Bình luận về tình trạng hoạt động của các đại lý được ủy quyền đăng ký thuê bao di động trả trước hiện nay, đại diện Cục Viễn thông phải buột miệng than thở: "Các điểm này không ổn chút nào, vẫn đồng thanh làm bậy khiến cho số lượng thuê bao rác vẫn cứ phát sinh, không biết bao giờ mới ngừng".
Trước đó, trong đợt thanh tra diện rộng về thuê bao di động trả trước tại TP.HCM cuối năm 2013, Sở TT&TT Thành phố cho biết gần như 100% các đại lý đăng ký thuê bao trả trước cũng như các nhà mạng hoạt động trên địa bàn đều vi phạm quy định về đăng ký thông tin, như một chứng minh thư được khai cho nhiều số cùng lúc, khai man thông tin....
Bất chấp những biện pháp kiên quyết và mạnh tay của Bộ TT&TT suốt thời gian qua, tình hình thuê bao trả trước tại Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp trong thực tế. Theo ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở, nguồn phát tán tin nhắn rác có thể quy về ba đầu mối chính. Đó là bản thân các doanh nghiệp di động (Telco), các nhà cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn (CP) và đối tác thứ ba (SubCP).
Hiện tượng tin nhắn rác đã được phát hiện thấy từ cả 3 đầu mối này, khi các nhà mạng bị phản ánh phát tán tin nhắn rác quảng cáo dạng flash, các CP gửi tin nhắn quảng cáo dịch vụ còn SubCP thì quảng cáo tràn lan về đủ nội dung, thậm chí có cả mê tín dị đoan, kích động, khiêu dâm.
Tuy nhiên, đại diện Sở TT&TT TP.HCM cho rằng, hai nút thắt đầu tiên thực chất vẫn có thể gỡ được một cách tương đối dễ bằng các biện pháp như quy định tần suất tin nhắn, hơn nữa, đó là những doanh nghiệp lớn, "có tên có tuổi" để cơ quan quản lý nắm được, "có muốn nắm tóc cũng không khó" thì nút thắt cuối cùng - các SubCP mới là đối tượng "trôi nổi nhất".
Các SubCP này hầu hết đều sử dụng SIM rác trả trước để phát tán tin nhắn rác nên việc truy ra nguồn gốc cũng như ngăn chặn bằng chế tài gần như bất khả thi. Cách duy nhất để chặn đường các SubCP chính là siết thuê bao trả trước, siết SIM rác. "Chung quy lại thì gốc vẫn là SIM rác", ông Cường nhấn mạnh.
Quản như trả sau?
Đại diện Sở khẳng định, với một địa bàn rộng lớn như Thành phố thì không thể ngày nào cũng huy động đoàn kiểm tra đi thanh tra các đại lý, doanh nghiệp được. Nên chăng Bộ nên cân nhắc việc quản lý thuê bao trả trước như thuê bao trả sau thông qua ký hợp đồng để ràng buộc, ông Cường kiến nghị.
Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông thừa nhận rằng, việc quản lý thuê bao trả trước đúng là đang mắc nhất ở các đại lý được ủy quyền đăng ký thuê bao. "Các điểm đăng ký này không ổn chút nào, phớt lờ quy định khiến cho số lượng thuê bao rác vẫn cứ phát sinh, không biết bao giờ mới ngừng".
Tuy nhiên, ông Hải quan ngại việc quản lý thuê bao trả trước như trả sau chưa có nước nào trên thế giới áp dụng và có thể đụng chạm đến thông lệ Quốc tế, cơ quan quản lý cũng không được phép tùy hứng trong việc xây dựng các văn bản quy định, bởi nếu quy định quá cứng thì lại có nguy cơ hạn chế sự phát triển của thị trường. Trong thời gian chờ đợi các quyết sách mới của Bộ TT&TT có tác động đến thị trường, các địa phương cần tăng cường quản lý, thanh kiểm tra trên địa bàn để hạn chế đại lý, doanh nghiệp "làm bậy".
Tăng cường quản lý kinh tế
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng chia sẻ có hai cách để siết thuê bao trả trước, từ đó quản lý được thuê bao ảo và SIM rác. Ngoài biện pháp hành chính đơn thuần như tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp, đại lý, Thứ trưởng cho rằng còn cần phải áp dụng các biện pháp kinh tế, đánh thẳng vào quyền lợi các bên liên quan.
Đơn cử như quy định SIM không được nạp sẵn tiền trong tài khoản mà Bộ đã đưa vào Thông tư 14. Kể từ khi Thông tư này được ban hành, số lượng thuê bao đến cuối năm 2013 đã giảm xuống còn 90 triệu, tụt tới 40 triệu so với cùng kỳ năm 2012. Rõ ràng, biện pháp này đã khiến một số đông người dùng từ bỏ thói quen dùng SIM thay thẻ nạp điện thoại trước đây.
Theo ước tính của Bộ TT&TT, số thuê bao di động thực sự trên thị trường chỉ khoảng 60 triệu, tức là vẫn còn khoảng 20-30 triệu thuê bao rác vẫn đang lưu hành. Trên cơ sở đó, Bộ đã yêu cầu nhà mạng phải ra quyết định hủy SIM lưu hành sau 2 năm mà không kích hoạt.
"Phải đợi các SIM này hủy hết thì thị trường mới qua được một thanh lọc khác. Số liệu thuê bao lúc đó mới tương đối chính xác được", Thứ trưởng nhận định.
Hiện tại, hướng quản lý của Bộ là nhấn mạnh hơn vào các biện pháp kinh tế, không có các chương trình khuyến mại sai quy định thì số lượng thuê bao rác, thuê bao ảo sẽ giảm mạnh như thời gian qua đã chứng minh.
Tuy nhiên, việc thanh kiểm tra thường xuyên vẫn rất quan trọng bởi không riêng các đại lý, nhà mạng nếu không bị xử lý, không bị cắt hợp đồng thì cũng sẽ 'tiếp tục làm bậy, làm ẩu". Đồng thời trong thời gian tới, Bộ tiếp tục quản lý chặt giá cước thông qua việc xây dựng giá sàn, cũng như chấn chỉnh các hoạt động khuyến mãi của nhà mạng.
Thứ trưởng cũng nhất trí với đề nghị của Sở về việc xem xét quy định các doanh nghiệp, CP có nhu cầu nhắn tin lớn phải đăng ký số lượng tin nhắn tối đa với nhà mạng, có thể 100 hay 200 tin nhắn/ngày. Quy định này sẽ không ảnh hưởng đến người sử dụng thông thường vì không ai nhắn tới 100 tin nhắn/ngày, kể cả trong dịp Tết.
Vietnamnet