã được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu kết luận, sau đó chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền. Hiện vụ án đang được điều tra mở rộng.

Bắt sới bạc khủng trong căn biệt thự ở Sài Gòn

 

Các đối tượng tham gia chơi cờ bạc bị bắt giữ. Ảnh: ANTĐ.

Chiều 6/7, Cục Cảnh sát hình sự (C45) phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (K20) – Bộ Công an triệt phá thành công một tổ hợp cờ bạc tại khu phố 2, phường Thạnh Lộc, quận 12 (TP. HCM), theo tin tức trên báo SGGP.

Hiện cảnh sát đang tạm giữ 33 đối tượng để tiếp tục điều tra, xử lý về các hành vi “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc”. Cầm đầu đường dây này là Nguyễn An Thạnh, 31 tuổi, ngụ trên đường TX15, phường Thạnh Xuân (quận 12).

Theo thông tin ban đầu, 14h ngày 6/7, gần 100 cảnh sát thuộc phòng 5, phòng 8, Cục Cảnh sát Hình sự phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát cơ động Bộ Công an bất ngờ ập vào biệt thự nằm trên đường TL 24 (KP.2, P.Thạnh Lộc, Q.12, TP. HCM), theo tin tức trên báo Thanh Niên

Khi thấy công an, hàng chục con bạc đã tung cửa chạy thoát thân qua con rạch phía sau biệt thự nhưng đã bị lực lượng công an bí mật bao vây và khống chế.

Sòng bạc quy mô này do Nguyễn An Thạnh (31 tuổi, ngụ đường TX51, P.Thạnh Xuân, Q.12) cầm đầu. Thạnh khai nhận đầu tháng 3/2017 đã thuê phần đất phía sau biệt thự với giá 6 triệu đồng/tháng và xây dựng một dãy phòng để hình thành tổ hợp cờ bạc với nhiều hình thức ăn thua.

 

Theo điều tra ban đầu của cơ quan công an, tổ hợp cờ bạc này thường xuyên có hàng chục người đến chơi suốt ngày đêm. Những đợt cao điểm có khoảng 80 con bạc đến sát phạt. Tất cả đều được đàn em của Thạnh đưa vào bằng lối đi bí mật khó bị phát hiện; số tiền sát phạt mỗi ngày lên đến cả tỉ đồng.

Nên đọc

Huyền Như lợi dụng danh nghĩa quyền trưởng phòng giao dịch, huy động vốn cho Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Cô ta thỏa thuận với nhân viên, lãnh đạo các công ty sẽ trả lãi suất và chi ngoài cao đến 36% một năm.

Như sau đó làm giả hợp đồng tiền gửi giữa các công ty với Vietinbank chi nhánh Nhà Bè; giả chữ ký, hồ sơ chuyển tiền và chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của 5 đơn vị.

Trân Châu (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo